Huế: Cầu thủ nhờ “Bao Công”… xử án

25/11/2009 12:35 GMT+7 | Hạng Nhất

(TT&VH) - Sau những mùa giải sống “cầm hơi”, cuối cùng đội bóng vùng sông Hương đã “cồn sóng”. Thậm chí, Huế đang đối diện với một cuộc khủng hoảng lực lượng, bởi rất nhiều cầu thủ “lăm le” nhờ “Bao Công” xử án để được đi khỏi đất Cố đô.

* Phát pháo mang tên… Tuấn Vũ!

Người nổ phát pháo đầu tiên là Tuấn Vũ, hậu vệ của ĐTQG. Ở Huế , Tuấn Vũ và một số đồng đội đã đáo hạn hợp đồng chuyên nghiệp từ tháng 8/2009. Tuy nhiên, trên giấy trắng mực đen, Vũ và các đồng nghiệp vẫn còn vướng hợp đồng với đơn vị chủ quản. Bởi trong hợp đồng gần như các cầu thủ Huế đều được “thòng” vào những khoản hợp đồng phụ (theo quy chế chuyên nghiệp CLB chỉ được ký hợp đồng chuyên nghiệp là 3 năm, nhưng Huế lại bắt ký đến… 5 năm)

Đơn cử với Tuấn Vũ, anh vẫn còn một năm hợp đồng lao động. Song nhận thấy sự bất hợp lí nói trên, Tuấn Vũ đã đề đạt nguyện vọng với CLB là được ra đi trước một tháng. Tuy nhiên, anh đã không được CLB đồng ý, dù đã cố gắng đưa ra những lí do chính đáng nhất.
 
Tuấn Vũ kiên quyết dứt áo ra đi

Thấy con trai mình luẩn quẩn không lối thoát, mẹ của Vũ thậm chí đã trực tiếp gõ cửa “xin” cho anh. Trong đó, bà đã đề cập đến hoàn cảnh khó khăn của gia đình, chẳng hạn như với khoản lương “bèo bọt” 900 ngàn đồng/tháng trong 4 tháng không thi đấu (ở Huế cầu thủ chỉ được ký hợp đồng chuyên nghiệp trong 8 tháng) không đủ mua sữa cho con (vợ Tuấn Vũ vừa sinh thêm con thứ 2), chứ chưa nói đến chuyện gồng gánh gia đình…

Đáp lại lời “thỉnh cầu” của gia đình Tuấn Vũ, các “sếp” của Huế thông báo: “Muốn rời Huế thì phải đền bù vì Vũ vẫn còn một năm hợp đồng lao động (chứ không phải chuyên nghiệp). Đó là chưa kể đến việc cầu thủ này phải chồng vào một khoản bồi hoàn phí đào tạo (nên nhớ Tuấn Vũ đã sắp bước qua tuổi 27)”.

Nói chuyện bằng “tình” không xong, quá bức xúc với sự thiếu thiện chí của lãnh đạo đội bóng Huế. Cuối cùng, Tuấn Vũ đang tính đến nước cờ cuối cùng là kéo nhau ra nói chuyện đúng, sai trước… tòa án.

* Có thành… domino?
Tuấn Vũ giờ là người “số má” nhất và là món hàng “hot” của Huế. Những nhà làm bóng đá Huế thực sự đứng trước một bài toán nan giải. Nếu để Tuấn Vũ ra đi thì rất có thể việc này sẽ trở thành một “hiệu ứng” xấu cho những cầu thủ khác (phân nửa là trụ cột). Và nếu điều đó trở thành sự thật thì bóng đá Huế sẽ đi vào ngõ cụt, bởi lực lượng của Huế đã không “tinh” lại còn mỏng. Chưa nói đến viễn cảnh tương lai mù mịt bởi mấy năm qua bóng đá trẻ Huế là một “vùng trắng” trên bản đồ bóng đá các lứa U QG.

Hoặc nếu Huế muốn giữ chân “gà nhà” thì họ phải bỏ ra rất nhiều tiền để ngăn họ bước chân ra đi. Cái này thì quả là xa xỉ bởi bao năm qua bóng đá Huế vẫn như “ngọn đèn trước gió”…vì nghèo tiền, ít bạc, dù người ta vẫn biết không ít doanh nghiệp của Thừa Thiên Huế và ngoại tỉnh sẵn sàng nhảy vào đầu tư.

Rõ ràng, bóng đá Huế đang có vấn đề về “thượng tầng kiến trúc” lẫn “cơ sở hạ tầng”. Thế nên chuyện “vượt vũ môn” của bóng đá Cố đô (nếu có) thì trong vài mùa tới cũng chỉ quanh quẩn ở Thành nội!?

Còn mùa này, thầy trò ông Đoàn Phùng có thể lại phải ca lại câu: “Sông Hương nước chảy, thuyền trôi lững lờ…”
 

Trao đổi với TT&VH, Tuấn Vũ cho biết: “Tôi không phải người bạc tình, bạc nghĩa, nhưng tôi không còn con đường nào khác. Tôi đã liên lạc với luật sư Trần Vũ Hải. Ông ấy cũng hứa sẽ cố gắng giúp cho tôi. Ông Hải cũng nói rằng tôi có thể ra đi mà không phải bồi thường này nọ…”.


ĐAM SAN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm