03/01/2019 06:44 GMT+7 | Bóng đá Việt
(Thethaovanhoa.vn) - Chúng ta vừa xem 7 đường chuyền liên tục, 4 trạm trung chuyển và 1 bàn thắng của Quang Hải, trận giao hữu với Philippines, trước thềm VCK Asian Cup 2019! Đó là một pha tổ chức tấn công (chủ động) kiểu mẫu, có thể đưa vào sách giáo khoa, với khái niệm gọi là bóng-đá-kiểm-soát, kết hợp cả những pha "đập nhú" trong bóng chuyền.
Ngón đòn triệt hạ - kết liễu đối thủ sở trường của các đội tuyển quốc gia dưới thời HLV Park Hang Seo, đấy là tốc độ và sự chính xác trong các pha bóng chuyển đổi từ phòng ngự qua tấn công. Đồng thời, khi tạo được lợi dẫn (dù cách biệt tối thiểu) và bảo vệ được thành quả, đấy là bóng dáng của đẳng cấp, chứ không phải là chuyện ăn may. Chiến thuật của đội bóng dựa trên hệ thống phòng ngự chắc chắn, chỉ rất ít sai số.
Trên đất Qatar, trận giao hữu với Philippines - đối thủ mà chúng ta chẳng lạ lẫm gì, sau khi đã hạ họ ở cả 2 lượt trận đi và về bán kết AFF Suzuki Cup 2018, đội bóng đã bất ngờ triển khai một đường tấn công sắc lẹm. Đội hình tuyến nghiêng gần như lệch hẳn qua cánh trái theo hướng tấn công, kéo đối phương cũng lệch theo, trước khi Hồng Duy phóng đường chuyền sệt như đặt cho Quang Hải thoát xuống bên hành lang cánh phải và lưới của đối thủ đã rung lên, sau pha ra chân rất gọn.
Tả theo ngôn ngữ hình ảnh, từ đời sống trong tự nhiên của loài cá chuối (cá quả hay cá lóc), thì quả bóng giống như con cá mẹ bơi phía dưới mặt nước, còn các cầu thủ di chuyển như đàn cá con trên mặt nước vậy. Lối đá này có thể tóm gọn trong 3 từ: "move - pass & finish" (di chuyển, chuyền bóng và kết thúc). Barcelona và đội tuyển Tây Ban Nha từng một thời gian dài làm mưa làm gió với cách đá kiểm soát ấy. Theo góc nhìn của cựu đội trưởng Xavi Hernandez, thì kiểm soát bóng trên 1/3 phần sân đối thủ, cũng là cách phòng ngự tốt nhất. Tức là ngay cả Barca hay Tây Ban Nha cũng ý thức vai trò của phòng ngự, chứ không chỉ biết mỗi tấn công và tấn công.
Trở lại với bóng đá Việt Nam và đội tuyển Việt Nam. Trên thực tế, lứa U19 Việt Nam với nòng cốt là Công Phượng, Tuấn Anh, Văn Toàn, Xuân Trường, Hồng Duy, thêm Quang Hải…, cũng đã từng bao lần khiến cầu trường dậy sóng bởi những pha đan lát như "thêu hoa dệt gấm", trước khi kết liễu đối thủ. Nhưng lối chơi ấy chỉ đủ để gây tiếng ồ trên khán đài, chứ khi ra thực chiến và ở đẳng cấp cao hơn, nhanh chóng bị bóp nghẹt. Lý là khâu kết thúc - dứt điểm cầu môn kém, song cơ bản nữa là chúng ta không sẵn các phương án phòng ngự có tổ chức, khi đối phương đoạt được bóng và chuyển đổi trạng thái bất ngờ.
Với đội tuyển Việt Nam lúc này, hệ thống phòng ngự được tổ chức có chiều sâu và kín kẽ hơn rất nhiều. Bằng chứng là chúng ta chỉ để lọt lưới tổng cộng 4 bàn, sau 8 trận đấu ở AFF Suzuki Cup 2018 (tức là 0,5 bàn/trận). Tất nhiên, các đối thủ ở VCK Asian Cup 2019 tới đây không giống với mặt bằng chung các đội bóng Đông Nam Á, họ ở đẳng cấp cao hơn nhiều. Và có thể vì thế, đội tuyển Việt Nam gần như không thể triển khai lối đá kiểm soát, mà phải chuyển qua trạng thái bị dồn ép như chiếc lò xo, suốt các trận đấu và giải đấu.
Chỉ với nét chấm phá như chuỗi các đường chuyền và bàn thắng của Quang Hải ở trận giao hữu với Philippines là không đủ, nhưng nó là cơ sở ban đầu cho những phương án tác chiến khác nhau, thay vì chỉ biết phòng ngự và phòng ngự. Bóng đá bây giờ, với các đội bóng bị đánh giá yếu hơn, không phải là chuyện phá bóng càng xa cầu môn đội nhà càng tốt. Các đội bóng bắt đầu chơi theo nhịp, nhấn nhả, khi nào cần nhanh và khi nào cần làm chậm. Về chiến thuật lâm trận, chúng ta có thể tin tưởng tuyệt đối vào thuyền trưởng Park Hang Seo, cùng những con người mà ông có trong tay.
Cứ thong thả tận hưởng ngày hội bóng đá lớn nhất châu lục và biết đâu được, lại chẳng có thêm một cơn địa chấn tiếp theo!
TÙY PHONG
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất