10/07/2020 07:08 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - Sophia thân mến!
Thế là lại một năm học nữa trôi qua, dù muộn hơn mọi năm vì đại dịch Covid-19. Như một lẽ rất bình thường vào những dịp thế này, trên Facebook lại tràn ngập hình ảnh các bậc cha mẹ chụp ảnh thành tích học tập của con hoặc trưng lên trên đó những chiếc giấy khen, bằng khen.
Tôi không có ý gì chống lại những cha mẹ tự hào vì con cái giỏi giang, càng không có tư cách gì để phán xét những hành động ấy, nhưng vẫn thấy hơi buồn buồn, bởi một lẽ, hình như cái bệnh thành tích đã trở thành một vấn đề rất nặng trong xã hội nói chung và giáo dục nói riêng. Và khi chúng ta đổ lỗi cho bệnh thành tích trong giáo dục, hình như chính chúng ta cũng đã quên mất một điều cốt lõi: Vì sự sĩ diện của bản thân mình, mà chúng ta cũng đã đặt lên vai con cái mình biết bao áp lực về thành tích.
Khi bạn khoe con bạn hôm nay vì học giỏi, bạn đã tạo ra cho nó một cột mốc một cách công khai trước bàn dân thiên hạ để nó tìm cách vượt qua trong tương lai, có phải không Sophia? Điều gì sẽ xảy ra 1 năm sau đó, nếu nó không đạt được điều mà bạn mong mỏi, bạn sẽ post gì trên Facebook, hoặc đơn giản là lờ đi chỉ vì sự sĩ diện của mình bị tổn thương?
Thế rồi, tôi bắt gặp trên Facebook một cái ảnh không biết là mới hay cũ, chụp một lớp tiểu học giơ giấy khen, mặt bé nào cũng hớn hở. Duy nhất một bạn nhỏ ngồi hàng đầu không có giấy khen để đưa lên, đang ngọ nguậy trên ghế, không nhìn thẳng vào người chụp. Đấy là một tấm ảnh thật buồn. Không rõ nó được chụp ở đâu, nhưng rõ ràng là cũng không quá lâu, cho thấy một câu chuyện buồn khi người ta quên mất những khía cạnh con người của cậu học sinh không có thành tích. Năm ngoái cũng từng có một bức ảnh tương tự về một cậu học sinh không giấy khen gây tranh luận ầm ĩ trên truyền thông.
Nhưng đấy cũng chỉ là một câu chuyện trong muôn vàn chuyện khác mỗi khi có yếu tố thành tích mà không đếm xỉa đến những cá nhân không có năng lực hoặc không muốn tranh đua. Đấy cũng là một ví dụ về việc nếu bạn làm khác, sống khác, nghĩ khác một số đông, bạn có thể bị coi thường hoặc gạt ra rìa.
Sophia thân mến!
Đã có một thời chúng ta tin rằng, ca ngợi những người thành công và có thành tích là sẽ tạo ra những lực đẩy kích thích xã hội. Và bằng cách ấy, như trong tấm ảnh cả lớp giơ giấy khen, trừ một em không có, người ta có thể gây tổn thương cho những đứa bé không giỏi giống những đứa kia. Tấm ảnh có thể khiến chính đứa trẻ cảm thấy đau lòng, có thể khiến bố mẹ cháu không vui, hoặc ngược lại sẽ làm tất cả những gì có thể để chạy đua và cuối cùng hướng đến việc có cái giấy khen để không bị lạc loài.
Vậy, xét cho cùng, con cái chúng ta đi học là để chạy đua về điểm số, để cố gắng đạt hạnh kiểm tốt, để cố gắng có giấy khen, trong những cuộc đua không loại trừ những yếu tố tiêu cực, hay là để thành người, để tìm thấy cái hay trong niềm vui tri thức, để đến trường mỗi ngày là một ngày vui? Nếu giáo dục ngay từ đầu chỉ hướng đến thành tích và cuối cùng hướng đến bằng cấp sẽ tạo ra những đứa trẻ thế nào?
Tôi vẫn nhớ những tháng ngày đi họp phụ huynh cho con ở trường Pháp. Phụ huynh chỉ họp với giáo viên chủ nhiệm những vấn đề chung, còn về học tập, về các vấn đề của trẻ, phụ huynh gặp giáo viên chủ nhiệm và từng bộ môn để trao đổi về con cái mình. Và tôi nhớ có lần cô chủ nhiệm con tôi nói: “Chúng tôi không có khái niệm học sinh dốt, chỉ có khái niệm học sinh chưa lĩnh hội được tri thức thôi”.
Nói thế nghĩa là trách nhiệm chưa lĩnh hội ấy cũng thuộc về cả phụ huynh lẫn giáo viên, không chỉ có trẻ.
Tạm biệt Sophia, hẹn gặp lại thư sau!
Anh Ngọc
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất