Giảng dạy ca trù tại các học viện âm nhạc

13/10/2009 10:39 GMT+7 | Âm nhạc

* Giới thiệu ca trù từ cấp THCS

(TT&VH) - Hôm qua 12/10, tại Bộ VH,TT&DL, đoàn công tác của Việt Nam về bảo vệ Hồ sơ ca trù và dân ca quan họ Bắc Ninh tại UNESCO đã tổ chức họp báo báo cáo kết quả xét chọn ca trù và dân ca quan họ Bắc Ninh là Di sản văn hóa nhân loại qua đó cùng nhau tìm ra những biện pháp bảo vệ hai loại hình di sản phi vật thể của nhân loại này trong thời gian tới, đặc biệt là với ca trù, di sản văn hóa thế giới cần được bảo vệ khẩn cấp.

TS Lê Thị Minh Lý, Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa cho biết: “Ca trù được UNESCO đánh giá kỹ hơn. Khác với quan họ, ca trù được UNESCO yêu cầu và khuyến nghị rất cụ thể như: Yêu cầu quốc gia thành viên có nguồn lực để hoạt động và phát huy ca trù trong giới trẻ, khuyến khích các ca nương, kép đàn và các tổ chức hiện hành tìm kiếm các học trò tài năng nhằm đảm bảo sự tiếp nối tồn tại của nghệ thuật ca trù. Tựu trung lại, vấn đề cốt tử để bảo vệ ca trù là, bên cạnh việc bảo vệ các không gian văn hóa cổ xưa, các nghệ nhân được coi là bậc thầy của ca trù cần phải chú ý đến các nghệ nhân kế tiếp, những nghệ nhân trẻ. Bởi vì những nghệ nhân trẻ mới là nguồn lực truyền dẫn ca trù đến ngày hôm nay.


Trong thời gian tới, Bộ VH, TT&DL, Sở VH, TT&DL các tỉnh thành có ca trù, và Viện Âm nhạc sẽ tiến hành kiểm kê và hệ thống hóa các tư liệu ca trù ở 14 tỉnh thành, tiến tới xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về ca trù tại Viện Âm nhạc, đồng thời tiến hành nghiên cứu và xuất bản sách về nghệ thuật hát ca trù. Thời gian thực hiện dự kiến kéo dài trong 5 năm (2010 - 2015). Mục tiêu chính của việc này là nhằm xây dựng giáo trình đào tạo ca trù, đưa nghệ thuật ca trù vào giảng dạy trong các học viện âm nhạc ở Việt Nam. Ngoài ra, cũng sẽ dịch hơn 4.000 trang các tài liệu Hán Nôm về ca trù, xuất bản sách Tuyển chọn các bài hát ca trù và DVD Ca trù, di sản văn hóa Việt Nam nhằm mục đích phục vụ cho công tác nghiên cứu chuyên sâu về những đặc trưng độc đáo của ca trù, đồng thời góp phần xã hội hóa, truyền bá vốn di sản này ra thế giới.

Bộ cũng sẽ thực hiện công tác truyền bá và phổ cập nghệ thuật ca trù trong các trường phổ thông và đại học bằng công việc cụ thể như xây dựng các chương trình hoạt động ngoại khóa tìm hiểu làm quen với nghệ thuật ca trù thông qua tổ chức 200 giờ nói chuyện về ca trù tại các trường học. Bộ VH, TT&DL sẽ biên soạn, in ấn các tài liệu giới thiệu về ca trù phù hợp với các cấp học từ THCS đến đại học. Kế hoạch này kéo dài trong 5 năm (2010 - 2015) với nguồn kinh phí được lấy từ ngân sách Nhà nước (TƯ và địa phương) và các nguồn ngân sách tài trợ, xã hội hóa khác.

Ngoài ra, Bộ VH, TT&DL sẽ tiến hành phục hồi một số di tích liên quan đến ca trù là những nơi thờ Thánh tiên sư, thờ cụ tổ của mỗi dòng họ hành nghề ca trù, thông qua kế hoạch 10 năm (2010 - 2020).

Liên hoan ca trù khu vực và toàn quốc

      Từ năm 2010 đến năm 2015 sẽ co 2 cuộc liên hoan ca trù toàn quốc được tổ chức. Bên cạnh đó, mỗi năm còn lại sẽ luân phiên tổ chức liên hoan khu vực tại một trong ba khu vực sau: Khu vực 1: Hải Phòng, Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định, Hải Dương. Khu vực 2: Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh,Hà Nội, TP.HCM. Khu vực 3: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình.


Huy Thông (lược ghi)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm