03/10/2020 07:10 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - Sophia thân mến!
Theo đề xuất của Bộ GD&ĐT, sắp tới ở Việt Nam, bắt đầu từ cấp tiểu học, nhà trường, giáo viên có nhiệm vụ giáo dục học sinh nhận biết một số công việc, nghề nghiệp của cha mẹ, người thân và một số việc làm cơ bản trong xã hội.
Thoạt nghe thông tin này, tôi hơi mông lung bởi vì định hướng nghề nghiệp và dạy nghề, thông thường thì bắt đầu từ cấp 2 trở lên chứ còn với con trẻ có vẻ như hơi sớm, vì đây là lứa tuổi đang còn ngây thơ, chưa định hình được rõ sở thích cụ thể. Ấy vậy mà thông tin này lại được rất nhiều bậc phụ huynh quan tâm, đón nhận.
Sophia thân mến!
Làm thế nào để biết được bản thân mình có năng lực gì, có thể làm tốt được những công việc gì? Có những người đã sống hơn nửa cuộc đời mà cũng chẳng nhận ra được khả năng của bản thân, hết chuyển đổi việc này sang việc khác mà vẫn không đâu vào đâu cả. Có những công việc thoạt nhìn, nhiều người cứ nghĩ rằng ai cũng có thể làm tốt được, nên đâm đơn xin vào, nhưng sau một thời gian thì bắt đầu thất vọng vì phát hiện ra rằng mình không có tố chất phù hợp.
Đơn cử ngay như công việc làm bảo vệ. Mới nghe, ai cũng nghĩ làm bảo vệ chỉ là trông coi, canh gác một mục tiêu, một vị trí nào đó được giao, không đòi hỏi bằng cấp gì, chỉ cần có sức khỏe, làm được ca đêm, chấp nhận mức lương khiêm tốn… là được tuyển dụng.
Nhưng thực tế công việc bảo vệ không phải chỉ đơn giản như vậy. Nhân viên bảo vệ cũng phải có những kiến thức pháp luật và những hiểu biết xã hội nhất định chứ không phải chỉ chịu khó, biết thức đêm hôm là đủ.
Với cá nhân tôi cũng thế. Hồi mới bắt đầu đi làm, thấy có ai thuê mướn làm việc gì kiếm được tiền đều nhận. Chỉ đến khi bắt tay vào làm thì mới nhận ra mình còn thiếu những kiến thức, kỹ năng gì để có thể làm tốt. Lúc ấy buộc phải tự học thêm. Thực tế khi ấy, chúng tôi cũng chẳng được tư vấn hay hướng nghiệp gì cả, cứ hồn nhiên đi tìm việc làm, kiếm tiền lo học thêm và trang trải cuộc sống. Tất nhiên cái giá phải trả là mất nhiều thời gian để định hình lại bản thân, tìm kiếm việc để có thể trụ lại lâu dài.
Sophia ạ, tôi nghĩ rằng, người lớn cần chỉ rõ cho các em thấy được ý nghĩa cũng như giá trị của các công việc, các ngành nghề trong cuộc sống, cho các em nhận biết được rằng nghề nào trong xã hội cũng là cao quý cả, mỗi người đều có một công việc của mình. Để làm tốt bất cứ việc gì thì cũng phải học kiến thức, kết hợp với quan sát, đúc kết thành những kinh nghiệm cụ thể. Từ đó đối chiếu với bản thân mình xem sức khỏe, trình độ rồi hoàn cảnh thực tế của gia đình mình có phù hợp hay không? Lúc đó mới quyết định gắn bó lâu dài.
Phải hiểu được cụ thể bác sĩ không phải chỉ làm nhiệm vụ băng bó, phẫu thuật mà trên hết là cứu sống con người. Các anh chị lao công không phải chỉ là đi quét rác, thông cống rãnh mà đấy chính là làm sạch môi trường… Hiểu được ý nghĩa ấy, rất có thể sẽ kích thích sự say mê, năng lực và sở trường của các em.
Sophia thân mến!
Dạy cho các em hiểu rằng “Yêu việc mình làm và cảm thấy việc mình làm quan trọng - còn gì có thể vui sướng hơn thế?” - bà Katharine Graham, chủ bút của tờ Washington Post đã nói như vậy.
Xin chào Sophia, hẹn gặp lại thư sau.
Quốc Khánh
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất