Tiêu điểm: Di sản của ông Chung

03/11/2023 14:54 GMT+7 | Bóng đá Việt

Ngoài những chiếc cúp và danh hiệu, điều đáng trân trọng nhất mà HLV Mai Đức Chung làm được cho bóng đá Việt Nam là "vẽ" nên con đường vươn tầm thế giới từ những khó khăn.

1. Điểm dừng chân cuối cùng trong sự nghiệp của HLV Mai Đức Chung là trận đấu với đội tuyển Nhật Bản tại vòng loại thứ 2 Olympic 2024. Một trận đấu có kết quả mà nhà cầm quân 72 tuổi đánh giá là "chấp nhận được" sau rất nhiều lần đội tuyển nữ Việt Nam thua đậm. Trước đội bóng từng vô địch World Cup, những gì mà ông Chung và các học trò làm được thực sự đáng khích lệ. Và nhìn lại cả hành trình của vị HLV này gắn bó với đội tuyển nữ Việt Nam, tất cả đều rất đáng trân trọng.

Trong cuộc đời bóng đá, không ít lần, ông Chung đã từng "nhảy vào lửa" như thời điểm làm HLV tạm quyền ở ĐTVN vào năm 2017 sau khi HLV Nguyễn Hữu Thắng từ chức và không một HLV nội nào muốn ngồi vào chiếc ghế đó. Nhưng việc trở thành HLV trưởng đội tuyển bóng đá nữ từ 20 năm trước đó, còn là một quyết định khó khăn gấp bội. Lực lượng ĐTQG lúc ấy được hình thành từ số cầu thủ "nhặt" từ vài địa phương và giải vô địch quốc gia còn chưa… ra đời.

Gần 4 thập kỷ trôi qua, bóng đá nữ Việt Nam vẫn còn đầy rẫy khó khăn khi giải VĐQG lúc nhiều nhất chỉ có 8 CLB của 6 địa phương tham dự và nguồn cung nhân sự cho ĐTQG chỉ từ 4 đội. Đời sống của các nữ cầu thủ thực sự vất vả, hầu hết phải thêm "nghề tay trái" như kinh doanh, bán hàng, phục vụ để thêm thu nhập. Giải đấu chỉ "lèo tèo" khán giả dù SVĐ mở cửa tự do. Số phận các đội bóng lúc nào cũng "ngấp nghé" bờ vực thẳm vì thiếu nhà tài trợ và kinh phí hoạt động.  

Tiêu điểm: Di sản của ông Chung - Ảnh 1.

HLV Mai Đức Chung đã để lại một di sản đồ sộ. Ảnh ON Sports

2. Nhưng giấc mơ World Cup đã được HLV Mai Đức Chung biến thành hiện thực từ những khó khăn ấy. Đó là một điều "đáng kinh ngạc" như lời ông Chung kể lại từ những câu chuyện với phóng viên quốc tế khi hỏi ông về bóng đá nữ Việt Nam. Quả thật, nhìn lại cả hành trình, có lẽ, ngoài HLV Mai Đức Chung thì không ai có thể đưa ĐTQG ở một nền bóng đá với nhiều khó khăn như vậy đến được với sân chơi lớn nhất của bóng đá nữ thế giới.

"Nhớ ngày đầu tiên được tập cùng bác, thì năm đó bị bác trả về CLB. Bác còn dặn phải cố gắng nhiều hơn. Từ đó con đã cố gắng rất nhiều để trở lại đội tuyển. Nhờ vậy mà mới có Huỳnh Như của ngày hôm nay. Thời gian làm việc cùng bác con học được rất nhiều là sự yêu thương và sự khiêm nhường từ một người vĩ đại. Một người Thầy luôn có một trái tim ấm áp". Huỳnh Như - chân sút nổi tiếng nhất của đội tuyển nữ Việt Nam lúc này đã viết như vậy sau trận đấu với Nhật Bản. Chỉ vài dòng ngắn ngủi nhưng cũng đủ để giúp tất cả cùng hiểu thêm về HLV Mai Đức Chung - một người rất kiệm lời khi nói về mình và có vẻ bề ngoài giản dị, khiêm nhường. Sự bền bỉ trong cả hành trình và luôn tìm cách vượt khó đó là bí quyết thành công của HLV Mai Đức Chung nhưng có lẽ, nó cũng là con đường đưa đội tuyển nữ Việt Nam đến với World Cup. Sau HLV Mai Đức Chung, VFF sẽ lựa chọn một "thuyền trưởng" mới dẫn dắt đội tuyển nữ hướng tới những mục tiêu cao hơn trong tương lai từ di sản mà ông Chung để lại.

HLV Mai Đức Chung sinh ngày 21/6/1951, từng là cầu thủ của đội Tổng cục Đường sắt VĐQG 1980 và khoác áo đội tuyển Việt Nam trong giai đoạn 1981 - 1984.

Ông Chung từng dẫn dắt CLB Bình Dương vô địch V-League 2015 và giành Cúp Quốc gia với CLB Navibank Sài Gòn năm 2011, vô địch Merdeka Cup 2008 cùng U22 Việt Nam. Với đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam, HLV Mai Đức Chung có 6 lần vô địch SEA Games (2003, 2005, 2017, 2019, 2021 và 2023), 1 lần vô địch Đông Nam Á 2019, vào bán kết Asiad 2014 và dự VCK World Cup 2023.

Vũ Lê

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm