Tiêu điểm: Từ Jakarta-Palembang 2018 đến Hàng Châu 2023

15/09/2023 06:06 GMT+7 | ASIAD 2023

5 năm trước, thể thao Việt Nam đã trải qua kỳ Á vận hội thành công bậc nhất trong lịch sử khi giành tới 5 HCV. Đó vừa là áp lực, song cũng vừa là động lực cho các VĐV sắp thi đấu ở Hàng Châu.

1. Thật ra, thứ hạng 16 trên bảng tổng sắp huy chương không phải là vị trí cao nhất mà đoàn Thể thao Việt Nam đạt được trong lịch sử ASIAD. Nếu tính trong cả chiều dài lịch sử thì đó là vị trí thứ 8 ở Tokyo 1958 (2 HCV), nhưng năm đó, chỉ có tổng cộng 20 đoàn tham dự. Còn nếu tính kể từ thời hội nhập thì vị trí cao nhất là thứ 15 ở Busan năm 2002 (4 HCV).

Nhưng nếu lấy số lượng HCV làm thước đo thì kỳ ASIAD ở Jakarta-Palembang năm 2018 xứng đáng là số một. Việc VĐV gốc Nigeria Kemi Adekoya của đoàn Bahrain dương tính với stanozolol – một chất trong danh mục cấm của WADA – đã giúp Quách Thị Lan đoạt HCV ở nội dung 400m rào. Lần đầu tiên trong lịch sử điền kinh Việt Nam giành HCV ở ASIAD, không chỉ 1 mà còn 2 chiếc (vinh dự còn lại thuộc về VĐV nhảy xa Bùi Thu Thảo). Đó cũng là kỳ Á vận hội mà chúng ta giành nhiều HCV nhất với 5 tấm, trong đó có 3 thuộc về các môn thể thao Olympic. Bên cạnh đó, không thể không nhắc đến chiến tích lọt vào bán kết môn bóng đá nam của thầy trò HLV Park Hang Seo.

Năm 2018, đoàn Thể thao Việt Nam tham dự với tổng cộng 341 VĐV, góp mặt ở 33 môn thể thao. Năm nay, chúng ta tham dự với 337 VĐV, góp mặt ở 31 môn thể thao. Như vậy, số lượng VĐV và số môn thể thao là gần như tương đương.  Liệu một thành tích tương tự 5 năm trước có khả thi hay không?

Tiêu điểm: Từ Jakarta-Palembang 2018 đến Hàng Châu 2023 - Ảnh 1.

ĐT cầu mây nữ Việt Nam được kỳ vọng sẽ mang vàng về cho Đoàn TTVN ở ASIAD 19

2. Khi lên kế hoạch cử các đội tuyển tham dự ASIAD, những người làm thể thao Việt Nam hẳn cũng đã có những tính toán căn cơ về khả năng giành huy chương thực tế, để qua đó không đặt ra những mục tiêu quá xa so với tầm với, nhưng đủ để tạo động lực phấn đấu.

Tất nhiên, thực tế thi đấu thì không phải lúc nào cũng như những toan tính. Đơn cử như năm 2018, những VĐV được kỳ vọng rất lớn như Hoàng Xuân Vinh (xạ thủ vừa giành 1 HCV, 1 HCB Olympic), kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên, hay VĐV điền kinh Lê Tú Chinh đều không đáp ứng được sự kỳ vọng. Song bù lại, chúng ta lại giành HCV ở những nội dung tưởng như khó khăn hơn. Việc lãnh đạo ngành thể thao đặt mục tiêu giành ít nhất 2 HCV, và phấn đấu giành 5 HCV được xem là khá phù hợp.

Trong buổi làm việc với Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam đồng thời là Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao, và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, Cục trưởng Cục TDTT Đặng Hà Việt đã nhận định "Kỳ vọng của đoàn TTVN sẽ được đặt vào các môn cầu mây, cờ tướng, bắn súng, xe đạp, karate, cử tạ, và bắn cung. Trong khi đó, bơi, điền kinh, đua thuyền rowing, đua thuyền canoeing, bóng bàn, cờ vua, quần vợt, thể dục dụng cụ, roller, boxing, taekwondo, vật, wushu, judo, kurash, jujitsu, và đấu kiếm thuộc nhóm có ít cơ hội hơn về tranh HCV, song đủ khả năng tranh chấp HCÐ) hoặc HCB".

Dựa vào thực tế chuyên môn, cầu mây có lẽ là môn thể thao đáng kỳ vọng hơn cả, nhất là nội dung thi đấu bốn người nữ bởi tại ASIAD 19, đội nữ Thái Lan không tham dự nội dung này. Trong các giải vô địch cầu mây thế giới năm 2022 và 2023, các cầu thủ cầu mây nữ Việt Nam đều giành ngôi vô địch ở nội dung này. Sau lễ xuất quân diễn ra ngày 16/9 tới, đoàn Thể thao Việt Nam sẽ lên đường sang Hàng Châu để tranh tài tại ASIAD 19.


Tuấn Cương

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm