Tiêm vaccine vẫn là biện pháp hữu hiệu trong phòng, chống dịch Covid-19

02/04/2023 13:30 GMT+7 | Tin tức 24h

Trong tuần qua (từ 27/3 đến 1/4), Việt Nam ghi nhận 105 ca mắc COVID-19, tăng so với tuần trước đó. 

Kể từ đầu dịch đến ngày 1/4, Việt Nam có 11.527.316 ca mắc, đứng thứ 13/230 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca mắc/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 121/230 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 116.492 ca mắc). Đến nay, Việt Nam đã có tổng số 10.614.977 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh. Có 3 bệnh nhân nặng, đang phải thở oxy qua mặt nạ. 

Trung bình 7 ngày qua không ghi nhận ca tử vong. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.186 ca, chiếm 0,4% so với tổng số ca mắc. Tổng số ca tử vong xếp thứ 26/230 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 141/230 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 7/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 29/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 5 ASEAN).

Tính đến ngày 31/3, đã có tổng số 265.987.159 liều vaccine COVID-19 được tiêm; trong đó, tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 223.436.529 liều; tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 23.964.814 liều; tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi là 18.585.816 liều.

* WHO thay đổi các khuyến nghị đối với COVID-19

Liên quan công tác tiêm chủng vaccine COVID-19, ngày 28/3, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã thay đổi các khuyến nghị đối với vaccine COVID-19, đề xuất những người có nguy cơ cao nên tiêm một liều bổ sung sau 12 tháng kể từ lần tiêm nhắc lại gần nhất. Theo đó, WHO xác định nhóm dân số có nguy cơ cao là người lớn tuổi, cũng như những người trẻ tuổi có các yếu tố rủi ro đáng kể khác. Đối với nhóm này, cơ quan này khuyến nghị tiêm bổ sung vaccine sau 6 hoặc 12 tháng kể từ lần tiêm gần nhất, dựa trên các yếu tố như tuổi tác và tình trạng suy giảm miễn dịch.

Tiêm vaccine vẫn là biện pháp hữu hiệu trong phòng, chống dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Ảnh: Báo Chính phủ

Bên cạnh đó, WHO cũng xác định trẻ em và thanh thiếu niên khỏe mạnh là là nhóm "ưu tiên thấp" và kêu gọi các quốc gia xem xét các yếu tố, như gánh nặng bệnh tật, trước khi khuyến nghị tiêm chủng cho nhóm này.

Khuyến nghị trên được đưa ra trong bối cảnh các quốc gia trên thế giới đáng áp dụng các cách tiếp cận khác nhau đối với vaccine COVID-19 cho người dân. 

Nhu cầu về vaccine COVID-19 đã giảm mạnh trong năm nay do lượng tồn kho trên khắp thế giới tăng lên và khả năng miễn dịch của người dân cũng gia tăng do tỷ lệ tiêm chủng cao và nhiều người có miễn dịch sau khi mắc bệnh trước đó. Cách đây 3 năm, WHO chính thức tuyên bố COVID-19, căn bệnh do virus SARS-CoV-2 gây ra, là đại dịch toàn cầu. Sau 3 năm, những tín hiệu tích cực cho cuộc sống bình thường mới đã xuất hiện nhờ những nỗ lực kiểm soát đại dịch ở nhiều quốc gia trên thế giới và hiệu quả của các loại vaccine. Thực tế đã cho thấy tiêm vaccine vẫn luôn là biện pháp hiệu quả và có ý nghĩa chiến lược trong phòng, chống dịch bệnh của nhiều quốc gia.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho hay, dù COVID-19 có trở thành bệnh lưu hành giống như cúm mùa thì vẫn phải tiêm vaccine vì vẫn có nhiều người tử vong.

COVID-19 sẽ không biến mất như bệnh SARS vào năm 2003. Chúng ta đã mở cửa du lịch, phát triển giao thương kinh tế thì tình hình dịch bệnh của Việt Nam cũng không thể tách biệt với tình hình dịch của thế giới. Chỉ trong vòng 24 giờ, dịch bệnh ở nước xa xôi nhất có thể xâm nhập vào nước ta - chuyên gia Nguyễn Đắc Phu khuyến cáo.

* Xác định COVID-19 là bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội

Bộ Y tế đã bổ sung COVID-19 vào danh sách các bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội. Đây là nội dung Thông tư 02/2023/TT-BYT sửa đổi Thông tư 15/2016/TT-BYT quy định về bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội do Bộ Y tế vừa ban hành.

Tiêm vaccine vẫn là biện pháp hữu hiệu trong phòng, chống dịch Covid-19 - Ảnh 2.

Ảnh: Bộ Y tế

Bộ Y tế nêu rõ COVID-19 được xem là một loại bệnh nghề nghiệp. Bệnh phát sinh trong quá trình lao động do người lao động phải tiếp xúc với virus SARS-CoV-2 có trong môi trường lao động. Các yếu tố gây bệnh được xác định bằng một trong các văn bản bao gồm: Biên bản xác định tiếp xúc nghề nghiệp với virus SARS-CoV-2; văn bản cử tham gia phòng, chống dịch, phục vụ, cứu trợ người nhiễm virus SARS-CoV-2 do lãnh đạo đơn vị ký xác nhận, đóng dấu và các văn bản khác phù hợp do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp; đánh giá yếu tố tiếp xúc nghề nghiệp quy định; biên bản xác nhận tiếp xúc với yếu tố có hại gây bệnh nghề nghiệp cấp tính.

Cũng theo Bộ Y tế, người lao động làm nghề, công việc thường gặp và nguồn tiếp xúc với virus SARS-CoV-2 bao gồm 6 nhóm cơ bản:

Người làm nghề, công việc tại cơ sở y tế.

Người làm nghề, công việc trong phòng thí nghiệm, lấy mẫu, vận chuyển mẫu, xử lý, bảo quản và tiêu hủy mẫu có chứa virus SARS-CoV-2.

Người làm nghề, công việc phòng, chống dịch, phục vụ, cứu trợ người nhiễm virus SARS-CoV-2 bao gồm: người làm nghề, công việc trực tiếp trong khu cách ly tập trung, cách ly y tế tại nhà, cách ly y tế vùng có dịch, hỗ trợ chăm sóc người mắc COVID-19 tại nhà; người vận chuyển, phục vụ người mắc COVID-19; người vận chuyển, khâm liệm, bảo quản, hỏa táng, mai táng thi hài người mắc COVID-19; người giám sát, điều tra, xác minh dịch COVID-19; nhân viên hải quan, ngoại giao, nhân viên làm công tác xuất nhập cảnh; sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sỹ quan, chiến sỹ quân đội nhân dân, công chức quốc phòng, công nhân quốc phòng và viên chức quốc phòng; chiến sỹ, sỹ quan thuộc lực lượng công an; người làm nghề, công việc khác được cử tham gia phòng, chống dịch COVID-19.

Bộ Y tế cho biết, thời gian tiếp xúc tối thiểu (thời gian tiếp xúc ngắn nhất với yếu tố có hại trong quá trình lao động để có thể gây bệnh nghề nghiệp) là một lần. Thời gian bảo đảm (khoảng thời gian kể từ khi người lao động đã thôi tiếp xúc với nguồn lây đến thời điểm phát bệnh là 28 ngày.

Việc chẩn đoán xác định COVID-19 theo hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19 do Bộ trưởng Y tế ban hành tại Quyết định số 250/QĐ-BYT ngày 28/1/2022 về việc ban hành Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19 và Quyết định số 437/QĐ-BYT ngày 27/2/2022 về việc sửa đổi, bổ sung một số điểm của Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19.

Thời gian khám xác định di chứng được tính từ sau tối thiểu sáu tháng kể từ khi mắc COVID-19 và được điều trị ổn định. Trường hợp không điều trị ổn định được thực hiện theo quy định hiện hành.

Những người làm nghề, công việc trên được chẩn đoán xác định mắc COVID-19 do tiếp xúc trong quá trình lao động trong thời gian từ ngày 1/2/2020 đến trước ngày 1/4/2023 được lập hồ sơ bệnh nghề nghiệp để khám giám định và được hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp theo các quy định hiện hành.

Tiêm vaccine vẫn là biện pháp hữu hiệu trong phòng, chống dịch Covid-19 - Ảnh 3.

Như vậy, danh mục bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội từ ngày 1/4/2023 như sau: bệnh bụi phổi silic nghề nghiệp; bệnh bụi phổi amiăng nghề nghiệp; bệnh bụi phổi bông nghề nghiệp; bệnh bụi phổi talc nghề nghiệp; bệnh bụi phổi than nghề nghiệp; bệnh viêm phế quản mạn tính nghề nghiệp; bệnh hen nghề nghiệp; bệnh nhiễm độc chì nghề nghiệp; bệnh nhiễm độc nghề nghiệp do benzene; bệnh nhiễm độc thủy ngân nghề nghiệp; bệnh nhiễm độc mangan nghề nghiệp; bệnh nhiễm độc trinitrotoluen nghề nghiệp; bệnh nhiễm độc asen nghề nghiệp; bệnh nhiễm độc hóa chất bảo vệ thực vật nghề nghiệp; bệnh nhiễm độc nicotin nghề nghiệp; bệnh nhiễm độc cacbon monoxit nghề nghiệp; bệnh nhiễm độc cadimi nghề nghiệp; Bệnh điếc nghề nghiệp do tiếng ồn; bệnh giảm áp nghề nghiệp; bệnh nghề nghiệp do rung toàn than; bệnh nghề nghiệp do rung cục bộ; bệnh phóng xạ nghề nghiệp; bệnh đục thể thủy tinh nghề nghiệp; bệnh nốt dầu nghề nghiệp; bệnh sạm da nghề nghiệp; bệnh viêm da tiếp xúc nghề nghiệp do crôm; bệnh da nghề nghiệp do tiếp xúc môi trường ẩm ướt và lạnh kéo dài; bệnh da nghề nghiệp do tiếp xúc với cao su tự nhiên, hóa chất phụ gia cao su; bệnh Leptospira nghề nghiệp; bệnh viêm gan virus B nghề nghiệp; bệnh lao nghề nghiệp; nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp; bệnh viêm gan virus C nghề nghiệp; bệnh ung thư trung biểu mô nghề nghiệp; bệnh COVID-19 nghề nghiệp.

TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm