Thứ trưởng Vương Duy Biên: Không có tư nhân sẽ khó có Đêm Việt Nam tại Cannes 2017

31/05/2017 11:10 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - “Đêm Việt Nam tại LHP Cannes là nỗ lực rất lớn của các hãng phim tư nhân. Không có họ, Việt Nam khó có thể có một đêm quảng bá điện ảnh Việt tại Cannes hoành tráng như thế” - Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL chia sẻ.

Đêm Việt Nam là sự kiện do Cục Điện ảnh phối hợp với các công ty như Live Media, KNS, BHD, Vietnam Media tổ chức vào ngày 20/5/2017 nhằm quảng bá cho điện ảnh Việt Nam. Thể thao & Văn hóa đã có cuộc trò chuyện với Thứ trưởng Vương Duy Biên xung quanh sự kiện này.

* Bộ VH,TT&DL đánh giá Đêm Việt Nam đã đem lại điều gì cho điện ảnh Việt thưa ông?

- Cannes là LHP tầm cỡ thế giới, tôi rất mừng vì Việt Nam đã có một đêm giới thiệu điện ảnh Việt thật trang trọng tại LHP này. Bãi biển rất đẹp, sự kiện tổ chức đậm không khí điện ảnh, có 600 khách mời đến dự, trong đó có Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thái Lan, Cục trưởng Cục Điện ảnh Hàn Quốc, đoàn điện ảnh các nước...

Chú thích ảnh
Thứ trưởng Vương Duy Biên

Trong Đêm Việt Nam, Cục trưởng Cục Điện ảnh Việt Nam và Vụ trưởng Vụ Điện ảnh thuộc Viện Pháp đã trao đổi Biên bản thỏa thuận về hợp tác giữa 2 đơn vị. Ngoài ra sự kiện còn giới thiệu dự án phim Việt Nam, tiếp xúc với các doanh nghiệp nước ngoài, đặt mối quan hệ với họ…

Từ sự kiện này, tôi có suy nghĩ, các mùa liên hoan phim sau Nhà nước nên quan tâm cho điện ảnh Việt xuất hiện trong sân chơi lớn như thế, thay vì để các nghệ sĩ điện ảnh đơn độc…

* Các đơn vị tư nhân đóng góp thế nào trong sự kiện này thưa ông?

- Nếu không có đơn vị tư nhân cùng chung tay thì e rằng khó có thể có một Đêm Việt Nam tại Cannes. Chúng ta cảm ơn Công ty TNHH Truyền thông BHD đã tài trợ để có sự kiện Đêm Việt Nam tại Cannes. Sự kiện này, Công ty BHD quảng bá thương hiệu của mình chỉ là một phần, quan trọng hơn là tinh thần chung sức quảng bá Điện ảnh Việt Nam tại một sân chơi lớn của Điện ảnh thế giới. Trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, Chính phủ thắt chặt chi tiêu công, khó có thể rót tiền cho các sự kiện như thế này. Đây là nỗ lực rất lớn của các doanh nghiệp trong nước, tôi rất hoan nghênh sự đóng góp quan trọng này.

Chú thích ảnh
Hình ảnh quảng bá Việt Nam và TP.HCM tại Cannes có được là nhờ tư nhân

* Việt Nam có gì để hấp dẫn các đối tác nước ngoài thưa ông?

- Thứ nhất là môi trường, thủ tục không quá phức tạp, dần dần chúng ta đang đơn giản hóa, để tạo điều kiện tốt nhất cho các đoàn làm phim quốc tế vào. Ngoài ra, phong cảnh của Việt Nam rất đẹp, là bối cảnh lý tưởng cho các bộ phim. Đơn cử như Kong: Skull Island đã quay tại Việt Nam. Và so với mặt bằng một số nước, dịch vụ ở Việt Nam cũng rẻ. Đặc biệt, Việt Nam có nền văn hóa lâu đời, đặc sắc và đa dạng sẽ là nơi có nhiều chủ đề, nhiều tiềm năng để các đoàn làm phim nước ngoài khai thác.

* Thời gian qua Bộ VH,TT&DL đã thúc đẩy rất mạnh hoạt động quảng bá các danh thắng của Việt Nam cho các đoàn làm phim nước ngoài, đặt cho điện ảnh nhiệm vụ phải quảng bá du lịch. Liệu điều này có thúc đẩy các nhà sản xuất trong nước chạy theo trào lưu bối cảnh?

- Đối với nhà làm phim giỏi thì họ sẽ cân nhắc chọn bối cảnh nào phù hợp với phim, chứ họ không quan tâm mình chào mời nhiệt tình thế nào để chọn bối cảnh. Với một ê-kíp giỏi, mà có bối cảnh đẹp, họ sẽ biết cách khiến mọi thứ hài hòa, đẹp hơn.

Ngược lại, chúng ta cũng cần đặt câu hỏi, vì sao Việt Nam có nhiều bối cảnh đẹp thế mà lên phim chưa đẹp, phải chờ đến khi nước ngoài vào chúng ta mới nhận thấy bối cảnh của mình đẹp thế nào qua phim của họ. Chúng ta vẫn còn phải học hỏi rất nhiều, và đây sẽ là một quá trình dài. Ngoài ra cũng cần phải tìm hiểu ngôn ngữ điện ảnh quốc tế, xu hướng làm phim, cách xuất khẩu phim ra thế giới. Phải tìm hiểu vì sao phim được công chúng và các nhà chuyên môn nước mình thích mà ở nước ngoài không đánh giá cao, và phim mình không đánh giá cao thì nước ngoài lại thích…

LHP Cannes 2017: Cơ hội lớn để đạo diễn Việt vươn ra quốc tế

LHP Cannes 2017: Cơ hội lớn để đạo diễn Việt vươn ra quốc tế

Dù không tham gia tranh giải nhưng hai đạo diễn Việt Nam có dự án giới thiệu trong mục L’Atelier của quỹ Cinefondation mà Lý Nhã Kỳ bảo trợ tại LHP Cannes sẽ có rất nhiều cơ hội để nâng tầm quốc tế phim của mình.

* Ngoài Đêm Việt Nam tại Cannes, dư luận trong nước rất quan tâm đến việc diễn viên Lý Nhã Kỳ xuất hiện tại Cannes, cũng như cách cô ấy quảng bá hình ảnh cá nhân và hình ảnh đất nước tại LHP Cannes. Quan điểm của Bộ về vấn đề này thế nào?

- Quan điểm của tôi Lý Nhã Kỳ tham gia các hoạt động quảng bá điện ảnh Việt Nam tại Cannes là tốt. Trước đây, với vai trò là Đại sứ Du lịch Việt Nam, cô ấy đã rất nhiệt tình trong quá trình quảng bá giới thiệu hình ảnh đất nước con người, văn hóa Việt Nam. Và nay cũng vậy, với điều kiện của mình, cô luôn dành sự ủng hộ, tài trợ cho các hoạt động đó... Và Điện ảnh là một trong những loại hình nghệ thuật mà cô dành tình cảm rất đặc biệt.

Nếu không có đoàn điện ảnh Việt Nam, cô ấy vẫn là khách mời của LHP Cannes, hoàn toàn có quyền có pano tại Cannes. Ngoài lo việc cá nhân, cô ấy còn bỏ tiền làm pano quảng bá hình ảnh TP.HCM, hình ảnh Việt Nam tại Cannes. Trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn, có người dám bỏ tiền túi ra để quảng bá cho Việt Nam là tốt, chúng ta không nên quá khắt khe, ngược lại nên trân trọng. Càng có nhiều cá nhân quảng bá cho điện ảnh Việt Nam tại Cannes, hay ở các LHP khác thì càng tốt chứ. Nếu chỉ trông vào ngân sách nhà nước thì sẽ khó có hình ảnh Việt Nam, hình ảnh TP.HCM tại Cannes.

* Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Linh Lan (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm