Hà Nội thêm 709 ca F0, bắt đầu triển khai mạng lưới thầy thuốc đồng hành điều trị Covid-19

08/12/2021 20:26 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Tin từ Sở Y tế Hà Nội, từ 18 giờ ngày 7/12 đến 18 giờ ngày 8/12, Hà Nội ghi nhận 709 ca F0, trong đó có 243 ca tại cộng đồng, còn lại ở khu cách ly và khu phong tỏa.

Hà Nội đã có 851 F0 điều trị tại các trạm y tế lưu động của 22 quận, huyện

Hà Nội đã có 851 F0 điều trị tại các trạm y tế lưu động của 22 quận, huyện

Ngày 8/12, theo tin từ Sở Y tế Hà Nội, trước tình hình số ca nhiễm Covid-19 gia tăng, 30/30 quận, huyện, thị xã đã xây dựng phương án triển khai trạm y tế lưu động tại 508 xã, phường, thị trấn với phương châm mỗi thôn, xóm, cụm dân cư có một địa điểm sẵn sàng đáp ứng công tác phòng, chống dịch Covid-19.

709 ca F0 phân bố tại 245 xã, phường, thị trấn thuộc 28/30 quận, huyện, trong đó quận Đống Đa có 177 ca, huyện Đông Anh có 86 ca, huyện Gia Lâm có 46 ca...

Riêng 243 ca tại cộng đồng phân bố tại 138 xã phường thuộc 27/30 quận huyện. Cộng dồn số ca mắc COVID-19 tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 29/4/2021 đến nay) là 15.255 ca, trong đó số ca mắc ghi nhận ngoài cộng đồng là 5.847 ca, số ca mắc là đối tượng đã được cách ly là 9.408 ca.

Nhằm triển khai các biện pháp cấp bách thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, triển khai ứng dụng công nghệ thông tin áp dụng phần mềm theo dõi, quản lý, điều trị F0 tại nhà, Sở Y tế Hà Nội vừa triển khai mạng lưới thầy thuốc đồng hành hỗ trợ chăm sóc, điều trị bệnh nhân COVID -19 tại nhà trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người thực hiện cách ly. Ảnh: Minh Quyết - TTXVN

Hiện Sở Y tế Hà Nội đã sẵn sàng phối hợp với Hội thầy thuốc trẻ Việt Nam, Hội thầy thuốc trẻ Hà Nội và các đơn vị liên quan nhanh chóng triển khai phần mềm kết nối điều trị người bệnh F0 tại nhà.

Lợi ích của việc triển khai là sẽ hỗ trợ quản lý, phân tầng điều trị người bệnh. Cụ thể, khi người dân được phát hiện là F0, người bệnh sẽ đăng nhập tài khoản, cập nhật đầy đủ thông tin người bệnh, lịch trình di chuyển; phần mềm sẽ sàng lọc bệnh nhân theo cập nhật tình hình sức khoẻ người bệnh hàng ngày và sẽ có cảnh báo khi phát hiện bất thường về sức khỏe người bệnh.

Trong phần mềm có phản hồi tin nhắn, tương tác 2 chiều giữa người bệnh và thầy thuốc. Phần mềm cũng xác nhận người bệnh, sau khi kết thúc điều trị cũng phải có tin nhắn thông báo cho người bệnh…

Trước đó, tháng 8/2021 thành phố Hà Nội đã đưa vào vận hành Tổng đài 1022, tiếp nhận, giải đáp các kiến nghị, phản ánh và tư vấn liên quan đến phòng, chống dịch COVID-19 với 6 nhánh, trong đó nhánh 3 là nhánh kết nối đến mạng lưới thầy thuốc đồng hành. Kết nối với nhánh 3, người dân sẽ được hỗ trợ tư vấn chăm sóc sức khỏe trực tuyến liên quan đến dịch COVID-19, đặc biệt là người mắc COVID-19.

Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành do Sở Y tế Hà Nội và Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam phối hợp triển khai nhằm huy động nguồn lực xã hội tư vấn người nhiễm hoặc có nguy cơ cao mắc COVID-19 tại cộng đồng, hỗ trợ tăng cường cho ngành Y tế Hà Nội. Với 300 y, bác sĩ, mạng lưới Thầy thuốc đồng hành chia thành 2 nhóm chính.

Trong đó, nhóm Tư vấn nhận cuộc gọi đến từ nhân dân và tư vấn chăm sóc sức khỏe cộng đồng gồm các bác sĩ có kinh nghiệm. Nhóm chăm sóc chủ động kết nối thăm hỏi sức khỏe và tư vấn các trường hợp mới phát hiện mắc COVID-19, hoặc đang trong các khu cách ly tập trung.

Cụ thể, thông qua hệ thống tổng đài kết nối trực tuyến hai chiều và công cụ điều phối công việc theo thời gian thực cho tình nguyện viên, y bác sĩ có thể đồng thời tư vấn từ xa cho bệnh nhân; ghi và theo dõi kết quả tình trạng bệnh của từng trường hợp; phân tầng nguy cơ, cung cấp thêm thông tin về các ca bệnh nặng, hỗ trợ y tế địa phương trong việc điều phối nguồn lực cấp cứu, nhập viện.

Tuyết Mai/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm