Đi tìm hậu duệ Bình Tây đại Nguyên soái Trương Định

19/08/2014 09:49 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Bình Tây đại Nguyên soái Trương Định rút gươm tự sát tại Gò Công, Tiền Giang ngày 20/8/1864 để giữ tròn khí tiết khi bị thương, và rơi vào vòng vây của giặc Pháp.  Đúng 150 năm sau, tại quê hương Tịnh Khê, Sơn Tịnh, Quảng Ngãi, sẽ diễn ra Lễ kỷ niệm ngày Trương Định tuẫn tiết, và đón nhận bằng di tích Quốc gia Nhà lưu niệm anh hùng dân tộc Trương Định.

Phóng viên Thể thao & Văn hóa đã tìm về quê gốc của Bình Tây đại nguyên soái với hy vọng gặp được các hậu duệ của ông.

Đến nay vẫn là một câu hỏi chưa có lời giải rõ ràng, dù ở Tịnh Khê có những người mang dòng họ Trương được cho là hậu duệ đằng nội của Trương Định.

Chúng tôi tìm đến nhà ông Trương Văn Thanh, trưởng tộc của dòng họ Trương ở xóm Khê Thương, thôn Tư Cung. Ông Thanh năm nay 62 tuổi cho biết: “Đáng tiếc, gia phả dòng họ Trương chúng tôi đã bị chiến tranh, bom đạn đốt cháy, nếu không thì mọi chuyện đã rõ ràng. Nhưng, nghe bác tôi là ông Trương Hợi (đã chết) kể lại, thủy tổ dòng họ Trương của chúng tôi có nguồn gốc ngoài Bắc, di cư vào đây lập làng. Cụ thủy tổ sinh ra được 5 người con, chia thành 5 nhánh (nhánh của cụ Trương Định là nhánh trưởng), 5 nhánh này vẫn tồn tại đến ngày nay, trong đó, nhánh của tôi là trưởng nam nhà thờ họ Trương, nên cứ đến ngày 2 tháng Chạp hằng năm các nhánh lại cùng quy tập về đây để dẩy mộ”.


Nhà lưu niệm anh hùng dân tộc Trương Định tại xã Tịnh Khê, Sơn Tịnh, Quảng Ngãi

Nếu đúng như lời ông Thanh kể, theo logic danh tướng Trương Định sẽ nằm cùng nhánh với trưởng nam nhà thờ họ Trương. Tuy nhiên, khi nhìn lên bàn thờ tổ tiên của gia đình chúng tôi không thấy bài vị của cụ Trương Định nên đã đặt câu hỏi với thân chủ.

Ông Trương Văn Thanh giải thích: “Tôi là hậu duệ đời thứ 16 của dòng họ Trương, trải qua bao nhiêu đời tôi cũng không nắm rõ được mọi chuyện, chỉ nghe ông Trương Hợi, bác ruột tôi kể lại. Sau khi cụ Trương Định hy sinh ở trong Nam, lính triều đình đã mang bài vị của cụ về tại cái giếng nước nằm ngoài đường, và gọi cụ Trương Hợi ra rước vào nhà để thờ tự. Tuy nhiên, vì sợ giặc  Pháp khi đó chặt đầu nên cụ Trương Hợi không dám nhận, và bài vị  ấy đã được đưa đi tới nơi khác”.

Trước lời kể có phần mơ hồ của ông Trương Văn Thanh (bởi tính theo tuổi đến năm 2014 cụ Trương Định mới 194 tuổi, nếu đời thứ 16 thì không thể đúng), chúng tôi đã tìm đến nhánh thứ hai của dòng họ Trương, ông Trương Tất (53 tuổi, hiện đang là Phó hiệu trưởng trường cấp 2 Võ Bẩm) để tìm hiểu thêm. Tuy nhiên, ông Tất cũng cho rằng, “gia phả họ Trương không còn nên mọi thứ không thể chứng minh rạch ròi được, chúng tôi vẫn chờ chính quyền đưa ra kết luận cuối cùng”.

Cần có một công trình nghiên cứu chuyên biệt

Ông Trương Thanh Thảo, chủ tịch UBND xã Tịnh Khê cho biết: “Hiện nay, ông Trương Văn Thanh (Trưởng tộc họ Trương ở xóm Khê Thượng, thôn Tư Cung) được cho là có quan hệ dòng tộc với cụ Trương Định, nhưng chỉ dựa theo những lời kể, chứ thực tế vẫn chưa có cái gì để chứng minh”.

Theo tiến sỹ Nguyễn Đăng Vũ (Giám đốc Sở VH,TT&DL Quảng Ngãi), hiện nay chỉ mới xác định được dòng họ ngoại của Trương Định ở làng Hòa Bân, xã Tịnh Thiện, TP Quảng Ngãi. Để xác định hậu duệ đằng nội của Trương Định, ông Vũ cho rằng nên cần thiết có một công trình nghiên cứu chuyên biệt, cụ thể về cuộc đời Trương Định tại Tịnh Khê, và những dòng họ gốc gác của Trương Định, bắt đầu từ các thư tịch, gia phả, tài liệu lưu trữ trong nước và ngoài nước (đặc biệt là ở Pháp). Bởi theo ông Vũ, hiện ở Tịnh Khê có ít nhất ba dòng họ Trương đều nhận anh hùng dân tộc Trương Định thuộc nhánh họ của mình.

Giáo sư Trần Văn Giàu, trong tác phẩm “Chống xâm lăng” đã viết: “Trương Định thật sự là một vị anh hùng xuất chúng, xuất chúng nhất nhì trong cuộc Nam Kỳ kháng chiến”.

Thực tế, tấm lòng yêu nước, vì dân của Trương Định đến nay vẫn là một tấm gương sáng ngời cho các thế hệ trẻ noi theo. Tuy nhiên, quả thật đáng tiếc nếu như gốc rễ của một vị anh hùng dân tộc mãi mãi ở trong vòng bí ẩn.

Khí tiết người anh hùng

Trương Định còn có tên là Trương Công Định. Ông sinh năm 1820 tại làng Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Đến năm 24 tuổi (1844) ông theo cha là Trương Cầm, người giữ chức Chưởng lý Thủy sư vào Gia Định.

Cuối năm 1864, trong một trận chiến tại căn cứ Tân Hoà, ông rơi vào vòng vây của quân Pháp. Trương Định và lực lượng nghĩa quân quyết tử chiến với giặc. Trong lúc chiến đấu, ông bị đạn bắn gãy xương sống. Không để rơi vào tay giặc, Trương Định rút gươm tự sát vào ngày 20/8/1864, tại Gò Công, Tiền Giang để bảo tồn khí tiết khi mới 44 tuổi.

Đăng Khoa
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm