Ngoại giao gấu trúc

02/07/2017 09:13 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Đối lập với bộ lông mềm mại đáng yêu của gấu trúc là những tính toán đối ngoại rắn như thép: Bảo Bảo và Thiên Thiên hồi 1980 làm tan chảy trái tim người Berlin, đồng thời làm náo động cả thủ đô không kém những võ sĩ Thiếu Lâm…

Hiện tại có 54 gấu trúc sống ở ngoài biên giới Trung Quốc - để hoàn thành sứ mệnh ngoại giao và kinh tế?

“Welcome to Berlin”

Hàng chữ chạy điện lấp lánh trên bảng tin của phi trường Berlin Tempelhof hôm 5/11/1980, khiến hàng ngàn hành khách đang vội vã đi ngang phải ngoảnh đầu lại xem. Chiếc vận tải cơ Hercules chuyến đặc biệt của Không lực Hoa Kỳ hôm nay đáp xuống chậm 3 tiếng trong sự nóng ruột của một trăm nhà báo, 8 kênh truyền hình và thiếu tướng Calvert P. Benedict, chỉ huy ban quân quản của các quận Berlin do Mỹ phụ trách từ sau Thế chiến II. 

Hai cũi to sơn xanh lam chứa mặt hàng quý hơn vàng: hai khối len mềm đen trắng, một “trai” một “gái”, 22 và 24 tháng tuổi, và đủ đáng yêu để cả Berlin đổ xô tới Tempelhof.

Chú thích ảnh
Mộng Mộng và Kiều Khánh - tình yêu mới của Berlin

“Đây là khoảnh khắc đẹp nhất trong đời tôi” - Giám đốc Sở thú Heinz-Georg Kloes mấp máy thốt lên, quên cả bà vợ đứng cạnh quắc mắt. Dàn đồng cả Berlin cất tiếng hát khi món quà từ Bắc Kinh chập chững lăn vào ngôi nhà xa xỉ 750.000 mark của Sở thú.

“Tôi có cảm giác như vừa sinh con”, nhật báo Zeit trích lời một bà khách đang thấm nước mắt, giữa đám đông gí mũi vào tấm kính che để ngắm hai con gấu trúc do đích thân thủ tướng Hoa Quốc Phong trao tặng thủ tướng Helmut Schmidt.

Nói là món quà vô giá cũng đúng theo nghĩa đen của từ, vì ngày đó không thể nào mua nổi bằng tiền, kể cả rất nhiều tiền. Và không chỉ từ thời điểm đó, nghĩa cử đặc biệt này của Trung Hoa được gắn cho cái tên “ngoại giao gấu trúc”, thời nay còn có tên “quyền lực mềm (soft power)”, vì Bắc Kinh chỉ tặng cho nước nào mà họ muốn tăng cường quan hệ. Năm 2013, Đại học Oxford tổ chức thống kê và nhận ra các món quà gấu trúc như Bảo Bảo và Thiên Thiên luôn đi đôi với cán cân thương mại tăng trưởng với các quốc gia được đưa vào tầm ngắm.

Chú thích ảnh
Angela Merkel nhận được con gà trắng từ nữ tổng thống Liberia, nhưng gửi lại sứ quán Đức tại địa phương nuôi chứ không đem về nhà - phải chăng Đức không mặn mà với Liberia?

Berlin lại tái phát “cơn sốt Panda”

Sẽ không bao giờ có lại không khí tưng bừng ngày đó - cho đến cách đây vài hôm.

Gấu trúc là loài vật nhạy cảm, nhất là khi sống ở vùng khí hậu khác. Bảo Bảo và Thiên Thiên qua đời năm 1984 và 2012, cùng trước thời điểm mà Trung Quốc bắt đầu mua lại hàng loạt nợ công của Tây Âu và Bắc Mỹ với quy mô lớn. Nếu tin vào nhận định của Đại học Oxford thì phải có tín hiệu nào đó từ Bắc Kinh chứ?

Tín hiệu đó là cặp đôi Mộng Mộng và Kiều Khánh, 3 và 6 tuổi, lần này trong một ngữ cảnh hơi khác. Không chỉ vì lượng phóng viên đông gấp ba, không chỉ vì lần này có mặt cả thị trưởng Berlin lẫn Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Trung Quốc trong đoàn nghênh tiếp, mà đã lâu nay Trung Quốc chỉ cho “thuê” gấu trúc chứ không tặng nữa, giá mỗi năm 1 triệu USD, và người mượn phải đóng bảo hiểm 1 triệu USD/năm cũng như xây chuồng khoảng 10 triệu USD. Và nếu những “đồ mượn” này sinh con đẻ cái thì mặc nhiên đó là sở hữu của Trung Quốc.

Gốc gác của ý tưởng này có từ thế kỷ 7. Theo sử sách đời nhà Đường, hoàng hậu đình đám thời Đường Cao Tông là Võ Tắc Thiên tặng cho triều đình Nhật Bản 2 con gấu trúc để hâm nóng quan hệ ngoại giao. Nhưng mãi đến thời Chiến tranh Lạnh thì từ đó mới sinh ra một chiến thuật đối ngoại: năm 1957 và 1959 Trung Quốc tặng Liên Xô 2 con panda. Hoa Kỳ, ngày ấy còn là “kẻ thù không đội trời chung”, còn phải đợi lâu, mãi tận đến 1971 là khởi điểm của cái gọi là “nền ngoại giao bóng bàn (có đi có lại)”. Tháng 2/1972 tổng thống đương nhiệm Richard Nixon bắt tay Mao Trạch Đông, để rồi vào hai tháng sau, một cặp gấu trúc được tưng bừng đón tiếp bởi 20.000 khách trước Vườn thú Washington.

Tiếp đó là hàng loạt địa chỉ mang tầm chiến lược quan trọng: Pháp, Mexico, Nhật Bản…

Chú thích ảnh
Chó Pushkina ở Nhà Trắng là quà Khrushchev tặng con gái Caroline của Kennedy - rất có thể là lời nói kháy: Pushkina là con của con chó Strelka từng lên vũ trụ hồi 1960 như minh chứng sống cho sự ưu việt của khoa học vũ trụ Liên Xô

Người Đức căn cơ

Tờ Frankfurter Allgemeine thở dài: “Chỉ thiếu mỗi thảm đỏ!”. Cũng dễ hiểu, sau năm 2016 lao đao vì một triệu người tị nạn từ Trung Đông nhập cư và hệ quả của khủng hoảng tài chính toàn cầu chưa được khắc phục hẳn, người đóng thuế dễ sốt ruột và xót ruột vì chục triệu euro bỏ ra cho thú vui bốn cẳng ấy. Nhưng kinh nghiệm cho thấy mọi lo lắng về tiền bạc là vô căn cứ. Người Đức không chỉ căn cơ, họ cũng giỏi tính toán.      

Vườn bách thú Edinburgh mở ra bao nhiêu năm là chừng ấy năm do nhà nước bao cấp để tránh sập tiệm. Năm 2011, trước khi ký một hiệp định thương mại tỉ đô với Trung Quốc, họ nhận được hai chú panda, và sau hai năm số tiền bán vé đã tăng gấp đôi. Rõ ràng là một vụ ba bên cùng có lợi: Trung Quốc cho thuê gấu để dễ dàng ký hiệp định thương mại, Scotland trả tiền thuê với giá triệu đô, và khán giả rên lên vì sướng. Hay vườn thú Đài Bắc, ở đó người ta giẫm đạp lên nhau để vào xem, đến nỗi phải phân thành từng nhóm 400 người, mỗi đợt xem không quá 6 phút, và mỗi ngày không quá 200.000 khách!

Dĩ nhiên không phải ai cũng bàng quan thời cuộc. Hồi Trung Quốc đại lục mời vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) hai chú gấu trúc giữa thời kỳ căng thẳng 2007, nhà lãnh đạo Đài Loan Trần Thủy Biển chịu áp lực vô cùng nặng nề. Nhận “quà” thì sợ đòn tâm lý, không nhận quà thì ngại dư luận sau khi một tờ báo tổ chức trưng cầu dân ý và nhận được 70% đồng thuận! Họ Trần im re, hoãn binh cho đến ngày hết nhiệm kỳ, nhưng vừa nhậm chức là nhà lãnh đạo kế nhiệm Mã Anh Cửu ký đánh roẹt, dù biết rằng hai con gấu - rất tình cờ (!) mang tên Thống Thống và Nhất Nhất.

Nếu không có panda?

Có thể gấu trúc chỉ có ở Trung Quốc, nhưng nước này không độc quyền về “ngoại giao” theo cách này. Từ mấy trăm năm nay, các nguyên thủ đều biết mặt lợi hại của việc tặng nhau các con vật dễ thương, như giáo sư sử học Roscher ở Đại học Kassel (Đức) chuyên nghiên cứu quan hệ người - vật nhận định: “Con vật đem tặng luôn có ẩn ý”. Karl Đại đế nhận quà tặng là một con voi từ quận chúa vùng Bagdad là Harun al-Rashid, trước khi họ hợp sức chống lại Đế quốc Đông La Mã. Sau này Ai Cập cũng thử nghiệm “ngoại giao” dạng này khi tặng các vua chúa châu Âu ba con hươu cao cổ hồi 1826, với kết quả là Pháp từ bỏ ủng hộ Hy Lạp trong cuộc chiến giành độc lập.

Gấu trúc khổng lồ ở Nhật sinh con

Gấu trúc khổng lồ ở Nhật sinh con

Một con gấu trúc thuộc dòng gấu trúc khổng lồ đã được sinh ra tại vườn thú Ueno ở thủ đô Tokyo của Nhật Bản ngày 12/6.

Giáo sư Roscher cũng kể về những giai thoại kém vui khác. Năm 1962, bốn năm sau khi Việt Nam tặng Vườn thú Đông Berlin một con voi con để cảm ơn tình đoàn kết chống Mỹ, bộ trưởng tư pháp Hoa Kỳ Robert F. Kennedy cay cú trả lời bằng cách tặng Sở thú Tây Berlin một con đại bàng đầu trắng, như “biểu tượng của sự bảo trợ của Mỹ đối với Tây Berlin”. Chỉ tiếc, như bác sĩ thú y của Sở thú nói, con đại bàng đó “chỉ là một con quạ già”, nó sống được đúng hai năm.

 Các nước khác cũng thi nhau dùng “đại sứ” kiểu này để thắt chặt bang giao. Australia tặng gấu koala, Indonesia tặng rồng Komodo v.v…    

Riêng gấu trúc tuân theo một quy định hi hữu: Trung Quốc có quyền đòi về bất cứ lúc nào! Năm 2010, sau khi không thuyết phục được Obama bỏ kế hoạch tiếp Đạt Lai Lạt Ma, hai con gấu trúc của Washington bị lên đường hồi hương ngay. 2012, Vienna cũng mời Đạt Lai Lạt Ma và nhận được lời cảnh báo tương tự, và chuyện chỉ kết thúc êm thấm khi Vienna rối rít xin lỗi, đồng thời nhấn mạnh sự ủng hộ “chính sách một nhà nước Trung Quốc”.

Mộng Mộng và Kiều Khánh trước tiên không phải lo hồi hương sớm bởi như để cự lại chính sách bế quan tỏa cảng của Donald Trump, hiện nay Merkel và Tập Cận Bình đang vai sát vai đầy thân thiện.    

Lê Quang
Thể thao & Văn hóa
 

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm