Thư SEA Games: Ai chăm sóc sức khỏe tinh thần cho các tuyển thủ?

08/05/2023 06:23 GMT+7 | SEA Games 32

Di chuyển tới các địa điểm tác nghiệp SEA Games 32 luôn khiến nhóm phóng viên Thông tấn xã chúng tôi lo lắng, có rất nhiều những vấn đề cần phải chú ý như sự an toàn của bản thân và thời gian đưa tin về đại hội cần được đảm bảo.

Nhưng nỗi lo thường trực hơn cả là tình trạng tồi tệ của chiếc xe máy của chúng tôi. Sau khi chiếc yên bị rời khỏi thân xe càng khiến sự bất an lớn hơn, sợ rằng khi di chuyển với tốc độ cao có thể sẽ gặp vấn đề gì đó với chiếc bánh xe hoặc động cơ, chiếc xe lỏng lẻo thật sự là khá lo ngại.

Ngày hôm qua, con đường dẫn tới khu liên hợp thể thao Morodok Techo gió thổi lớn hơn bình thường, không gian trống trải bởi hai bên đường là những bãi đất trống càng khiến cho sự nguy hiểm tăng lên, chúng tôi buộc phải di chuyển với tốc độ thấp nhất khi chiếc xe chao đảo và có nguy cơ bị ngã.

Cuối cùng thì bất kì ai cũng phải vượt qua nỗi sợ hãi của bản thân, làm chủ cảm xúc và vượt qua sự lo âu. Điều mà chúng tôi đã được nghe vài lần gần đây từ các vận động viên tham dự SEA Games 32 cũng tương tự như vậy, đánh bại những thách thức, vượt qua áp lực tâm lý để đạt được thành tích cao nhất.

Bí quyết để Hoàng Thị Mỹ Tâm giành huy chương Vàng ở nội dung thi đấu đối kháng 55 kg của nữ ở ngày thi đấu thứ 2 của môn Karate có vẻ như dễ hơn cả chúng ta tưởng tượng. Đó là không đặt nặng thành tích thi đấu ở kì đại hội lần này, dù cô mới giành huy chương Vàng ở giải vô địch Đông Nam Á cách đây hơn một tháng.

Một ngày trước nữa, trên đường đua xanh, Trần Hưng Nguyên, người vừa trải qua một chấn thương nặng trước thềm SEA Games 32, bước vào nội dung thi đấu 200 mét hỗn hợp nam mà không gặp quá nhiều áp lực bởi anh cũng đã xác định chỉ cố gắng thể hiện khả năng của mình.

Thư SEA Games: Ai chăm sóc sức khỏe tinh thần cho các tuyển thủ? - Ảnh 1.

VĐV Hoàng Thị Mỹ Tâm giành HCV Kumite hạng 55kg nữ nhờ tâm lý thoải mái trong thi đấu. Ảnh: Minh Quyết - TTXVN

Sức khoẻ tinh thần cũng quan trọng như thể trạng của các vận động viên trước khi thi đấu. Có rất nhiều vấn đề mà các vận động viên gặp phải trong quá trình tập luyện và thi đấu, sự rối loạn cảm xúc, tâm lý căng thẳng quá mức vì áp lực thành công, chấn thương kéo dài, lịch trình hay khối lượng tập luyện quá nặng, suy giảm thể chất, thể lực, không thể tập trung từ đó thành tích tập luyện và thi đấu không tốt, hoặc vấn đề con người hơn là quan hệ với đồng đội và cạnh tranh nội bộ.

Ở các nước phát triển trên thế giới, bác sĩ tâm lý được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp và có chuyên môn rõ ràng. Còn chăm sóc tinh thần cho vận động viên của thể thao Việt Nam thường được thực hiện mà có thể mô tả ngắn gọn bằng câu nói phổ biến là "làm công tác tư tưởng". Không phải là các HLV hay những người làm công tác quản lý không chú trọng tới vấn đề tinh thần và tâm lý của các vận động viên mà cách làm có vẻ như mang tính "đặc thù", trong phạm vi hẹp, giữa thày và trò.

Nó mang tính động viên, truyền đạt kinh nghiệm và những chỉ dẫn dựa trên kinh nghiệm cá nhân của người thày với vận động viên và cần sự nỗ lực rất lớn từ bản thân vận động viên chứ không giải quyết tận gốc vấn đề về tâm lý và giúp họ giải phóng những lực cản dựa trên khoa học, sự phân tích các yếu tố cảm xúc và bệnh lý của nó, đấy mới là căn nguyên của bảo vệ tâm lý trong thể thao.

Phương pháp của chúng ta cho đến thời điểm hiện tại, thật ngạc nhiên, vẫn mang đến thành công và những cuộc tranh tài tại SEA Games 32 vẫn còn tiếp diễn. Hưng Nguyên hay những vận động viên khác của chúng ta sẽ vẫn có thể giành chiến thắng bởi không đặt nặng thành tích thi đấu nhưng một tấm huy chương bất kì là kết tinh của cả năng lực, đẳng cấp, phong độ và tâm lý của mỗi vận động viên.

Bởi vậy, bảo vệ sức khoẻ tinh thần cho vận động viên chính là bảo vệ một tương lai dài hạn cho chính họ và nền thể thao nước nhà.


Trần Dũng (Từ PhnomPenh)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm