Tìm sức sống mới cho Hoàng thành Thăng Long (Kỳ 1): 'Giấc mơ lớn' về điện Kính Thiên

27/09/2022 11:00 GMT+7 | Văn hoá

Sau 20 năm kể từ khi được phát hiện, cụm di tích Hoàng thành Thăng Long đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới, đồng thời cũng trở thành một điểm đến văn hóa - lịch sử đặc biệt của Hà Nội. Vậy trong thời gian tới, di sản này cần được đầu tư và khai thác thế nào để phát huy hết lớp giá trị mang theo?

Hà Nội phục dựng các di sản kiến trúc cung điện tại Hoàng thành Thăng Long

Hà Nội phục dựng các di sản kiến trúc cung điện tại Hoàng thành Thăng Long

20 năm qua, kể từ thời điểm đầu tiên thực hiện cuộc khai quật tại Di chỉ khảo cổ học 18 Hoàng Diệu, Khu di sản Hoàng thành Thăng Long nhận được sự quan tâm đặc biệt.

Đây cũng là một trong những nội dung xuyên suốt các tham luận trong và ngoài nước tại Hội thảo quốc tế 20 năm nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hoàng thành Thăng Long (HTTL), diễn ra tại Hà Nội vào đầu tháng 9 vừa qua.

Đã nhận diện 35 % điện Kính Thiên

Một cách tự nhiên, trong nhiều năm qua, kế hoạch phục dựng chính điện Kính Thiên vẫn được coi là hạt nhân để phát huy giá trị của HTTL. Vắn tắt, đó là “không gian thiêng” và cũng là kiến trúc quan trọng nhất của kinh đô Thăng Long xưa trên các góc độ nghệ thuật, mỹ thuật, tâm linh, vị trí và chức năng.

Xây dựng trên nền các chính điện Càn Nguyên và Thiên An thời Lý - Trần, điện Kính Thiên tồn tại trong khoảng thời gian từ thế kỷ 15 - thế kỷ 18, gắn với các vương triều Lê sơ, Mạc và Lê Trung Hưng. Giống như quy hoạch kinh đô của các nước quân chủ Đông Á, với mỗi triều đại, tòa chính điện này luôn là nơi diễn ra hầu hết các nghi lễ đại triều, cũng như các nghi lễ quan trọng bậc nhất liên quan đến vận mệnh sống còn, hưng vong của quốc gia, dân tộc.

Chú thích ảnh
Một giả thiết về kiến trúc điện Kính Thiên, được phục dựng bằng kỹ thuật 3D

Nói như TS Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch Hội Sử học Hà Nội, đây là nền tảng, là công trình quan trọng nhất, có sức hội tụ và lan tỏa nhất của HTTL. “Có thể nói, khi nào chưa phục dựng được chính điện Kính Thiên thì chưa nối lại được mạch nguồn chủ chốt của văn hóa Đại Việt” - ông khẳng định.

Dần bị thu hẹp về kiến trúc từ thời Nguyễn và bị người Pháp dỡ bỏ năm 1886, dấu tích quan trọng nhất còn lại của điện Kính Thiên là phần nền điện cao hơn 2m trong khu thành cổ, kèm theo bậc thềm đá chạm hình rồng. Và, nhiều năm trước, khi nhắc tới hàng loạt vấn đề hóc búa quanh việc phục dựng kiến trúc này, cũng đã có những quan điểm dè dặt cho rằng ý tưởng này chỉ nên dừng ở việc dựng lại một điện Kính Thiên “ảo” bằng công nghệ kết hợp với trưng bày tại chỗ trên móng di tích còn lưu giữ - như cách một số di sản trên thế giới từng áp dụng.

Tuy nhiên, với những cuộc khai quật liên tiếp tại HTTL trong 10 năm kể từ 2011trở lại đây, hàng loạt móng kiến trúc khác đã phát lộ và cung cấp thêm cho giới nghiên cứu những dữ liệu cơ bản để nhận diện chính điện này, bao gồm dấu một số móng lan can, móng tường, tổ hợp sân vườn, kè đá, đường nước…

Chú thích ảnh
Dấu vết còn lại của nền điện Kính Thiên với đôi rồng đá cổ

Cộng cùng việc tham khảo tư liệu cũ và so sánh với các trường hợp của điện Thái Hòa (Huế) hay chính điện Lam Kinh (Thanh Hóa), ở thời điểm hiện tại, không gian của điện Kính Thiên đã được xác định gồm 3 thành phần cơ bản: Chính điện Kính Thiên, sân Đan Trì (Đại Triều) và cổng Đoan Môn. Được bao quanh bởi tường vây, hành lang và các cổng ra vào, không gian này có kích thước theo chiều Đông Tây vào khoảng 120m, và chiều Bắc Nam dài gấp đôi hoặc gấp 3 lần.

Trong số các kiến trúc đó, chính điện Kính Thiên được coi là huyệt điểm “tăng phong tụ khí”- nơi “thông thiên đạt địa” giữa các hoàng đế trong lịch sử Việt Nam với Thiên đế để tạo ra chỉnh thể thống nhất Thiên- Địa - Nhân theo quan niệm xưa. Sân Đan Trì là nơi cả trăm quan dự lễ đại triều, tổ chức các hoạt động thi tiến sĩ và các nghi lễ quốc gia quan trọng hàng đầu của đất nước. Ngoài ra, giữa sân là trục đường Ngự đạo bắt đầu từ thềm điện Kính Thiên dẫn ra cửa Nam để Hoàng đế xuất hành đi tế lễ tại các Nam Giao, Xã Tắc, tuần du và xuất chinh vệ quốc.

Như ước lượng của TS Hà Văn Cẩn, Phó Viện trưởng Viện khảo cổ học, về cấu trúc tổng thể, công tác khảo cổ học đã cho phép nhận diện khoảng 35 % diện mạo điện Kính Thiên ở thời điểm này.

Như khẳng định của các chuyên gia, điện Kính Thiên và không gian liền kề liên quan đến ước vọng quốc thái dân ân, quốc gia trường tồn, dân tộc vĩnh cửu của Đaị Việt và là tổ hợp kiến trúc quan trọng nhất của Hoàng thành Thăng Long, tiêu biểu cho lịch sử và văn hiến cả nước.

Kiệt tác về kiến trúc

Ở một góc độ khác, dựa trên các hiện vật khảo cổ học và nghiên cứu so sánh tư liệu, PGS-TS Bùi Minh Trí (Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh Thành) đã có một thời gian dài nghiên cứu về hình thái kiến trúc của điện Kính Thiên. Cộng cùng việc đối chiếu với hệ thống các kiến trúc cung đình tại Việt Nam và Đông Á, cũng như tư liệu về các vật liệu xây dựng cung điện thời Lê sơ, ông và KTS Nguyễn Quang Ngọc đã có một số giả thiết ban đầu về các cấu kiện của tòa chính điện này.

Cụ thể, một trong những điểm đặc sắc của điện Kính Thiên là việc sử dụng hệ thống ngói rồng men vàng, thay vì các loại ngói men xanh lục và ngói đất nung xám hoặc đỏ được sử dụng ở HTTL tại những công trình có phẩm cấp thấp hơn. Đây là loại ngói cao cấp nhất, được sản xuất riêng để lợp trên hệ thống mái điện Kính Thiên (vốn được cho là có 2 tầng mái).

Chú thích ảnh
Cấu trúc khu vực điện Kính Thiên với chính điện, sân Đan Trì và đường Ngự đạo

“Chúng tôi vô cùng cảm phục tài năng và trí tưởng tượng của các kiến trúc sư đương thời. Có thể nói không quá rằng, bộ mái của kiến trúc điện Kính Thiên thời Lê sơ là một công trình “nghệ thuật mái nhà” đặc sắc theo quan điểm thị giác và cảm quan” - PGS-TS Bùi Minh Trí nói.

Bên cạnh đó đó, hệ thống cấu kiện gỗ của điện Kính Thiên đều sử dụng kiến trúc dạng đấu củng, cho phép các khối gỗ và tay xà ăn khớp khi chồng lên nhau bằng hệ thống các khớp được thiết kế. Đặc biệt, các kiến trúc đấy củng này đều sơn son màu đỏ tươi - và đặc sắc hơn, dùng vàng thật để dát lên một số họa tiết hoa văn trang trí.

Về kết cấu, từ việc nghiên cứu các bước cột và so sánh tư liệu, 2 giả thiết ban đầu đã được đưa ra. Ở phương án thứ nhất, điện Kính Thiên có kết cấu hình chữ Công (工) gồm 3 đơn nguyên kiến trúc với 2 điện chính, mỗi điện có 7 gian 2 chái, có tổng cộng 138 cột gỗ và diện tích hơn 1.550m2. Trong khi đó, theo phương án thứ 2, kiến trúc này có mặt bằng hình chữ nhật, có một đơn nguyên kiến trúc, mặt bằng có diện tích gần 1.200m2 (44 x 27m) gồm 7 gian 2 chái.

Vẫn theo ông Trí, kết quả nghiên cứu cho thấy cả 2 phương án đều có khả năng xảy ra với trường hợp điện Kính Thiên. Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu mô hình kiến trúc điện thiết triều của các nước Đông Á như Thái Hòa điện(cố cung Bắc Kinh), Cần Chính điện (Gyeongbokgung,Hàn Quốc) và Đại Cực điện (Nara, Nhật Bản), các chuyên gia có phần nghiêng về phương án 2 - khi những tòa chính điện quan trọng này đều được xây dựng theo nguyên tắc là một đơn nguyên kiến trúc.

Cũng cần nhắc lại, với tổng diện tích khai quật hơn 8.000m2 trên tổng số 47.000m2 (tỷ lệ khai quật gần 18%), nhiều thông tin về điện Kính Thiên sẽ tiếp tục được giải mã trong những đợt khai quật và khảo cổ sắp tới. Như ước lược của TS Hà Văn Cẩn, các chuyên gia hy vọng trong thời gian tới sẽ nắm bắt được thêm khoảng 35% kết cấu không gian này, bên cạnh 35% đã có. 30% còn lại, giới nghiên cứu sẽ khai thác thêm từ tư liệu lịch sử, cũng như trên cơ sở đối chiếu so sánh với các kiến trúc cung đình tại Cố đô Huế, khu di tích Lam Kinh (Thanh Hóa) và các nước Đông Á để phục dựng tương đối chính điện Kính Thiên với tính xác thực cao.

TS Nguyễn Văn Sơn cũng khẳng định, để có thêm dữ liệu cho điện Kính Thiên, công tác nghiên cứu cần được tập trung đẩy mạnh trên tất cả các lĩnh vực như khảo cổ học, sử học, kiến trúc, mỹ thuật... với việc hình thành các nhóm nghiên cứu chuyên sâu: “Kết quả nghiên cứu sẽ cho phép dựng lên các chiều nghệ thuật, lịch sử, xã hội và khoa học của chính điện Kính Thiên. Nếu mọi thứ được tiến hành liên tục, tôi hy vọng trong vòng 10 năm tới chúng ta có thể bắt đầu phục dựng”.

Nên đề xuất UNESCO vinh danh lần 2

Theo PGS-TS Đặng Văn Bài, khu vực nội đô Hà Nội còn rất nhiều di sản gắn với Thăng Long xưa trong lịch sử và có mối quan hệ chặt chẽ với Hoàng thành. Đó là hệ thống Thăng Long tứ trấn với các đền Voi Phục, Bạch Mã, Trấn Vũ và Kim Liên, là dấu vết của các đàn Nam Giao và Xã Tắc, là hệ thống La thành bao quanh Thăng Long xưa và các khu vực thị dân với dấu vết phố nghề. Nếu mở rộng nghiên cứu đầy đủ và khoa học, việc lập hồ sơ đề nghị UNESCO tái vinh danh Hoàng thành Thăng Long là khả thi.

(Còn tiếp)

Hoàng Nguyên

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm