Mở lại đường bay thương mại quốc tế là giải pháp cho ngành du lịch, hàng không

23/12/2021 19:36 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - “Nếu chúng ta chậm trễ trong việc mở lại thị trường bay quốc tế, không những chúng ta mất đi cơ hội thu hút khách vào đúng thời điểm, mà còn chậm trễ trong việc phục hồi những lĩnh vực khác”, quan điểm trên được Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh đưa ra tại Tọa đàm trực tuyến “Thành phố Hồ Chí Minh: Mở cửa đón khách du lịch quốc tế và kiều bào an toàn, chu đáo”, do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều 23/12.

9 đường bay quốc tế thường lệ chuẩn bị khởi động trở lại

9 đường bay quốc tế thường lệ chuẩn bị khởi động trở lại

Liên quan đến công tác chuẩn bị mở lại các đường bay quốc tế theo chỉ đạo của Chính phủ, tối 16/12, ông Võ Huy Cường, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam thông tin, theo chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Giao thông Vận tải, chúng ta sẽ mở lại đường bay quốc tế thường lệ theo hai giai đoạn.

Tại buổi Tọa đàm, đại diện lãnh đạo các cơ quan, đơn vị liên quan đã trao đổi, chia sẻ các nhận định, giải pháp để Thành phố Hồ Chí Minh mở cửa đón khách du lịch, kiều bào ta về nước an toàn, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần.

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa

* Mở lại đường bay thương mại quốc tế

Từ đầu cầu Hà Nội, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho biết, gần hai năm qua, từ tháng 3/2020 đến nay, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng hết sức tiêu cực đến mọi mặt đời sống xã hội, trong đó du lịch và hàng không là hai lĩnh vực bị ảnh hưởng đầu tiên và hết sức nặng nề. Dự báo đây là hai lĩnh vực trong thời gian tới sẽ tiếp tục gặp rất nhiều khó khăn.

Nhận định Nghị quyết 128/NQ-CP (ngày 11/10/2021) của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 nhằm phục hồi hoạt động kinh tế-xã hội là một chủ trương đúng đắn và phù hợp với bối cảnh hiện nay, ông Nguyễn Trùng Khánh cho rằng việc mở lại đường bay thương mại quốc tế là một trong những việc hết sức cần thiết, đặc biệt có ý nghĩa ở thời điểm cuối năm khi nhu cầu đi lại của người dân, nhất là của Việt kiều, người Việt Nam sinh sống ở nước ngoài, quay trở về đất nước rất cao.

Việc triển khai mở lại đường bay thương mại quốc tế sẽ là giải pháp cho ngành du lịch cũng như ngành hàng không. Nếu tổ chức được các chuyến bay thương mại thường lệ sẽ giúp cho hoạt động thí điểm triển khai đón khách du lịch quốc tế hiện nay đạt kết quả tốt hơn, tiến đến mở lại hoàn toàn việc đón khách du lịch quốc tế như trước thời điểm xảy ra dịch bệnh.

“Nếu chúng ta chậm trễ trong việc mở lại thị trường bay quốc tế, không những chúng ta mất đi cơ hội thu hút khách vào đúng thời điểm, mà còn chậm trễ trong việc phục hồi những lĩnh vực khác, và cao hơn nữa là chúng ta sẽ mất đi năng lực cạnh tranh của ngành du lịch cũng như của nền kinh tế Việt Nam”, ông Nguyễn Trùng Khánh phân tích.

Thông tin về mục tiêu khôi phục ngành du lịch của Thành phố Hồ Chí Minh trong năm 2022, Phó Giám đốc Sở Du lịch thành phố Bùi Thị Ngọc Hiếu cho biết, từ tháng 10/2021, Sở đã tham mưu với UBND thành phố xây dựng kế hoạch phục hồi du lịch thích ứng với dịch COVID-19 với những giai đoạn cụ thể.

Năm 2022, bước vào giai đoạn 3 với mục tiêu khôi phục toàn bộ hoạt động du lịch, không có giới hạn về quy mô cũng như các dịch vụ đi kèm, để có những kế hoạch, bước đi phù hợp với điều kiện tình hình hiện tại, Sở Du lịch đánh giá lại hiệu quả của giai đoạn 1 và 2, tham mưu với UBND thành phố điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện bộ tiêu chí đánh giá an toàn dịch COVID-19 trong ngành du lịch để các đơn vị trong ngành có khung, tiêu chí áp dụng theo, bảo đảm an toàn của du khách đến với Thành phố Hồ Chí Minh.

Chú thích ảnh
Đồng thời, Sở Du lịch phối hợp, hỗ trợ cho doanh nghiệp quảng bá thương hiệu trên tất cả các nền tảng, đặc biệt là chuyển đổi công nghệ số và đưa các thông tin đến với bạn bè quốc tế. Ảnh minh họa

Phương thức là đưa các sàn thương mại điện tử, công nghệ thông tin vào quảng bá sản phẩm của các doanh nghiệp. Sở Du lịch xây dựng, quảng bá điểm đến của thành phố với giá trị cốt lõi là: cởi mở, sống động, hứng khởi, hướng về tương lai.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Du lịch và Tiếp thị giao thông vận tải Việt Nam (Vietravel), đánh giá, lượng khách quốc tế về Việt Nam sắp tới từ tháng 12/2021 đến tháng 3/2022 chủ yếu là Việt kiều. Đây là nhu cầu chính đáng của bà con muốn về thăm quê hương sau 2 năm bị gián đoạn vì dịch. Vietravel đã mở cửa trở lại 4 văn phòng tại nước ngoài ở Mỹ, Pháp, Australia, Thái Lan, sắp tới là Singapore, để kiều bào đến đăng ký.

Nếu Chính phủ cho mở bay thương mại vào tháng 1/2022 thì lượng khách sẽ về rất đông. Vietravel hy vọng Chính phủ sẽ cho phép Thành phố Hồ Chí Minh là điểm thứ 6 đón khách, vì thành phố đạt tỉ lệ tiêm chủng 2 mũi rất cao, 98% và đang triển khai tiêm mũi 3. Thành phố gần như đã đạt miễn dịch cộng đồng, nhiều người mắc hiện nay ở thể nhẹ.

*“Bơm oxy”, tái khởi động hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp

Trong bối cảnh vừa phòng, chống dịch, vừa khôi phục kinh tế, hàng không có thể xem là một ngành tiên phong dẫn dắt khu vực kinh tế và đặc biệt là khôi phục du lịch. Phó Tổng Giám đốc Vietjet Air Nguyễn Thị Thúy Bình cho biết, doanh nghiệp đã chuẩn bị tất cả kế hoạch cho các kịch bản khác nhau để có thể triển khai ngay lập tức sau khi dịch bệnh được kiểm soát cũng như được các cơ quan quản lý nhà nước phê duyệt.

Vietjet đã phối hợp cùng Tổng cục Du lịch và các địa phương triển khai thí điểm các chuyến bay đưa khách du lịch quốc tế đến Phú Quốc và Đà Nẵng từ các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc); chuyên chở thí điểm được hơn 1.500 khách, trong đó có khách du lịch quốc tế cũng như kiều bào về Việt Nam du lịch, thăm nhà… Chương trình thí điểm cho thấy, công tác chuẩn bị phối hợp của các địa phương với hãng hàng không và công ty du lịch rất khả quan.

Tuy nhiên, bà Bình cũng chia sẻ, chính sách mới của Chính phủ và hướng dẫn Bộ Y tế mới đưa ra là tín hiệu rất tốt, “cánh cửa đã hé mở”, nhưng doanh nghiệp hàng không vẫn còn có lo lắng. Doanh nghiệp đã lên kế hoạch, kịch bản, nhưng đến nay, vẫn chưa được cấp phép để mở các đường bay.

“Thậm chí, tần suất chuyến bay để chúng tôi có thể ra nước ngoài đón kiều bào về nước hay khách du lịch, dù có nhu cầu rất lớn, nhưng vẫn chưa được. Chúng tôi cũng không biết làm thế nào để phục vụ người dân, khách du lịch một cách đồng bộ nhất, nhanh nhất, dù chúng tôi đã sẵn sàng”, bà Bình bày tỏ.

Theo bà, các quy trình kiểm soát dịch bệnh áp dụng cho hơn 1.000 khách thí điểm vừa qua đã được doanh nghiệp lấy đó làm kinh nghiệm để kiểm soát bệnh dịch. Ở 5 điểm đến đầu tiên, quy trình đó rất tốt. Nếu việc đón khách quốc tế được mở ra là đã có một quy trình chuẩn. Song, hiện nay khách bay vẫn bị hạn chế.

“Khi nào chúng ta mới mở cửa và phục vụ như thế nào để đồng bộ nhất, tránh tình trạng phải thực hiện yêu cầu này, yêu cầu kia và các yêu cầu không giống nhau. Đó cũng là điều chúng tôi đang lo lắng và mong muốn các cơ quan quản lý giúp làm rõ các quy trình và tiến độ, khi nào chúng tôi được phục vụ kiều bào Việt Nam về quê ăn Tết, phục vụ khách du lịch đến Việt Nam”, vị Phó Tổng Giám đốc Vietjet Air băn khoăn. 

Liên quan đến vấn đề này, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh khẳng định, Tổng cục, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã khẩn trương phối hợp cùng các bộ, ngành tham mưu điều chỉnh lại Hướng dẫn 4122 triển khai thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, thích hợp với bối cảnh mới, tình hình mới.

Vừa qua, Bộ Y tế đã ban hành quy định cấp hộ chiếu vaccine, đây là cơ hội tốt để người dân Việt Nam có thể đi ra nước ngoài. Bộ Ngoại giao cũng đang làm việc hết sức khẩn trương để công nhận giấy chứng nhận vaccine của các nước khác, để khi họ có nhu cầu vào Việt Nam thì giấy chứng nhận đó chính là giấy thông hành. Như vậy, cánh cửa thông cho inbound và outbound đã được mở ra.

Tại Tọa đàm, các vị khách mời cũng đề xuất nhiều giải pháp mở cửa an toàn, phát triển bền vững, như xây dựng Chiến lược tổng thể của Chính phủ trong thời gian dài, cho giai đoạn từ nay đến năm 2023, 2025; không nên sử dụng biện pháp dừng đi lại để phòng, chống dịch, mà cần tính đến biện pháp để mỗi người dân trong cộng đồng có ý thức bảo vệ chính mình; duy trì cuộc sống bình thường theo cách thức mới để thích ứng an toàn; chuyển đổi số, có nền tảng công nghệ chung, đồng bộ để kiểm soát dịch bệnh; “bơm oxy”, tái khởi động hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp…

Chu Thanh Vân/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm