Thương hiệu Việt bị đánh cắp

19/10/2011 08:44 GMT+7 | Thế giới

Chỉ trong vòng hơn 1 tháng nay, một số thương hiệu nổi tiếng của VN phát hiện bị nước ngoài giành quyền đăng ký bảo hộ. Tình trạng đáng lo ngại này được dự báo sẽ còn gia tăng.

Liên tục mất

Mới đây thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột của tỉnh Đắk Lắk đã bị đăng ký bảo hộ độc quyền trong vòng 10 năm tại Trung Quốc. Trong khi đó thương hiệu cà phê Đắk Lắk cũng bị một công ty của Pháp đăng ký bảo hộ ở hơn 10 quốc gia khác nhau. Theo đó, 2 nhãn hiệu “Buon Ma Thuot” đi kèm hai chữ Trung Quốc phía sau và “Buon Ma Thuot Coffee 1896” cộng với logo đã được Trung Quốc cấp chứng nhận bảo hộ độc quyền cho Công ty Guangzhou Buon Ma Thuot Coffee tại tỉnh Quảng Đông vào ngày 14.11.2010 và ngày 14.6 năm nay.


Sản xuất nước mắm tại Phú Quốc - Ảnh: Công Hân

Chỉ mấy ngày sau khi vụ thương hiệu cà phê này bị giành được phát hiện, Công ty luật Bross & Partners có trụ sở tại Hà Nội đã tìm ra thêm một vụ cướp chỉ dẫn địa lý khác. Công ty này đã gửi văn bản cho Sở Khoa học - Công nghệ (KH-CN) tỉnh Kiên Giang và Hội Nước mắm Phú Quốc cảnh báo: “Ngày 15.9.2011, chúng tôi phát hiện chỉ dẫn địa lý Phú Quốc của VN đã bị một doanh nghiệp (DN) có tên là Viet Huong Trading Company Limited, có địa chỉ tại Viet Huong Building, 28 Hoi Wah Road, Tuen Mun, NT, Hong Kong nộp đơn đăng ký dưới dạng nhãn hiệu Trung Quốc. DN này nộp đơn ngày 11.5.2011 yêu cầu bảo hộ nhãn hiệu bao gồm chữ Phú Quốc nổi bật đặt trên bản đồ VN và hình con cá cơm cùng với hình ảnh bản đồ đảo Phú Quốc phía dưới”.

Trung Nguyên, Cầu Tre, Vifon...

Năm 1998, một số DN phát hiện sản phẩm kẹo dừa Bến Tre bị một đối tác làm nhái và đăng ký độc quyền nhãn hiệu này ở Trung Quốc. Chủ nhãn hiệu kẹo dừa Bến Tre đã rất vất vả mới đòi lại được thương hiệu.

Năm 2001, hàng loạt DN như Vinataba, Trung Nguyên, Cầu Tre, Vifon... phát hiện thương hiệu của mình bị đăng ký tại nhiều quốc gia.

Năm 2009, Công ty Kim Seng, trụ sở tại Los Angeles (Mỹ) đã xin gia hạn bảo hộ thương hiệu “nước mắm nhĩ Phan Thiết” đến năm 2012.

Nước mắm Phú Quốc của VN nổi tiếng từ lâu nên nhiều năm nay liên tục bị nước ngoài lợi dụng. Ngay từ thập niên 70 của thế kỷ trước, nhãn hiệu nước mắm Phú Quốc đã bị các công ty tại Thái Lan sử dụng trên các sản phẩm nước mắm của họ xuất khẩu sang Mỹ và châu Âu. Năm 1982, Công ty Viet Huong Fishsauce tại Mỹ đã được cơ quan đăng ký nhãn hiệu tại nước này cấp nhãn hiệu nước mắm Phú Quốc. Sau đó, công ty này lần lượt đăng ký nhãn hiệu “Nước mắm Phú Quốc” ở châu Âu và Úc... Không chỉ nước mắm Phú Quốc, một công ty nước ngoài có địa chỉ tại Los Angeles (Mỹ) cũng đăng ký thương hiệu “nước mắm nhĩ Phan Thiết” tại thị trường này. Công ty này đã xin gia hạn bảo hộ vào năm 2009 và sẽ hết hiệu lực đến năm 2019.

Bà Nguyễn Thị Tịnh, Chủ tịch Hội Nước mắm Phú Quốc (Kiên Giang) cho biết: "Khi nhận được thông tin trên, hội đã tiến hành cuộc họp các hội viên, tất cả đều bức xúc và lo lắng. Một khi thương hiệu nước mắm Phú Quốc bị xâm hại sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động xuất khẩu của các đơn vị sản xuất, kinh doanh nước mắm Phú Quốc". Theo bà Tịnh, hiện nay hội đã đề nghị các cơ quan chức năng tỉnh Kiên Giang, Cục Sở hữu trí tuệ có ý kiến với phía Trung Quốc để đòi lại quyền sở hữu đối với thương hiệu này.

Về vụ bị mất thương hiệu nước mắm Phan Thiết tại Mỹ, ông Lê Văn Tiến - Giám đốc Sở KH-CN Bình Thuận cũng cho biết chậm nhất là ngày hôm nay (19.10), Sở KH-CN tỉnh Bình Thuận sẽ có báo cáo UBND tỉnh kế hoạch đăng ký nhãn hiệu sản phẩm độc quyền đối với sản phẩm nước mắm Phan Thiết ở nước ngoài. Bước đầu nước mắm Phan Thiết sẽ được đăng ký bảo hộ độc quyền ở Lào, Thái Lan, Campuchia và kể cả Mỹ.

Tiên trách kỷ...

Theo luật sư Lê Quang Vinh của Công ty luật Bross & Partners, theo Luật Nhãn hiệu Trung Quốc và thực tế thẩm định đăng ký nhãn hiệu, nếu không có gì thay đổi, khoảng vào tháng 5.2012, đơn đăng ký trên sẽ được công bố để bất kỳ bên thứ 3 nào khác thực hiện quyền phản đối trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày công bố. Nếu hết thời hạn phản đối mà không có bên nào phản đối hoặc phản đối không đúng hạn đối với nhãn hiệu nước mắm Phú Quốc của Công ty Việt Hương thì rất có thể Cơ quan nhãn hiệu Trung Quốc sẽ cấp độc quyền cho Công ty Viet Huong. Theo ông Vinh, chúng ta chỉ có thể ngăn chặn được các chủ thể mạo danh Phú Quốc, ngăn chặn họ sử dụng trái phép chỉ dẫn địa lý Phú Quốc khi chúng ta đăng ký thành công chủ sở hữu của nhãn hiệu nước mắm Phú Quốc ở các nước đó.

"Chúng tôi cũng biết nếu không nhanh chóng đăng ký bảo hộ cho sản phẩm của mình ở nước ngoài thì sẽ khó khăn cho việc xuất khẩu. Tuy nhiên các DN nước mắm ở Phan Thiết hiện nay chưa đủ tầm để làm việc này, chúng tôi vẫn cần sự hỗ trợ của Nhà nước" - Ông Trương Quang Hiến, Phó chủ tịch Hiệp hội Nước mắm Phan Thiết.

Nếu không thể giành lại sở hữu nhãn hiệu, thiệt hại lớn nhất của DN VN là không thể xuất khẩu được vào các thị trường đã được nước ngoài đăng ký bảo hộ trước đó. Nếu vẫn cứ đưa sản phẩm vào thị trường này thì sản phẩm này cũng trở thành hàng giả, hàng nhái. Ở một tình huống tệ hơn, DN có thể phải mất một khoản tiền lớn để “chuộc” lại tên mình nếu không muốn cơ hội kinh doanh ở các nước này bị mất vĩnh viễn.

Để xảy ra những trường hợp như thế trước hết là trách nhiệm của các hiệp hội ngành hàng và địa phương đã không có tầm nhìn xa, không lường trước những diễn biến phức tạp trên thị trường xuất khẩu. Thật ra chỉ dẫn địa lý đối với cà phê Buôn Ma Thuột và nước mắm Phú Quốc đã được đăng ký bảo hộ nhưng đó chỉ là ở thị trường trong nước. Chỉ dẫn địa lý nước mắm Phú Quốc được công nhận bảo hộ quốc gia vào năm 2001. Đây là nhãn hiệu đầu tiên của VN được công nhận bảo hộ quốc gia. Tuy nhiên,  cho đến năm 2005, Bộ Thủy sản lúc đó mới ban hành quy chế tạm thời về kiểm soát, chứng nhận nước mắm mang tên gọi xuất xứ Phú Quốc. Về vấn đề bảo hộ ở nước ngoài, mãi đến năm 2010, Hội Nước mắm Phú Quốc và UBND tỉnh Kiên Giang mới xúc tiến hồ sơ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể này ở tại các nước EU. Bà Nguyễn Thị Tịnh cho biết đến nay Hội Nước mắm Phú Quốc vẫn đợi phản hồi từ cơ quan hữu quan phía EU.

UBND tỉnh Đắk Lắk thì từ năm 1995 đã cho phép xây dựng hồ sơ bảo hộ tên gọi xuất xứ cà phê Buôn Ma Thuột (chỉ dẫn địa lý) và vào tháng 10.2005 đã được Cục Sở hữu trí tuệ ra quyết định công nhận bảo hộ quốc gia chỉ dẫn địa lý Cà phê Buôn Ma Thuột đối với sản phẩm cà phê nhân Robusta. Còn việc đăng ký bảo hộ ở thị trường xuất khẩu thì hầu như chưa có.

Không còn là chuyện riêng của DN

Theo các chuyên gia, tuy đã xảy ra nhiều trường hợp bị đánh cắp thương hiệu, thế nhưng việc bảo hộ thương hiệu ở nước ngoài vẫn chưa được DN, các địa phương quan tâm đúng mức. Vì thế, tình trạng này sẽ gia tăng trong tương lai. Bản thân DN chưa thực sự chú trọng hoặc chưa đủ tiềm lực để có thể đăng ký bảo hộ thương hiệu ở nhiều quốc gia khác nhau.

Câu chuyện nhãn hiệu VN bị đánh cắp ở nước ngoài không còn là câu chuyện riêng đối với một DN cụ thể nào mà nó đã trở thành câu chuyện của quốc gia. Nếu nhãn hiệu cà phê Buôn Ma Thuột có thể mất thì vải thiều Lục Ngạn, bưởi Năm Roi, tỏi Lý Sơn... cũng sẽ lần lượt bị mất nếu việc đăng ký sở hữu quốc tế đối với các nhãn hiệu này không được lập tức xúc tiến.

Theo Thanh niên

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm