15/03/2024 07:00 GMT+7 | Văn hoá
Hơn 10 năm qua tại TP.HCM, thư quán Khai Tâm là một địa chỉ sách và hoạt động văn hóa có bản sắc, thu hút nhiều sự quan tâm của giới trí thức, văn nghệ sĩ. Từ hoạt động trực tuyến cho đến một cửa tiệm nhỏ và thư quán khá bề thế, thanh tao như hiện nay là cả một quá trình gầy dựng, phát triển. Vậy mà đang lúc ngon trớn, Thư quán Khai Tâm lại muốn sang nhượng phần lớn, hoặc bán đứt. Vì sao nên nỗi?
Chia sẻ cùng Thể thao và Văn hóa, ông Hoàng Nhơn (nhà sáng lập) nói rằng đây là một quyết định khó khăn, nhưng Khai Tâm đang muốn dồn lực vào mảng làm sách, một thế mạnh khác. "Dù sang nhượng, nhưng bằng hợp đồng, tôi vẫn cam kết đồng hành, cung cấp sách và chia sẻ các hoạt động của Thư quán Khai Tâm, vì đó là tâm huyết và trách nhiệm" - ông Hoàng Nhơn nói.
Trước khi mở nhà sách trực tuyến Khai Tâm vào tháng 1/2012, Hoàng Nhơn từng làm quản lý tại một chi nhánh của ngân hàng Techcombank trên đường Ấp Bắc, quận Tân Bình. Trước đó ông làm ở ngân hàng Shinhan. Nhưng bán sách và làm sách mới là đam mê của ông, nên quyết định bỏ việc ngân hàng để theo đuổi.
* Thư quán Khai Tâm ra đời từ tháng 1/2012, tồn tại đến nay, nghĩa là cũng có sự bền vững và tác động xã hội nhất định, nghĩa là đã tự sống. Được biết anh đang muốn sang nhượng lại. Vì sao anh đi đến quyết định này?
- Khai Tâm ra đời từ một nhà sách online nhỏ, trong một căn phòng nhỏ, của một chung cư nhỏ ở quận Bình Thạnh, lúc ấy chưa có bán sách offline. Trải qua 12 năm hình thành và phát triển, với rất nhiều thử thách, thì hiện tại Khai Tâm đang tọa lạc trong một không gian sân vườn hơn 200m2 thoáng mát, tĩnh yên, trang nhã… tại số 482/10/39A Nơ Trang Long, P.13, Q. Bình Thạnh, TP.HCM. Đến nay, Khai Tâm đã định hình được là một thương hiệu uy tín trong việc cung cấp sách, văn hóa phẩm tuyển chọn và thức uống (gọi chung là café). Đặc biệt là mở ra được một không gian giao lưu, chia sẻ về các chủ đề/trải nghiệm rất giá trị về lịch sử, văn hóa, giáo dục, văn nghệ, tâm linh… thông qua các buổi "café&share" được tổ chức đều đặn mỗi tuần.
Trước hết tôi cần nói rõ: việc bán (sang nhượng) là bán tỷ lệ sở hữu lớn cho người mới, và tôi vẫn đồng hành với họ như một thành viên/một co-founder của Thư quán Khai Tâm, mà không phải là bán hết 100%. Trường hợp người mua muốn mua hết 100% để hoàn toàn tự chủ (mà không cần sự hỗ trợ của tôi tiếp tục) thì đó là một khả năng còn bỏ ngỏ…
Tôi đang cần một số vốn lớn để tập trung vào một cuộc chơi lớn, thử thách hơn. Theo quan sát của tôi và nhiều người khác, thì việc gọi vốn từ bên ngoài vào thường mất rất nhiều thời gian và công sức, nhất là trong giai đoạn kinh tế lúc này. Trong khi đó bán bớt cái mình đang có thì có thể nhanh hơn, hơn nhiều. Đó là lý do tôi quyết định bán thư quán, dù thật lòng tôi không muốn lắm. Cái gì mình đã gây dựng trong thời gian dài thì bán đi cũng là điều đáng tiếc… Nói cách khác, nếu tôi huy động được một số vốn (3 tỷ đồng chẳng hạn) thì tôi không bán nữa.
* Để điều hành Thư quán Khai Tâm có tốn nhiều công sức không? Anh nghĩ những ai sẽ phù hợp với công việc này?
- Từ năm 2017 tôi đã bàn giao việc vận hành cho một bạn quản lý thay tôi. Tức là thư quán tự chạy/tự vận hành mà không cần sự có mặt của tôi quá nhiều. Đó cũng là mục đích trong kinh doanh của tôi từ lâu: xây dựng một hệ thống vận hành tự chủ mà không cần sự có mặt của mình; ít can thiệp, mà chỉ góp ý khi thấy cần thiết cho hiệu quả hơn.
Thực tế, từ đó đến nay, mỗi tháng tôi đều đi Đà Lạt từ 5-10 ngày, thậm chí 15 ngày mà thư quán vẫn tự chạy. Khi ở Sài Gòn, mỗi tuần tôi cũng chỉ lên thư quán vài buổi, nhất là khi cần họp/trao đổi với đội ngũ, hay có hẹn với bạn bè. Với sự hỗ trợ của công nghệ, tôi hoàn toàn có thể kiểm soát công việc từ xa được. Mọi số liệu đều đã được đưa lên mạng (google drive, website, phần mềm…), vì vậy cho đến nay tôi không tốn nhiều công sức cho việc điều hành thư quán. Nhờ vậy tôi mới có nhiều thời gian tập trung cho mảng kinh doanh khác…
Tôi nghĩ những ai có quan tâm, yêu thích một lĩnh vực kinh doanh về đời sống tinh thần, văn hóa thì đều có thể phù hợp. Tất nhiên, họ cũng cần có cái thấy/tầm nhìn mới của mình trong việc quyết định mua lại, để từ đó có thể kỳ vọng phát triển nó mạnh mẽ hơn nữa…
* Sau khi sang nhượng, anh có cam kết đồng hành hoặc giữ hình ảnh, giữ % không?
- Như có chia sẻ ở trên, tôi cam kết đồng hành với người mới, nếu người đó thấy cần có tôi trong việc duy trì, phát triển thêm thương hiệu, hình ảnh của thư quán, nhất là các mối quan hệ của tôi trong lĩnh vực này lâu nay. Còn nếu họ muốn làm chủ hoàn toàn 100% thì cũng là một khả năng. Tôi sẽ suy nghĩ thêm…
* Trong chừng đó năm, Thư quán Khai Tâm đã tổ chức được khoảng bao nhiêu sự kiện văn hóa/giao lưu? Riêng anh thì ấn tượng với những sự kiện nào? Tại sao?
- Thú thật là tôi không nhớ hết. Những sự kiện ra mắt sách thì quá nhiều; gần đây nhất là tour ra mắt sách xuyên Việt với tác giả Andrea Hoa Pham. Còn các buổi "café&share" thì chúng tôi đã làm được mấy chục số (riêng trong 2 tháng đầu năm 2024 thì đã làm được 7-8 số). Nó thật sự mang lại nhiều giá trị cho người nghe, qua đó cũng làm cho thương hiệu Thư quán Khai Tâm ngày càng mạnh hơn - nơi đây là một không gian văn hóa, mà không chỉ là nơi mua-bán.
Một cách tham lam, thì tôi ấn tượng với hầu hết các buổi café&share trong thời gian qua, vì mỗi buổi là một chủ đề khác nhau với những giá trị, ý nghĩa riêng biệt. Điều đáng nói hơn là thư quán đã mời được những người có uy tín với cộng đồng đến chia sẻ, như nhà văn Nhật Chiêu, TS Trần Đức Anh Sơn, dịch giả Phạm Viêm Phương, nhà thư pháp Nguyễn Hiếu Tín…
* Khi mở Khai Tâm, anh định vị tiêu chí gì cho cuộc khởi nghiệp với sách và văn hóa lúc ấy?
Tôi có quan sát của riêng mình, rằng thị trường sách lúc đó thượng vàng hạ cám, mà chính tôi trong vai trò là một người đọc cũng cảm thấy rất bối rối trước một rừng sách… Khi bước vào các nhà sách tôi đều có cái cảm giác đó. Vì vậy tôi định vị là chỉ bán sách chọn lọc/tuyển chọn, nhằm giúp bạn đọc tiết kiệm được nhiều thời gian, công sức mà vẫn chọn được những cuốn sách ưng ý. Tức là tôi phải bỏ thời gian, công sức ra mà chọn lọc rồi mới đăng bán, chứ không phải sách nào cũng bán. Như một câu tôi đã viết trên website từ lúc khởi nghiệp: "Mong muốn của chúng tôi không chỉ là bán được sách mà quan trọng hơn nữa là phải bán đúng sách" (https://www.khaitam.com/ve-khai-tam-1).
Thực tế, 12 năm qua, Khai Tâm chưa từng bán một cuốn sách ngôn tình chỉ vì kiếm tiền, vì thấy nó không hữu ích gì cho người đọc. Kiếm tiền vậy thì không có "happy". Bán đúng sách có giá trị thì mới "happy".
Nói cách khác, Khai Tâm đã định vị cho mình là một "màn lọc tri thức". Và đó chính là chỗ mà Khai Tâm đã xây dựng được thương hiệu uy tín trong mươi năm qua. Từ đó có thể mở rộng, chắp cánh cho các sản phẩm về đời sống tinh thần khác ngoài sách (gọi tắt là vật phẩm văn hóa, hoặc văn hóa phẩm) như tranh trang trí, tượng, nến thơm, tinh dầu, trầm, chuỗi hạt… Chúng rất đa dạng, phong phú trên thị trường trong và ngoài nước. Và cái tên Khai Tâm rất phù hợp cho các dòng sản phẩm tinh thần, mà không chỉ là sách. Đó chính là tầm nhìn phát triển trong tương lai…
* Anh nhận định thế nào về tiềm năng của thị trường sách và sức đọc của người Việt nói chung?
- Thị trường sách của VN còn rất non trẻ, chỉ mới 20 năm, tính từ thời điểm VN gia nhập Công ước Berne vào năm 2004. Từ đó hình thành một thế hệ công ty sách tư nhân mới như Nhã Nam, Alpha, Thái Hà, First News... đóng góp rất mạnh vào thị trường sách với nhiều đầu sách chất lượng, đa dạng cho đến nay. Hình thành nên một "cuộc chơi" về sách một cách chuyên nghiệp, tôn trọng bản quyền... Doanh thu của thị trường trong năm 2023 là khoảng 3.700 tỷ đồng; năm 2022 là khoảng 4.000 tỷ đồng.
Về sức đọc của người Việt, theo thống kê 2023 của Cục Xuất bản thì sức đọc đã tăng lên được 6 cuốn/người/năm. Chỉ xét riêng trong khối Đông Nam Á thì con số này vẫn còn thấp. Thấp hơn Thái Lan, Mã Lai, Indonesia... Song nó cũng cho thấy một sự chuyển biến tích cực - sức đọc tăng dần. Vì so với 10 năm trước thì sức đọc của người Việt chưa tới 1 cuốn/người/năm. Đó là thành quả của một quá trình dài, kiên trì trong việc khuyến đọc từ nhiều thành phần: chủ trương từ Nhà nước; sự hoạt động năng động của các tổ chức, đoàn thể phi lợi nhuận như Tủ sách Nhân ái, Zhishan Foundation, Thư viện ước mơ... cùng các cá nhân và thế hệ các công ty sách mới. Mỗi năm thị trường đón nhận thêm 1-2 công ty sách mới nữa...
Một minh chứng thực tế khác: thử hình dung cách đây 20 năm thì sức đọc của người Việt như thế nào? Tôi cho là rất bèo/cực thấp. Và thế hệ công ty sách tư nhân ra đời, cho đến nay họ vẫn phát triển mạnh mẽ, vững vàng. Do đâu? Do sức đọc tăng dần thì họ mới sống và phát triển được đến nay.
Một xã hội ngày càng đi về chiều hướng văn minh, tiến bộ thì sách là một trong những mặt hàng/sản phẩm thiết yếu. Vì đơn giản: làm sao có thể tiến bộ được nếu không có hay thiếu tri thức? Xã hội VN không thể tách khỏi cái đà tiến của văn minh thế giới. Nó buộc phải đi theo, dù có chậm hơn. Tức là không thể thiếu sách. Đó là điều tôi tin tưởng.
* Cuối cùng, anh mong muốn gì từ cuộc trò chuyện này?
- Tôi hy vọng gặp được người đồng hành cùng hệ giá trị cho chặng đường kế tiếp. Nếu có quan tâm, vui lòng liên lạc với tôi qua e-mail: hoangnhon@khaitam.com; hoặc số điện thoại: 0909.357.419 (Zalo); facebook: Hoàng Nhơn. Trân trọng.
* Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất