Nhân 6 năm ngày mất nhà văn Sơn Nam: Ông già của người trẻ

09/08/2014 07:31 GMT+7 | Đọc - Xem

(Thethaovanhoa.vn) - Hôm qua 8/8 (nhằm 13/7 Âm lịch), tại Nhà lưu niệm Sơn Nam ở TP Mỹ Tho (Tiền Giang), gia đình nhà văn Sơn Nam đã làm lễ giỗ lần thứ 6 “ông già Nam bộ”. Năm nay, đám giỗ diễn ra có tính chất gia đình vì nhiều người cùng thời với Sơn Nam vắng mặt.

Năm ngoái, đám giỗ 5 năm ngày mất Sơn Nam có mặt nhà văn Nguyễn Quang Sáng, Trang Thế Hy, nhà thơ Kiên Giang - Hà Huy Hà... Nhưng năm nay, nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã không còn nữa; nhà văn Trang Thế Hy đi lại khó khăn phải có người bồng; nhà thơ Kiên Giang - Hà Huy Hà thì đang bệnh nặng. Dù thiếu vắng nhiều người cùng thời nhưng đám giỗ lần thứ 6 của Sơn Nam vẫn rất ấm cúng.

Sơn Nam nhận định về thơ

Hay tin đám giỗ “ông già”, nhà thơ Vũ Trọng Quang từ Sài Gòn xin được đến thắp nén nhang trên bàn thờ Sơn Nam. Vũ Trọng Quang cho biết: "Từ sau ngày ông già mất, do hoàn cảnh, tôi chưa đến nhà lưu niệm hay thăm mộ của ông lần nào. Năm nay tôi quyết định thu xếp mọi thứ để thắp nén nhang lên bàn thờ của ông. Lý do thật tình cờ, tôi tìm lại bài viết của Sơn Nam đúng 20 năm trước về tập thơ đầu tay của tôi. Tôi nghĩ thiệt có lỗi nếu mình không đến bàn thờ ông thắp một nén nhang, dù khi sống tôi gặp ông thường xuyên, và ông vẫn thường nói: Con người quan trọng hay nghĩa tình với nhau khi còn sống hơn khi đã khuất".

Bài viết của nhà văn Sơn Nam về tập thơ đầu tay của nhà thơ Vũ Trọng Quang, được hoàn thành vào tháng 8/1994. Bài viết này như một nhận định về thơ của một tác giả hậu bối. Không có kiểu "xoa đầu" hay "dạy đời", Sơn Nam viết về thơ của kẻ hậu sinh bằng cảm nhận riêng của người từng trải trong nghề.

Sơn Nam viết: "Đây là tập thơ đầu tay của Vũ Trọng Quang đọc qua, ta quả quyết họ Vũ đã từng làm thơ nhiều năm, tay nghề khá vững chắc, thận trọng từng ý tứ. Điều ngạc nhiên thích thú vẫn là hồn thơ bay phơi phới, gần như bẩm sinh. Nhận ra năng khiếu của mình, nhà thơ không lấy đó làm tự hào để tự phát, tha hồ nhả ngọc phun châu".

Quả thực, Sơn Nam đã nhận xét đúng về Vũ Trọng Quang khi nhà thơ không dựa vào năng khiếu để "tự phát". Người làm thơ ít nhiều đều biết, Vũ Trọng Quang là người luôn tìm tòi để thơ mình mới hơn, nhưng tìm tòi chưa hẳn đã thành công dù đó là một cố gắng của những đau đáu sáng tạo.

Tập thơ đầu tay của Vũ Trọng Quang có tên Đã hết giờ của Lọ Lem viết về thân phận của những người làm nghề mạt hạng trong xã hội. Thời đó, Vũ Trọng Quang đi xin giấy phép khắp các nhà xuất bản tại Sài Gòn nhưng không nơi nào cấp, với lý do: "tập thơ ca ngợi tệ nạn xã hội". Cuối cùng, tập thơ này được một nhà xuất bản ở tỉnh cấp phép ấn hành với lời giới thiệu của Sơn Nam.

Yêu quý bạn viết trẻ

Theo nhiều nguồn tin, nhà văn Sơn Nam chỉ có một bài thơ duy nhất in trong lời đề từ của bộ Hương rừng Cà Mau đã được nhạc sĩ Phạm Duy và một số nhạc sĩ khác phổ nhạc, với hai câu cuối: "Phong sương mấy độ qua đường phố/ Hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê".

Chỉ có một bài thơ "lận lưng", nhưng Sơn Nam đọc thơ rất tinh. Trong Đã hết giờ của Lọ Lem, từng bị nhiều nhà xuất bản "chê", Sơn Nam đã đọc được nhiều câu rất hay, ví dụ: "Tôi kiếm ăn bằng nhiều nghề khác/ Làm thơ để được nhẹ lòng mình/ Một dòng sông... Và một tiếng mưa đêm"; hoặc: "Bởi em rớt xuống bao người/ Tay không che được trận cười đàn ông"...

Nhà văn Đoàn Thạch Biền, bạn cùng thời với Vũ Trọng Quang có nói nhiều lần: "Vũ Trọng Quang giờ làm thơ cách tân, tìm tòi, nhưng bạn ấy một thời làm thơ lục bát rất hay". Hai câu lục bát Đoàn Thạch Biền thuộc lòng đã được Sơn Nam trích trong Lời nói đầu khi viết về Đã hết giờ của Lọ Lem.

Nói thế để thấy, Sơn Nam rất yêu quý bạn viết trẻ, sự yêu quý này thể hiện bằng việc đọc rất kỹ tác phẩm của người trẻ và cho ra nhận định chính xác. Còn nhớ, nhà thơ Lê Minh Quốc khi xuất bản tập biên khảo Người Quảng Nam đã nhờ "ông già" viết lời giới thiệu. Lê Minh Quốc cho biết, ông già nhận lời ngay và đọc rất kỹ khi có nhiều nhận định "tâm phục khẩu phục", đây có lẽ là bài viết trước khi "ông già" qua đời vào năm 2008. Nên nhớ, Sơn Nam còn là một nhà biên khảo về Nam bộ uy tín, nhưng ông vẫn sẵn lòng và đọc kỹ về biên khảo của "hậu sinh" Lê Minh Quốc.

Nhà văn Sơn Nam mất ngày 13/8/2008 (ngày 13/7 năm Mậu Tý). Hàng năm, gia đình Sơn Nam tổ chức giỗ ông vào ngày 13/7 Âm lịch, còn nơi ông an táng (Hoa viên Nghĩa trang Bình Dương) làm giỗ ông vào ngày 13/8 Dương lịch.


Hoàng Nhân
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm