Tìm hướng 'tích hợp' di sản với... toán, lý, hóa

25/03/2015 06:16 GMT+7 | Di sản

(Thethaovanhoa.vn) - Đây là nội dung quan trọng của cuộc hội thảo quốc tế về giáo dục di sản trong trường học, diễn ra tại Hà Nội sáng 24/3.

Theo đó, không chỉ dừng ở các bộ môn như văn học, lịch sử, âm nhạc... việc phổ biến các kiến thức về di sản trong tương lai sẽ có thể "tích hợp" với việc giảng dạy các ngành khoa học tự nhiên cho học sinh Việt Nam.

Phần lớn thời gian trong cuộc hội thảo Tăng cường sử dụng di sản văn hóa phi vật thể trong giáo dục vì sự phát triển bền vững tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương (Bộ VH,TT&DL, Bộ GD&ĐT và UNESCO phối hợp tổ chức) là dịp để các chuyên gia quốc tế chia sẻ kinh nghiệm về cách làm này.

"Chúng ta có thể sáng tạo và tìm ra nhiều phương thức trong sự lồng ghép ấy, chẳng hạn, các bài học về toán có thể sử dụng những con số liên quan tới di sản" - bà Katherine Muller, trưởng đại diện văn phòng UNESCO tại việt Nam chia sẻ. "Làm  được như vậy, di sản và giáo dục có thể đồng hành, để các thế hệ học sinh có thể hiểu và yêu di sản văn hóa".


Các chuyên gia phát biểu tại hội thảo

Kể từ năm 2013, Bộ GD&ĐT đã có văn bản hướng dẫn thí điểm giảng dạy về di sản tại một số trường học thuộc Hà Nội, TP.HCM, Phú Thọ, Quảng Ninh... Bản thân điều này cũng được các chuyên gia quốc tế đánh giá khá cao tại hội thảo. Tuy nhiên, việc giảng dạy về di sản chủ yếu chỉ được lồng ghép với một số môn học thuộc ngành xã hội và nghệ thuật như văn học, lịch sử và đặc biệt là âm nhạc.

Theo tài liệu được UNESCO, Bảo tàng Dân tộc học VN và Bộ GD&ĐT xây dựng, việc lồng ghép giảng dạy di sản trong những tiết học toán, lý, hóa... cần được nghiên cứu thiết kế dựa trên sự hợp tác của giáo viên và các chuyên gia văn hóa.

Ví dụ việc giảng dạy về ngành thân mềm trong môn sinh học có thể kết hợp với việc giảng dạy về nghề khảm trai truyền thống và các trò chơi dân gian từ vỏ sò. Phần giảng dạy về độ cao của âm (môn vật lý) có thể kết hợp với việc giới thiệu về ca trù và nghề làm đàn đáy hoặc các nhạc cụ của người Mường...

"Các bảo tàng đóng một vai trò rất quan trọng trong sự kết nối này. Bởi vậy, các bạn cần tăng cường tổ chức thêm các bảo tàng, để từ đó có những hướng truyền thông đặc thù và tạo sự hấp dẫn cho học sinh" - bà Katherine Muller nói thêm.

Thực tế tại Việt Nam, xu hướng giảng dạy "tích hợp" này đã từng được Bảo tàng Dân tộc học nghiên cứu thực hiện với việc giới thiệu về đèn kéo quân và múa rối nước trong môn Vật lý lớp 8, hay giới thiệu về gốm Bát Tràng và văn hóa trầu cau trong môn hóa học lớp 9. Tuy nhiên, đây chỉ là các dự án mang tính thí điểm ở phạm vi nhỏ.

Cúc Đường

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm