11/07/2018 05:51 GMT+7 | Thể thao
(Thethaovanhoa.vn) - Đứng từ góc độ thể thao, quả thật việc "lỡ hẹn" với SEA Games 2021 khiến thể thao TP.HCM chưa thể nâng tầm xứng với tiềm năng kinh tế của thành phố năng động nhất cả nước. Những rõ ràng, sau 18 năm, SEA Games có trở lại với thủ đô Hà Nội cũng là quyết định hợp lý nếu nhìn vào bức tranh tổng thể của đất nước.
18 năm trước...
... Hà Nội còn chưa có một SVĐ đạt quy chuẩn để tổ chức một Đại hội thể thao quốc tế theo đúng quy chuẩn. Đó là chưa kể đến hệ thống cơ sở vật chất cũ kỹ vào nghèo nàn. Cũng cần phải nói thêm rằng, thể thao Việt Nam cũng chính thức trở lại với đấu trường khu vực vào năm 1989 thông qua lần tham dự SEA Games 15 tại Malaysia và mục tiêu khi ấy chỉ đơn thuần là giành thêm nhiều HCV qua từng kỳ Đại hội, chứ đến ngay các nhà quản lý chả dám mơ đến ngày trở thành chủ nhà của ngày hội thể thao lớn nhất khu vực.
Tuy nhiên, bằng cách nghĩ, cách làm đột phá của 1 số cán bộ thể thao năng động thời đó, khoảng cuối thập niên 90, Việt Nam đã được Hội đồng thể thao Đông Nam Á quyết định trao quyền đăng cai tổ chức SEA Games lần thứ 22 năm 2003.
Không bàn với chuyên môn lẫn cả chức vô địch toàn đoàn theo thế áp đảo của chủ nhà, nhưng không thể phủ nhận rằng, chính đại hội thể thao quốc tế đầu tiên được tổ chức đã tạo nên sự thay đổi lớn nhất và toàn diện nhất cho thể thao Việt Nam khi đó. SVĐ quốc tế Mỹ Đình ra đời và trở thành địa chỉ đỏ của rất, rất nhiều các sự kiện thể thao quốc lớn ở Việt Nam sau đó mà đáng kể nhất là Đại hội thể thao trong nhà châu Á - ASIAN Indoor Games 2009. Khu Liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình cũng hình thành với điểm nhấn là Cung thể thao dưới nước... cùng hàng loạt các hệ thống NTĐ mới, hoặc được nâng cấp sửa chữa đạt chuẩn tại các quận, huyện của Hà Nội cũng như các tỉnh, thành vệ tinh tạo nên 1 hệ thống cơ sở vật chất thể thao đồng bộ.
Cùng với cơ sở vật chất, thành tích chuyên môn, năng lực tổ chức, quản lý của ngành TDTT cũng được nâng lên đáng kể sau SEA Games 22 và đặc biệt là sự tự tin để thể thao Việt Nam từ đó bước vào tốp đầu của thể thao Đông Nam Á cũng như chinh phục những đấu trường lớn hơn.
Và 18 năm sau...
SEA Games đã không còn là cái mục tiêu chính của cả nền thể thao quốc gia mà trong chiến lược phát triển chỉ còn được coi là bàn đạp hướng tới châu lục và thế giới. Cũng cần phải nói thêm rằng, kể từ năm 2003 đến nay, dù chưa lần nữa trở lại ngôi đầu bảng, nhưng trong tất cả các kỳ SEA Games tham dự, đoàn thể thao Việt Nam luôn đứng vững trong Top 3 bảng tổng sắp huy chương. Rồi cũng đã hơn 2 thập kỷ trôi qua, nhiều môn của chúng ta đã vươn đến tầm ASIAD, Olympic với đỉnh cao là tấm HCV Thế vận hội Rio 2016 của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh.
Nhưng dù không là mục tiêu chính, thì SEA Games vẫn là sân chơi mà thể thao Việt Nam không những phải tham dự mà còn phải đứng vai chủ nhà thêm lần nữa bởi tư cách thành viên của Hội đồng thể thao Đông Nam Á, trách nhiệm với sự phát triển chung của khu vực, trong đó có lĩnh vực thể thao. Thường trực Chính phủ vừa nhất trí việc Việt Nam đăng cai tổ chức SEA Games 31, Para Games 11 năm 2021 và giao thành phố Hà Nội tổ chức đại hội, đã thể hiện rõ trách nhiệm lớn lao đó.
Tiến trình đăng cai và tổ chức SEA Games 2021 vẫn còn ở phía trước với bộn bề công việc, tuy nhiên, nếu diễn ra tại Hà Nội, nơi từng tổ chức thành công SEA Games 2003 và nhiều đại hội thể thao quốc tế lớn, sự thuận lợi và tiết kiệm là điều dễ nhận thấy. Vấn đề đặt ra lúc này là kỳ SEA Games tới vẫn cần tiếp tục giúp thể thao Việt Nam phát triển hơn và đóng góp vào sự phát triển chung của thể thao Đông Nam Á bằng sự chuyên nghiệp trong khâu tổ chức, thi đấu lẫn chuyên môn... thay vì vẫn bị nghĩ như cái "ao làng" như quá nhiều kỳ đại hội gần đây!
Theo báo cáo của Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch, dự kiến thời gian tổ chức SEA Games 31 khoảng 17 ngày và Para Games 11 khoảng 11 ngày từ tháng 10 đến tháng 12-2021. SEA Games 31 sẽ có khoảng 16.000 người tham dự. |
Vũ Minh
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất