Ai sẽ đá vì nước Pháp?

17/11/2015 13:57 GMT+7 | Bóng đá Pháp

(Thethaovanhoa.vn) - Khi FFF quyết định không hủy trận đấu giao hữu với tuyển Anh ở Wembley, đã rất nhiều tranh cãi nổ ra xoay quanh quyết định đó.

1. Rất nhiều người đánh giá rằng, việc tiếp tục trận giao hữu theo đúng kế hoạch là một thông điệp rõ ràng nhất gửi đến chủ nghĩa khủng bố, với hàm ý rằng “Cuộc sống vẫn tiếp diễn. Châu Âu không sợ hãi trước chủ nghĩa khủng bố và châu Âu sẵn sàng sát cánh trong cuộc chiến này, cuộc chiến mà IS đã gọi là ‘chiến tranh đô thị’.”. Nhưng cũng có những người cho rằng sự tiếp tục ấy là thái độ thiếu tôn trọng đối với các cầu thủ Pháp, những người lẽ ra nên được dành thời gian cho gia đình mình sau vụ khủng bố hàng loạt địa điểm tại Paris cuối tuần vừa rồi.

Thậm chí, nhiều người còn cảm thấy lo sợ bởi IS nhấn mạnh rằng London sẽ là mục tiêu kế tiếp của chúng. Và điều không lạ là ngay trong nội bộ tuyển Pháp, nhiều người cũng tỏ ra thất vọng khi phải tiếp tục trận giao hữu. Tất nhiên, có những người đã gặp phải mất mát (như trường hợp của Lass Diarra), hoặc suýt gặp phải (như Griezmann), trong vụ tấn công vừa qua nhưng họ cũng vẫn còn những con người mạnh mẽ, muốn cùng đứng chung dưới một ngọn cờ dũng cảm của cả châu Âu. Vậy thì điều gì ngăn trở họ đặt chân sang Wembley, ngoài lý do họ cần quay lại bên gia đình mình? Có lẽ, đó chính là bởi sự mâu thuẫn nội tâm của chính những cầu thủ trong một tập thể vô cùng đa dạng về sắc tộc lẫn tôn giáo.

Trong trái tim nước Pháp

Trong trái tim nước Pháp

Với tôi, không bao giờ có dự liệu hay hình dung nước Pháp bị tấn công ở chính thủ đô, cho đến khi toà soạn Chalie Hebdo. bị thảm sát ngay buổi trưa mà tại vị trí thuộc trung tâm, đường Nicolas-Appert, quận 11.

2. Cho dù cuộc chiến với chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan, chủ nghĩa khủng bố có lên đến đỉnh điểm của căng thẳng đi nữa, tuyển Pháp vẫn tồn tại những cá nhân là tín đồ đạo Hồi, là người nhập cư. Một đội bóng thể hiện sự đa dạng của xã hội mà họ đại diện. Tỷ lệ tín đồ Hồi giáo trong tổng số dân số nước Pháp là khá đông và tỷ lệ người nhập cư hoặc có nguồn gốc nhập cư cũng rất lớn trong xã hội Pháp hôm nay. Kể từ thập niên 90, trong số 23 tuyển thủ Pháp được triệu tập, những cầu thủ Pháp chính gốc luôn chỉ còn là thiểu số. Sức mạnh Les Bleus được xây trên nền tảng của những người nhập cư như thế và không dễ gì người Pháp khước từ sức mạnh đó.

Một câu chuyện mới xảy ra gần đây rất đáng để chúng ta suy nghĩ về tình trạng cầu thủ nhập cư ở Pháp chính là scandal của Benzema. Benzema là dân có nguồn gốc nhập cư (Algeria) và nhiều người đặt ra câu hỏi rằng tại sao anh lại hành xử như thế với Valbuena, dù số tiền chuộc chỉ là 150 ngàn euro. Đúng là Benzema không đụng vào số tiền đó, không dây dưa chia phần gì trong đó nhưng anh khá tích cực đưa tin thay cho bạn bè mình. Lý do duy nhất để anh làm việc ấy chính là bởi người ta không thể từ bỏ bằng hữu, nhất là khi mình đã có một sự nghiệp thành đạt rồi. Dù sao, Benzema cũng trưởng thành từ cái nôi là cộng đồng nhập cư nghèo nàn, thậm chí là lạc hậu, mang mặc cảm bị gạt ra ngoài rìa xã hội. Cộng đồng đó cho anh một ý chí sống, bao bọc cho anh khi còn hàn vi và anh khó lòng cưỡng lại việc phải có trách nhiệm giúp đỡ nó theo cách nào đó. Và trường hợp của Benzema chỉ là đại diện cho rất nhiều trường hợp các cầu thủ nhập cư khác ở nhiều trung tâm bóng đá của Pháp.

Khủng bố Paris và bóng đá dũng cảm hay hèn nhát

Khủng bố Paris và bóng đá dũng cảm hay hèn nhát

Nếu như những CĐV Pháp hát vang quốc ca trên đường rời sân là dũng cảm và thể hiện lòng ái quốc thì sự sợ hãi không muốn trở lại Pháp của những ngôi sao quốc tế David Luiz và Edison Cavani có phải là sự hèn nhát?

3. Có nhiều người nhập cư thất bại, và trở về với cuộc mưu sinh vô vọng đến mức độ họ cảm thấy bất mãn với chính xã hội đã dung dưỡng họ. Bởi thế, khi Blanc nói về hạn ngạch cho cầu thủ nhập cư hồi năm 2010, ông đã bị chỉ trích dữ dội. Nhưng ông có phần đúng, có những cầu thủ được Pháp đào tạo nhưng họ không để trái tim mình phụng sự lá cờ Tự do-Bình đẳng- Bác ái mà thay vào đó, họ trở về khoác áo đội tuyển quê cha đất mẹ bất chấp việc vẫn sống, sinh con, mang quốc tịch và hưởng các chế độ ưu đãi của một công dân Pháp. Sự trở về ấy cũng tương đồng như những người nhập cư trở về Syria khoác áo phiến binh IS để chống lại nước Pháp, đất nước đã cưu mang họ và gia đình họ.

Mâu thuẫn ấy sẽ còn ảnh hưởng đến nền bóng đá Pháp một cách lâu dài. Xã hội ổn định, nền bóng đá đó sẽ mạnh hơn hẳn vì huy động được sức mạnh đa dạng, như hồi 1996-2000. Xã hội náo loạn, đội bóng ấy cũng náo loạn, mà đơn cử là hôm nay, khi có người vẫn sẵn sàng đá như chiến đấu chống lại chủ nghĩa khủng bố và có nhiều người khác coi là ‘thiếu tôn trọng’ khi bắt họ phải ra sân.

23 con người trong tay Deschamps, tất cả đều là tuyển thủ Pháp, nhưng ai sẽ đá vì nước Pháp???

Hà Quang Minh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm