Tìm lại các tác giả tranh Đông Hồ

26/06/2009 16:01 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Một dòng tranh dân gian có tuổi vài trăm năm không hề thuộc về quá khứ, mà vẫn vươn lên bám sát thời cuộc, để lại những thành tựu nhất định trong mỗi thời kỳ, từ thời Pháp thuộc đến thời chống Pháp và chống Mỹ. Các bức tranh Đông Hồ thời cận - hiện đại này ít nhiều đã ghi đậm dấu ấn cá nhân của những người sáng tác chúng - những nghệ nhân không còn khuyết danh nữa, mà đã có tên tuổi hẳn hoi. Để hiểu thêm về vấn đề này phóng viên TT&VH đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Đăng Chế - một nghệ nhân không những đang làm sống dậy nghề tranh Đông Hồ mà còn chính là người đã sáng tác nhiều bức tranh Đông Hồ thời chống Mỹ.

* Thưa ông, thời chống Mỹ ông đã sáng tác bao nhiêu bức tranh?

- Tôi vẽ được tất cả khoảng 15 bức tranh, như: Đổi công hợp tác, Hợp tác xã mua bán, rồi Cải tiến nông cụ... và có cả những bức tranh vẽ về thời gian chống chiến tranh phá hoại của địch. Trước đây tôi có in một loạt trong số những mẫu tranh đó nhưng đến bây giờ thì tôi chỉ còn có 3 bức thôi, đó là: Bác Hồ với thiếu nhi, Phụ nữ ba đảm đangKhông cho chúng nó thoát. Tôi thấy ba bức tranh này gắn với vấn đề lịch sử nhất.

* Bức tranh ông tâm đắc nhất là bức tranh nào, thưa ông?

- Tôi tâm đắc nhất là bức Không cho chúng nó thoát. Năm 1972 trong 12 ngày đêm Mỹ ném bom Hà Nội thì 3 đêm đầu tiên tôi có mặt ở đó. Tôi đã được tận mắt chứng kiến bộ đội ta dùng pháo bắn mấy bay địch và thấy được chiến tranh gay go ác liệt đến thế nào. Lúc đó tôi mới nghĩ mình nên vẽ một cái tranh để khắc họa những cảnh tượng mà mình đã tận mắt thấy. Sau 3 ngày ở Hà Nội đến ngày thứ 4 tôi về nơi sơ tán (Đoan Hùng, Phú Thọ), sau đó tôi vẽ bức tranh và lấy tên là Không cho chúng nó thoát với một thực tế là Hà Nội bắt được những giặc lái Mỹ. Khi sáng tác tôi có một ý nghĩ là làm thế nào để diễn đạt ý toàn dân tham gia đánh giặc, trong đó có ông già, bà già, có phụ nữ, có trẻ em đại khái nội dung nó là như thế. Khi ta bắn rơi máy bay Mỹ thì có cả 4 thế hệ già trẻ gái trai ra bắt “nó”.

* Khi hòa bình lập lại ông có sáng tác mẫu tranh nào nữa không?

- Sau khi hòa bình lập lại thì tôi chưa sáng tác thêm mẫu tranh nào cả mà chủ yếu đi sưu tầm và phục chế lại những mẫu tranh cũ ngày xưa.

* Người ta đã nhắc đến khá nhiều về các thế hệ nghệ nhân tranh Đông Hồ như cụ Vương Trí Lung, cụ Trần Nhật Tấn, ông Sần, ông Khiêm, xin hỏi các mẫu tranh của các ông này còn nhiều không?

- Trong nhiều năm miệt mài sưu tầm và phục chế thì tôi cũng đã có trong tay những mẫu tranh của cụ Vương Trí Lung và của ông Sần, còn ông Khiêm thì tôi chưa có cái nào. Trước Cách mạng tháng Tám thì ở Đông Hồ có 17 dòng họ làm tranh mà dòng họ của tôi là một, nhưng sau năm 1945 thì hầu như không làm tranh nữa, đến giờ thì chỉ còn hai nhà làm tranh. Và tôi khẳng định là không ai biết tranh Đông Hồ có bao nhiêu thể loại, cả đến các cụ trong làng cũng không thể nhớ rõ được bao nhiêu.Tính đến bây giờ thì tôi có khoảng 180 mẫu tranh dân gian Đông Hồ thuộc cả mẫu tôi sáng tác và mẫu tôi phục chế lại.


Ông Nguyễn Đăng Chế - người đã sáng tác khoảng 15 bức tranh Đông Hồ

* Ngoài những mẫu tranh cổ còn có rất nhiều những mẫu tranh Đông Hồ khác mang dấu ấn cá nhân của ông. Vậy ông có nghĩ mình là một nghệ sĩ không?

- Đối với tranh dân gian, những nghệ nhân thường chưa tốt nghiệp đại học mỹ thuật, mà thường chỉ là những ông đồ dạy chữ Hán. Bản thân tôi cũng không dám nhận mình là nghệ sĩ. Tôi chỉ biết là trong họ nhà tôi có bề dày lịch sử làm tranh, thì bây giờ tôi phải quyết tâm gìn giữ.

* Ông có dự định gì trong tương lai?

- Tôi dự định sẽ làm chỗ này thành một quần thể du lịch sinh thái, người ta đến đây có thể xem, chơi, thậm chí ở lại, sinh hoạt, ăn uống... Ở vùng Bắc Ninh này có quan họ và tôi muốn mọi người đến đây vừa có thể xem tranh Đông Hồ vừa có thể nghe hát quan họ. Nhưng bây giờ tôi chưa có tiền, theo dự tính của tôi nếu thực hiện thì mất khoảng 10 tỷ đồng.

* Xin cảm ơn và chúc ông thành công!

Nguyễn Khắc Trường (thực hiện)
 

 

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm