Thư SEA Games: Hai mặt Yangon

11/12/2013 14:01 GMT+7 | Khám phá Myanmar

(Thethaovanhoa.vn) - Trong những ngày ở Yangon, hình ảnh các nhà sư đi khất thực bao giờ cũng tạo nên một xúc cảm mạnh mẽ, các nhà sư ăn mặc sạch sẽ, từ nhỏ đến già đều rất đẹp.

Chủ khách sạn bảo rằng với người dân Myanmar, chữ khất  không hàm nghĩa là cầu xin. Bởi vì, thực chất khất thực là một hoạt động sinh hoạt mang tính truyền thống của Phật giáo không phải chỉ nhằm mục đích nuôi sống cơ thể vật chất mà còn nuôi dưỡng đời sống tâm linh mỗi cá nhân.

Đây ngoại ô

Chúng tôi đi thăm khu thương mại Yuzana Plaza ở phía Bắc thành phố, để xem vùng ngoại ô của cố đô có gì đặc biệt. Đứng đợi xe taxi ngay bến xe bus, mới thấy cảnh xe đò của Yangon còn khủng khiếp. Những chiếc xe khách cũ kỹ đến không tả, ập vào đón khách rồi vụt đi như cơn lốc, tiếng bô xé gió.

Yuzana Plaza là tòa nhà 5 tầng, nghe đâu được xây dựng từ thời hoàng kim nhất của Myanmar mấy chục năm trước, sau đó được cải tạo để thành khu thương mại ở Bắc thành phố. Đã 10 giờ sáng nhưng để ý thấy nhiều quầy hàng chưa dọn. Cả đoàn  xuyên sâu vào mặt sau của Trung tâm thương mại. Ở đây có những con ngõ hun hút với các tòa nhà đã xây từ rất lâu. Vẫn là những hỗn mang đường dây điện mạng nhện. Những tòa nhà chung cư này là dù sao vẫn phản ánh một thời hoàng kim của Myanmar.

Nhịp sống tại cố đô của Myanmar, Yangon vẫn rất chậm rãi. Ảnh: Thanh Hà

Nếu họ mở cửa sớm hơn, có lẽ SEA Games 27 đã thấy một diện mạo Yangon khác theo chiều hướng tích cực. Càng đi vào nhiều con đường xa thành phố, mọi thứ tối um. Có lần tôi thử miên man đi vào một con ngõ rất sâu. “Ngõ nhỏ phố nhỏ”, ấn tượng vẫn là người dân cố đô rất an bình thư thái. Cũng có, buôn bán nhưng tuyệt không hề thấy cảnh tranh cãi, chụp giật.

Đây trái tim Yangon

Thuê taxi đi bát phố Yangon cũng là một kỳ thú. Trên đường từ ngoại ô đến  “trái tim” của Yangon, xe đi qua nhiều danh thắng, càng vào càng mang âm hưởng người Anh, từ bệnh viện, nhà ga xe lửa, bệnh viện, tòa nhà thị chính, đường nhiều chiều lái xe đi về bên trái…

Myanamar trước kia từng là một trung tâm sầm uất và văn minh của khu vực Đông Nam Á, với những ngôi nhà, khu quần thể kiến trúc mang dáng dấp của một đô thị đầy nội lực. Đúng là khu trung tâm cố đô nhộn nhịp và thay đổi lớn, nhưng trong một bức tranh chung vẫn thấy rất nhiều chi tiết gợi nhớ đến một  Yangon thời chưa mở cửa. Khu trung tâm vẫn đi lại láo nháo, xe cũ kỹ nhiều, nhiều xe lôi chuông kêu rộn ràng.

Đứng trước những căn nhà từng một thời vàng son, nhưng giờ sẫm màu rêu phong hoặc tường tróc đầy u ám, nhưng trên đó là cơ man những cột ăng ten  parapol ta cảm thấy sự thay đổi giống như Việt Nam những năm 90, bắt đầu từ nhu cầu văn hóa thông tin của người dân cố đô. Tôi chưa hiểu thủ đô mới  của Myanmar thế nào, nhưng rõ ràng Yangon vẫn còn nếp sống của người Hà Nội xưa. Họ vẫn giữ nhịp sống chậm chậm. Nghe đâu khi quyết định “dời đô” khỏi Yangon nhiều người dân ở đây không muốn rời đi.

Và tôi lại bắt gặp từng đoàn nhà sư đi khất thực giữa phố xá dọc ngang. Họ đi thành một nhóm nhiều người. Mỗi người không phải là những cá thể được tập hợp mà là một thành tố tạo nên một nhóm như là một hệ thống. Mỗi nhà sư là một mắt xích trong hệ thống ấy. Họ bước đi nhẹ nhàng, dường như rất thong thả.

Thời gian cứ trôi ở Yangon!

Hữu Quý (Từ Yangon, Myanamar)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm