Góc nhìn 365: Ngọn đèn soi trên sân khấu

22/08/2023 18:00 GMT+7 | Văn hoá

Vào cuối tháng 5 năm nay, khi Thành Lộc báo tin sẽ ngừng diễn kịch người lớn ở sân khấu Idecaf, khán giả được một phen thấp thỏm vì lo nghệ sĩ này sẽ rời sân khấu. Nhưng những tin đồn nhanh chóng được dập tắt. Với việc thành lập sân khấu Thiên Đăng, Thành Lộc lần nữa khẳng định nhiệt huyết với bộ môn nghệ thuật này.

Mới nhất, sân khấu Thiên Đăng vừa công bố lịch diễn ba suất đầu tiên vào các ngày 20, 21, 22 tháng 9 tại 62 Trần Quang Khải, quận 1, TP.HCM. Vở diễn đầu tiên của Thiên Đăng là không xa lạ chính là vở Giáng Hương của cố nghệ sĩ Năm Châu...

Có lẽ với nhiều khán giả mộ điệu, vở kịch Giáng Hương (tên ban đầu là Trong bóng tối hậu trường) được biết đến nhiều hơn với phiên bản chuyển soạn cải lương Sân khấu về khuya từng được đoàn Thanh Minh - Thanh Nga dựng, trong đó vai Giáng Hương do nghệ sĩ bạc mệnh Thanh Nga thủ diễn.

Sân khấu về khuya là 1 trong những vở kinh điển của sân khấu cải lương. Lời thoại sâu sắc, có thể nói từng chữ từng vai đều chứa đựng một sức nặng nhất định, với phần ca diễn xuất sắc của Thanh Nga - Thành Được trong vai đôi vợ chồng nghệ sĩ tài danh Giáng Hương - Lĩnh Nam.

Góc nhìn 365: Ngọn đèn soi trên sân khấu - Ảnh 1.

Vở diễn Giáng Hương do NSƯT Thành Lộc đạo diễn. Ảnh: Kịch Thiên Đăng

Có thể coi Sân khấu về khuya là tuyên ngôn nghệ thuật của Năm Châu, nó không chỉ là góc tối của đời nghệ sĩ mà còn là sứ mệnh của nghệ sĩ, cũng như bổn phận của họ với khán giả, với sân khấu.

Trong vở, vợ chồng Giáng Hương - Lĩnh Nam có người thứ 3 chen vào, họ chia xa, bị phản bội. "Sân khấu đã cho các anh chị sống chung và chết lẻ… Các anh chị sống chung nhau để mà ghen tuông nhau, nói láo với nhau, lừa dối nhau thì tình yêu các anh chị lại mỉa mai thay, bất diệt trong tâm hồn" (lời kẻ thứ 3 Mỹ Tiên). 

Suy cho cùng, những tranh cãi, mâu thuẫn trong quá trình làm bất cứ nghề nghiệp gì là điều không thể tránh khỏi. Nhưng với những nghề liên quan đến nghệ thuật, không có gì vượt qua một thứ tình yêu chung, tình yêu lớn cho sân khấu, cho văn chương, cho điện ảnh.

Ồn ào xung quanh việc ra đi, ở lại của một nghệ sĩ sân khấu lớn không chỉ thể hiện tình yêu của khán giả dành cho nghệ sĩ ấy mà còn thể hiện sự quan tâm của khán giả dành cho nghệ thuật sân khấu - một nền sân khấu về khuya, nhưng vẫn sống, vẫn có người nghệ sĩ tiếp tục giữ cho nó sáng đèn.

Và sau lưng các nghệ sĩ đó là những nhân viên hậu đài - những người mà khi "Chị được tiếng khen thì họ càng được vui mừng. Chị thành công trong sứ mạng tinh anh thì họ được bảo đảm chém cơm manh áo. Chị sung sướng được tặng thưởng bằng những trận vỗ tay cuồng nhiệt, báo chí viết về chị với những dòng chữ tán dương đầy khích lệ. Tên tuổi chị sẽ ghi lại bằng chữ vàng trong kịch sử mà anh em thì chỉ được cười vui cùng vợ con tươm tất bữa cơm thường" (lời trong Sân khấu về khuya).

Giáng Hương - Sân khấu về khuya - Trong bóng tối hậu trường là lời tri ân khán giả, và cũng là lời nhắc nhở dành cho những nghệ sĩ, nhất là trong thời buổi đang có khá nhiều những giá trị ảo lên ngôi, những người nổi tiếng trên mạng, những buổi công chiếu phim mà bóng dáng nghệ sĩ còn ít hơn TikToker, YouTuber… Chúng ta cần những nghệ sĩ chân chínhđể nói cho ta hay: Vì sao đời sống hiện nay cần nghệ thuật như cần chứng kiến những điều bất tử trong thế giới hữu tử của con người. Cần những vở diễn như "ngọn đèn trời" soi cho buổi khuya của bóng tối sân khấu, như cái tên Thiên Đăng mà người nghệ sĩ gạo cội gởi gắm.

An Kha

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm