Hà Nội đẩy mạnh xử lý các dự án sử dụng đất vốn ngoài ngân sách chậm triển khai

19/08/2021 19:25 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Lãnh đạo TP. Hà Nội yêu cầu các sở ngành đôn đốc, kiểm tra, xử lý các dự án sử dụng đất vốn ngoài ngân sách chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn thành phố với các nội dung cụ thể, thiết thực, hiệu quả, báo cáo UBND TP. Hà Nội ngay trong tháng 8/2021 để xem xét, chỉ đạo.

Hà Nội lấy ý kiến nhân dân khi lập Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030

Hà Nội lấy ý kiến nhân dân khi lập Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030

Để đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn Hà Nội, làm cơ sở để thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện lập Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030 và Kế hoạch sử dụng đất năm 2022 cấp huyện trên địa bàn.

UBND TP. Hà Nội giao Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội chủ trì, phối hợp các sở, ngành: Kế hoạch và Đầu tư, Quy hoạch - Kiến trúc, Tài chính, Xây dựng, Cục Thuế thành phố Hà Nội, căn cứ các nội dung kiến nghị của HĐND thành phố, xây dựng kế hoạch tiếp tục triển khai thực hiện giai đoạn 2021- 2023 việc đôn đốc, kiểm tra, xử lý các dự án sử dụng đất vốn ngoài ngân sách chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn thành phố với các nội dung cụ thể, thiết thực, hiệu quả; báo cáo UBND thành phố trong tháng 8 để xem xét, chỉ đạo.

Chú thích ảnh
Ảnh minh hoạ

Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục làm cơ quan đầu mối phối hợp, đôn đốc, kiểm tra, giám sát, hướng dẫn và xử lý các vi phạm trong việc quản lý, sử dụng đất tại các dự án vốn ngoài ngân sách, chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn thành phố; làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị chậm thực hiện hoặc không thực hiện đầy đủ các nội dung kết luận, kiến nghị của HĐND thành phố và kịp thời đề xuất, báo cáo UBND thành phố những nội dung vướng mắc vượt thẩm quyền.

Các sở, ngành thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã, căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, các nội dung kết luận, kiến nghị của HĐND, UBND thành phố tại các văn bản liên quan để chủ động, tiếp tục thực hiện các giải pháp, biện pháp kiểm tra, đôn đốc, xử lý các vi phạm; tạo điều kiện, hướng dẫn nhà đầu tư giải quyết các vướng mắc tại các dự án theo quy định của pháp luật để sớm đưa đất vào khai thác, sử dụng hiệu quả, đúng quy hoạch, đúng quy định; đồng thời, kiên quyết thực hiện chấm dứt dự án đầu tư, thu hồi đất do không đưa vào sử dụng, chậm đưa vào sử dụng theo quy định của pháp luật.

Trước đó, đánh giá của Thường trực HĐND TP. Hà Nội sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết số 15 của HĐND thành phố, gần 3 năm thực hiện kiến nghị giám sát của HĐND thành phố và kết luận phiên giải trình của Thường trực HĐND thành phố, kết quả đạt thấp mặc dù UBND thành phố đã giao nhiệm vụ cho các sở, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã giải quyết các tồn tại, hạn chế trong xử lý vi phạm dự án chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai.

Tổng hợp danh mục các dự án vẫn chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai còn tồn tại vi phạm từ thời điểm trước giám sát năm 2018 và phát sinh thêm từ năm 2018 đến nay cần tiếp tục được các cơ quan, đơn vị theo dõi, đôn đốc, giám sát việc triển khai dự án theo quy định.

Chú thích ảnh
Sau khi đầu tư hàng chục ngàn tỉ đồng, dự án bỗng dưng bị “đắp chiếu”

Cụ thể, nhóm 63 dự án chưa được giao đất, cho thuê đất chậm thực hiện các thủ tục đầu tư, chậm triển khai theo quyết định được phê duyệt. Trong đó, có 18 dự án cần thanh tra, kiểm tra để báo cáo UBND thành phố chấm dứt dự án theo quy định; 31 dự án chậm, tạm dừng cần điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh cơ chế thực hiện do vướng mắc giữa các Luật; 8 dự án chậm nhưng đề xuất tiếp tục triển khai và đề nghị đẩy nhanh tiến độ; 6 dự án thành phố đã có chỉ đạo giao các sở chuyên ngành kiểm tra, thanh tra, chờ thực hiện theo kết luận.

Ngoài ra, có nhóm 287 dự án đã được giao đất chậm triển khai, vi phạm Luật đến thời điểm tháng 5. Trong đó, bao gồm: 60 dự án chậm đưa đất vào sử dụng đề nghị gia hạn 24 tháng; 59 dự án chậm giải phóng mặt bằng; 20 dự án chậm thực hiện nghĩa vụ tài chính; 76 dự án có các vi phạm khác; 39 dự án dừng thanh tra (do các cơ quan khác thanh tra hoặc dự án chưa được phê duyệt, chưa được giao đất...).

17 dự án kiểm tra, hậu kiểm và xử lý theo quy định của pháp luật; 16 dự án phát sinh sau thời điểm giám sát của HĐND năm 2018 đến tháng 3, hiện đang triển khai nhưng chậm tiến độ so với tiến độ được duyệt.

Thảo Nhi

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm