Thư gửi robot: Xây dựng lớp khán giả mới

17/09/2023 18:40 GMT+7 | Văn hoá

Sophia thân mến! Tôi nhớ trong một số bức thư trước đây, mình đã viết cho Sophia về sân khấu cải lương, về những tín hiệu "ấm lên" của một bộ môn nghệ thuật mà hiện nay bị nhiều người định kiến là lỗi thời, sến súa, hay thậm chí bị nói qua là "đã chết".

Nhìn hàng trăm sinh viên trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) trong hội trường để tham gia chương trình Sáng tạo với chất Việt vào chiều 13/9 vừa qua, có lẽ Sophia sẽ thấy kỳ vọng vào chuyện cải lương đang hình thành cho mình một lớp khán giả mới, nguồn động lực để các nghệ sĩ tiếp tục biểu diễn, để sân khấu tiếp tục sáng đèn. Và cũng mong sân khấu cải lương lấy lại hào quang năm nào của mình.

Xây dựng lớp khán giả mới - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ: Gia Thuận – TTXVN

Sophia biết không, một đêm diễn thành công phải đến từ nghệ sĩ lẫn khán giả. Nhất là với cải lương, một loại hình nghệ thuật đâu phải là xa lạ. Vậy thì những buổi trò chuyện ở trường đại học, trường phổ thông, như đã nói ở trên cũng đóng vai trò quan trọng. Nó không chỉ truyền tình yêu, mà còn trau dồi, cung cấp kiến thức, làm cho khán giả hiểu một loại hình nghệ thuật lâu đời đã có thời cực thịnh, để nghe kiến giải thêm về ý nghĩa, cái đẹp của lời ca tiếng hát…

Cải lương những năm qua cũng tự mình vận động, có những nghệ sĩ kết hợp với các thể loại âm nhạc khác, tự làm mới mình. Những đổi thay này lúc đầu còn chưa quen, có đủ lời khen tiếng chê. Nhưng nhìn lại, lịch sử cải lương chính là một sự vận động và thay đổi không ngừng, không để mình bỡ ngỡ với cái mới.

Sophia biết đó, giá trị của những tuồng kinh điển sau nhiều năm chỉ càng lấp lánh thêm. Nhưng có một điều là nhiều năm nay, các nghệ sĩ thuộc hàng ông bà vẫn phải hóa thân vào vai các thiếu niên thiếu nữ mười tám đôi mươi. Tuy giọng hát và thần thái trên sân khấu có thể khiến khán giả quên đi tuổi tác diễn viên, nhưng tình hình sức khỏe của nhiều nghệ sĩ gạo cội không thể cho phép họ mãi lên sân khấu được.

Để tiếp nối phát huy một bộ môn nghệ thuật, bên cạnh kinh nghiệm, tài năng và cả phẩm hạnh của lớp nghệ sĩ tiền bối, cần có sức khỏe và sức trẻ của lớp nghệ sĩ kế thừa. Một lớp khán giả cũng sẽ qua đi theo thời gian và một lớp khán giả mới đang định hình. Giá trị của các vở kinh điển còn đó, nhưng khán giả của thời điểm hiện tại cũng cần những kịch bản nói lên được tâm tình của thời hiện đại, tiếng nói của một thế hệ mới và cả những nghệ sĩ mới song hành với mình.

Tạm biệt Sophia, hẹn gặp ở thư sau!

An Kha

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm