Tiền đạo Gaston Merlo (SHB Đà Nẵng): Tôi ghét lối chơi chặt chém

28/03/2010 19:10 GMT+7 | V-League

(TT&VH cuối tuần) - Liên tục “nổ súng” ở mọi mặt trận, tiền đạo Gaston Merlo trở thành “con gà đẻ trứng vàng” cho đội SHB Đà Nẵng. Chân sút này trở thành ngoại binh đáng xem nhất ở giải vô địch quốc gia ở mùa giải này cũng vì lẽ đó.

Gia đình với tôi là trên hết

* Xin cho hỏi trước khi qua VN, Merlo từng khoác áo một đội bóng nào ở quê nhà Argentina?

- Tôi sinh ra và lớn lên tại thủ đô Buenos Aires trong một gia đình có truyền thống bóng đá. Cha tôi và cả em tôi đều là cầu thủ chuyên nghiệp. Cũng như nhiều hàng xóm bên cạnh, chúng tôi đều là những “Xenezies” (biệt danh đội bóng Bocar Junior) chính hiệu và yêu túc cầu cuồng nhiệt. Thời còn ở quê nhà, tôi khoác áo Ferro Carril Oeste – có bản doanh tại khu phố Caballito, hiện đang thi đấu tại giải hạng Nhất nhưng từng là một trong những đội bóng mạnh tại giải ngoại hạng Argentia. Tôi và người đồng đội Nicolai Hernandez đều từng khoác áo Ferro ở giải hạng III trước khi ra nước ngoài thi đấu.

* Sau 1 năm ở V N, anh nhìn nhận thế nào về bóng đá ở đây?

- Thời gian đầu, tôi không có bất cứ thông tin gì về V-League hay bóng đá VN. Trước ngày tôi khăn gói sang đây thử việc, rất nhiều người thân trong gia đình và họ hàng chất vấn tôi sao lại tìm vận may ở một đất nước xa lạ như thế. Nhưng qua lời kể của HLV Hà Nội ACB là Mauricio Luis tôi tin đây là “mảnh đất hứa” để mình thử sức. Quả thực, tôi đã không sai lầm khi lựa chọn VN là nơi dừng chân của mình. V-League là giải đấu hấp dẫn, giàu tính cạnh tranh. Chất lượng của các đội bóng đều được nâng tầm dần sau các mùa giải. Điều ấy khiến tôi quyết định thi đấu lâu dài ở đây. Dù sao tôi mới 25 tuổi và còn nhiều thứ để làm ở nơi này.


Merlo đang có phong độ rất cao. Ảnh: Khang Huy

* Anh nghĩ sao về đội SHB Đà Nẵng? Đặc biệt là HLV Lê Huỳnh Đức chấp nhận cho anh ở lại khi các bác sĩ từng dự đoán anh bị dị tật tim bẩm sinh.

- Căn bệnh ấy thực ra không có gì cả. Bởi tôi thi đấu ở môi trường bóng đá Argentina mà có chuyện gì xảy ra đâu. Nhưng dẫu sao tôi phải cảm ơn HLV trưởng Huỳnh Đức khi ông ấy chấp nhận nghe tôi giải thích và giữ tôi ở lại. Tôi thấy yêu sự cuồng nhiệt của khán giả mỗi khi họ tới sân Chi Lăng cổ vũ cho đội bóng. Chưa kể các cầu thủ trong đội đều rất giỏi. Toàn đội như một gia đình lớn thật sự và tôi hạnh phúc là một phần của đội bóng.

* V-League quả là mảnh đất màu mỡ cho các ngoại binh kiếm tiền. Nhưng cái chết của người đồng hương Monial cũng là hồi chuông cảnh tỉnh về lối sống buông thả của họ.

- Tới tận bây giờ chúng tôi vẫn còn sốc khi nghĩ về cậu ấy. Monila là người bạn lớn của chúng tôi và chúng tôi không nghĩ Monila lại chết một cách thảm khốc như thế. Nếu nói sâu hơn về vấn đề này, tôi xin phép không trả lời. Dẫu sao đây là chuyện tế nhị và Monila là người bạn thân của tôi. Tốt nhất là tôi không nên đề cập tới việc này. Xin hãy hỏi những người khác có lẽ sẽ khách quan hơn.

* Vậy anh nghĩ sao khi tiền đạo Tshamala (Đồng Tâm Long An) nói: “Có nhiều ngoại binh dùng ma túy lắm”.

- Có nhiều chuyện để giải thích câu nói ấy. Các cầu thủ đi đá thuê như chúng tôi đều phải sống cảnh xa gia đình. Chuyện ngoại binh tìm thú vui để giết thời gian hay giải khuây thường rất nhiều. Nhiều cầu thủ tìm tới rượu mạnh, gái đẹp hay tệ hơn là chất ma túy nhằm xóa đi những khoảng trống ấy. Số ấy là không ít và cũng là mặt trái của cuộc sống sau tấm màn bóng đá. Họ rơi vào vũng xoáy và đôi khi không còn rút chân ra khỏi đó. Cái chết của Monila cũng là hồi chuông cảnh tỉnh để các cầu thủ còn lại biết đó mà tránh xa khỏi “chất trắng” chết người ấy.

* Theo anh cách nào giúp các ngoại binh như anh tránh xa được những cám dỗ đáng sợ ấy?

- Trên sân cỏ, cầu thủ hãy là những đấu sĩ thực sự sẵn sàng hy sinh vì đội bóng. Còn ngoài đời, họ cần dành riêng những phút giây riêng tư cho gia đình. Như tôi cũng giành hết sự quan tâm chăm sóc cho bà xã Carolina chăm sóc cậu quý tử Alex của mình. Gia đình chính là phương pháp hữu hiệu nhất giúp các cầu thủ tránh xa cái xấu. Không chỉ riêng tôi mà Rogerio (SHB.Đà Nẵng), Evaldo, Toledo (HA.GL) đều mang cả gia đình sang VN để sinh sống cả đấy thôi. Có gia đình bên cạnh, cầu thủ sẽ không sa đà vào những thú vui vô bổ khác là điều tôi chắc chắn.

Cầu thủ Việt chưa “thoáng” ở cái đầu

* Anh có nhận xét gì về mình bởi khán giả thường thấy anh rất “máu lửa” mỗi khi thi đấu cũng như khi xảy ra va chạm với cầu thủ đội bạn?

- Tôi tự thấy mình ngoài đời sống khép kín và thích sự yên tĩnh. Nhưng khi vào sân, tôi gần như thay đổi hoàn toàn. Tôi lao đi tìm bóng, hò hét đồng đội chuyền bóng cho mình ghi bàn. Và khi cần tôi cũng nổi nóng va chạm với đối phương khi họ đá xấu với tôi. Không phải tôi “nhiễm” tật không hay như các cầu thủ V-League thường có. Đơn giản là tôi ghét người khác chơi xấu với mình. Đây là môn bóng đá chứ không phải là võ đài để cầu thủ triệt hạ nhau như vậy.

* Anh có thế nói rõ hơn về quan điểm của mình.

- Đôi chân là “cần” câu cơm đối với giới quần đùi, áo số như chúng tôi. Việc giữ đôi chân lành lặn cũng như một sức khỏe tốt là vô cùng quan trọng. Chỉ cần chấn thương nặng rồi phải giã từ sự nghiệp, cầu thủ như chúng tôi mất hết. Tôn trọng nghề phải ăn sâu vào ý thức. Nên các cầu thủ nước ngoài chơi quyết liệt nhưng không có ý định đá xấu hay triệt hạ lẫn nhau. Còn các cầu thủ ở VN nhiễm thói xấu chung là thích “chém”, “chặt” từ trong ý nghĩ. Họ không coi đó là nghề và thiếu tôn trọng chình mình hay cầu thủ đối phương theo đúng nghĩa của nó.


Merlo cùng vợ con sau trận đấu ở sân Chi Lăng, Đà Nẵng. Ảnh: Khang Huy

* Còn tác phong cầu thủ Việt ra sao? Anh nhận xét gì về việc các đội bóng thường hay phàn nàn công tác trọng tài. Đơn cử hình ảnh cầu thủ Công Vinh tế sống một vị trọng tài cách đây không lâu…

- Về phía tôi cũng thường có những thái độ bất đồng quan điểm vì một pha phạt việt vị hay tình huống bị phạm lỗi nhưng không được cắt còi. Nhưng việc phàn nàn công khai hay chỉ trích trực tiếp là điều cấm kỵ vì sẽ bị phạt rất nặng. Trọng tài cũng là con người và có sai có đúng. Những quyết định trên sân cần phải được tôn trọng. Tôi thấy ở V-League, nhiều đội và cầu thủ phản ứng trọng tài ra mặt. Họ quên rằng, quyết định của các trọng tài được công nhận dù nó đúng hay không.

* Anh nghĩ các cầu thủ VN còn thiếu điều gì để trở thành những cầu thủ chuyên nghiệp thật sự?

- Bóng đá là một môi trường đào thải nghiệt ngã và vô cùng khắc nghiệt. Nếu biết vượt qua được khó khăn, cầu thủ sẽ trở nên nổi tiếng và có mọi thứ ở trong tay. Tôi nghĩ các cầu thủ VN cần phải có được thể lực và thể hình lý tưởng hơn. Chưa kể việc họ phải thực sự có tác phong chuyên nghiệp trong cuộc sống cũng như trên sân cỏ. Đáp ứng được những yêu cầu ấy, các cầu thủ VN sẽ trở thành cầu thủ chuyên nghiệp tới thi đấu ở bất cứ đâu họ thích.

* Câu hỏi cuối cùng: Mục tiêu của anh trong mùa giải này ở SHB Đà Nẵng?

- Tôi muốn vượt qua thành tích ghi bàn ở mùa giải vừa rồi với đội nhà cũng như giành chức Vua phá lưới. Ngoài ra, tôi cũng mong muốn giữ chiếc cúp VĐQG và Cúp QG ở lại sân Chi Lăng. Hơn hết là việc lọt càng sâu càng tốt tại AFC Cup. Trước đây, Almeida là chân sút số 1 tại SHB Đà Nẵng và V-League. Nhưng giờ tôi sẽ vượt qua anh ấy để trở thành số 1. Tôi nghĩ thế là ổn rồi (cười).

* Xin cảm ơn anh về cuộc trao đổi!

Nhã Nam (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm