Thi 3 lần mới đỗ, từng tính bỏ nghề tới người đứng sau loạt biệt thự thượng lưu: Có 2 phong cách tiền bạc khi làm với giới cao cấp!

04/02/2023 21:45 GMT+7 | Đời sống

Ngoài công việc chuyên môn, KTS Phạm Tuấn Anh hiện đang là CEO của một công ty thiết kế có tiếng chuyên làm việc với giới thượng lưu, được nhiều người ngưỡng mộ.

KTS Phạm Tuấn Anh là một trong những kiến trúc sư, nhà thiết kế nội thất gây ấn tượng khi xuất hiện trong chương trình thực tế Là Nhà. Trong tập của mình, KTS Phạm Tuấn Anh đối mặt với bài toán cải tạo một căn hộ cũ trong khu tập thể. Chưa kể, anh còn phải thay đổi bản thảo sao cho hoà hợp mong muốn của chủ nhà và “nóc nhà”. Cuối cùng, thành quả khiến chủ nhân, ban bình luận lẫn giám khảo đều bất ngờ vì quá chỉn chu và mới lạ. 

Được biết, ngoài những kinh nghiệm chuyên môn, KTS Phạm Tuấn Anh hiện cũng đang là CEO của LukLak Design. Trước khi theo đuổi nghề nghiệp này, anh còn từng làm nhiều việc trong các lĩnh vực nghệ thuật, hội hoạ,... Đó cũng là lý do KTS Phạm Tuấn Anh sở hữu nhiều vốn sống, kinh nghiệp đa dạng trong mọi lĩnh vực để định hướng làm việc với giới thượng lưu, những người có tiền và thành công trong cuộc sống. 

KTS Phạm Tuấn Anh chia sẻ hành trình từ người làm nghề thuần đến CEO một công ty thiết kế

Thi 3 lần mới đỗ, từng tính bỏ nghề tới người đứng sau loạt biệt thự thượng lưu: Có 2 phong cách tiền bạc khi làm với giới cao cấp - Ảnh 2.

KTS Phạm Tuấn Anh

Thi 3 lần mới đỗ kiến trúc, từng bỏ nghề vì không còn tình yêu và hành trình làm chủ 

Được biết, anh đã có hơn 12 năm kinh nghiệm trong nghề. Anh đã bén duyên với kiến trúc như thế nào?

Với mình mọi thứ đều là cơ duyên. Mình vốn yêu nghệ thuật, âm nhạc, thích vẽ nên khi thấy thông tin tuyển sinh về kiến trúc đã quyết định thử sức. Tuy nhiên, phải thi đến lần thứ 3 mình mới đỗ vào trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp. 

Ban đầu suy nghĩ của mình chỉ đơn giản là được vẽ, không hiểu rõ nghề kiến trúc sẽ làm gì. Nhưng học dần đến năm 3, năm 4, được tiếp xúc với các anh chị trong nghề, có cơ hội làm việc, va chạm thực tế khiến mình cảm thấy hứng thú hơn. Nên ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, mình đã xin vào các công ty để thực tập, học hỏi và trau dồi tay nghề. 

Điều gì khiến anh quyết định từ một KTS đơn thuần trở thành người làm chủ và thành lập LukLak Design Việt Nam?

Đi làm nhiều nơi, mình nhận thấy việc học trong trường và thực tế khác nhau hoàn toàn, không được làm những gì mình thích mà phải theo chủ đầu tư. Mình cảm thấy bản thân như một cái máy, bị gò lại, không phát triển thêm được nên quyết định dừng lại 3 năm. Khoảng thời gian này, mình dành hết số tiền kiếm được để đi du lịch và quyết định không quay lại với thiết kế vì thấy không còn yêu nghề. Thay vào đó, mình làm tất cả các công việc khác để kiếm ra tiền như chụp ảnh, làm sự kiện... 

Thi 3 lần mới đỗ, từng tính bỏ nghề tới người đứng sau loạt biệt thự thượng lưu: Có 2 phong cách tiền bạc khi làm với giới cao cấp - Ảnh 3.

KTS Phạm Tuấn Anh từng nghĩ bản thân sẽ không quay lại làm nghề

Đến 28 tuổi, mình suy nghĩ lại và may mắn được nghe chia sẻ của những người anh làm nghề, thôi thúc mình quay trở lại. Mình bắt đầu nghiên cứu xây dựng thương hiệu cá nhân, ai giới thiệu hay giao phó dự án gì mình đều nhận hết. Sau đó mình nghĩ đến chuyện mở rộng, làm việc chuyên nghiệp hơn nên quyết định thành lập LukLak Design, hiện tại cũng đã được 4 năm. 

Theo anh, cái khó của một người làm chủ là gì?

Từ người làm nghề thuần rồi trở thành chuyên gia, lên quản lý mình phải thay đổi, học hỏi nhiều. Khi làm chủ, ngoài chuyên môn cần có kỹ năng bao quát, định hướng nhân viên. Thường những người làm nghề giỏi thường lại kém về quản trị, quản lý con người và tài chính. Nên với mình, việc dẫn dắt, đào tạo và phát triển nhân viên hiểu được, thấm nhuần triết lý hình thành văn hóa công ty là một cái khó đối với những công ty thiết kế vừa và nhỏ. 

Bên cạnh đó, mình cũng phải đa nhiệm, giống như một người làm kinh doanh, vừa am hiểu nghề, vừa am hiểu về lĩnh vực quản trị, tài chính, marketing,... Phải hiểu cách tạo nguồn thu, nuôi công ty, đôi khi chỉ cần sai lệch một chút sẽ đánh đổi tất cả. 

Thi 3 lần mới đỗ, từng tính bỏ nghề tới người đứng sau loạt biệt thự thượng lưu: Có 2 phong cách tiền bạc khi làm với giới cao cấp - Ảnh 4.

Nhiều người thường nói KTS Phạm Tuấn Anh là “phù thủy” đứng sau những căn biệt thự của giới siêu giàu. Từ đâu anh có định hướng lựa chọn tệp khách đặc biệt này?

Mình cũng bắt đầu với những ngôi nhà có diện tích khoảng 30 - 50m2. Nhưng từ năm thứ 3 thành lập công ty, mình nghĩ rằng tại sao không thử sức khi bản thân có năng lực. Hơn nữa, mình là người muốn “chơi” với nghề nên mong muốn được làm với những chủ đầu tư không quan tâm đến tiền mà họ đề cao giá trị tinh thần, giá trị nghệ thuật. 

Nếu làm việc với những chủ đầu tư cao cấp, sản phẩm của mình sẽ mang nhiều màu sắc của KTS vì họ để mình thoải mái sáng tạo, miễn sao đẹp và đúng ý. Còn với những ngôi nhà nhỏ với mức đầu tư ít hơn, chủ đầu tư thường sẽ cân nhắc và quan tâm tới giá trị sử dụng nhiều hơn. Ngoài ra, những dự án nhỏ thường sẽ có định mức và giới hạn chi phí nên việc phóng tác, sáng tạo sẽ bị hạn chế phần nào. 

Nhưng nói vậy không có nghĩa làm nhà nhỏ không hay. Nó sẽ trở thành bài toán, thách thức các KTS giải làm sao với ngân sách thấp nhưng vẫn có thể làm đẹp, làm ấn tượng mới giỏi. 

Vậy khi đến Là Nhà, một căn hộ nhỏ nằm trong một khu tập thể cũ kĩ có phải bài toán khó với anh? 

Thực ra nhà nhỏ hay nhà to đều giống nhau về các bước làm, cách thức triển khai. Nhưng đương nhiên, nhà trong khu tập thể sẽ có cái khó hơn. Các phần liên quan đến cơ sở hạ tầng đã có sẵn và cũ, dân sinh xung quanh khá phức tạp rất khó trong việc cải tạo và đưa ra các giải pháp tối ưu. Ngoài ra, vì diện tích nhỏ, có nhiều ý tố về kỹ thuật phức tạp nên việc phối hợp và triển khai cũng phải tính toán kĩ cách thực hiện để tránh bị chồng chéo trong các bước.

Thi 3 lần mới đỗ, từng tính bỏ nghề tới người đứng sau loạt biệt thự thượng lưu: Có 2 phong cách tiền bạc khi làm với giới cao cấp - Ảnh 5.

“Ai cũng thích làm việc với giới siêu giàu”

Tiếp xúc nhiều với giới thượng lưu, siêu giàu, anh nhận thấy tư duy làm nhà của họ có gì thú vị?

Đa phần giới siêu giàu họ sẽ có gu thẩm mỹ, học thức ấn tượng và trải nghiệm sâu rộng, phong phú. Đối với những người giàu có ở độ tuổi trung niên, họ rất lịch thiệp, thoải mái trong việc mình sáng tạo. Họ đồng ý để mình đưa nhiều ý tưởng, chuyên môn của KTS vào ngôi nhà của họ. Thực chất giới thượng lưu khi bỏ ra một số tiền lớn, họ mong muốn ngôi nhà có câu chuyện, chất cảm và có chiều sâu thay vì chỉ trang trí đơn thuần cho nhà đẹp hơn. Còn với những chủ đầu tư trẻ tuổi họ có vốn kiến thức hiện đại, tiếp xúc nhiều với văn hóa phương Tây. Họ đề cao sự chỉn chu và tính nghệ thuật. 

Thi 3 lần mới đỗ, từng tính bỏ nghề tới người đứng sau loạt biệt thự thượng lưu: Có 2 phong cách tiền bạc khi làm với giới cao cấp - Ảnh 6.

Nói vậy có nghĩa, KTS nào cũng muốn được làm việc với giới siêu giàu?

Chắc chắn rồi. Ai cũng thích làm việc với giới siêu giàu, quan trọng là mình có đủ trình độ và có cơ hội để làm việc hay không. Nếu mình không có chuyên môn, trải nghiệm và sự tinh tế, rất khó để bắt đầu câu chuyện và nghĩ tới việc làm nhà cho giới siêu giàu. 

Thường khi làm việc với khách hàng cao cấp, đôi khi hai bên không bàn về dự án, bản thảo. Thay vào đó, cả hai chủ yếu nói về nghệ thuật, về hội họa hay âm nhạc, những sở thích của giới siêu giàu. Quan điểm của mình là phải hiểu, nói chuyện được thì mới làm việc được. Đôi khi một cuộc gặp mặt, những câu chuyện ngoài chuyên môn chiếm tới 70%. Do vậy muốn hướng đến tệp khách hàng cao cấp, bản thân KTS phải biết rất nhiều kiến thức trong các lĩnh vực khác ngoài kỹ năng chính. 

Vấn đề tài chính, ngân sách khi làm việc với giới thượng lưu cụ thể ra sao?

Chủ yếu sẽ có 2 phong cách về tiền bạc khi làm việc với khách hàng cao cấp. Một là họ để mình thoải mái làm, không quan tâm đến tiền hoặc ngân sách. Hai là KTS sẽ đưa ra tư vấn về giá trị sau cuộc gặp trao đổi. Nhưng chủ yếu, giới siêu giàu họ không đặt ra ngân sách cụ thể. 

Mức cao nhất bên mình làm là 50 - 80 triệu/m2. Đây là mức giá thuộc phân khúc siêu cao cấp, chủ đầu tư sẽ làm trực tiếp với mình chứ không làm với nhân viên. Bởi thường khách VIP sẽ không thích làm việc với nhiều người. Họ luôn có một tư duy thế này: “Tôi biết bạn vì bạn giỏi, nên tôi chỉ tin tưởng và làm việc với bạn, không làm việc với ekip của bạn”. 

Thi 3 lần mới đỗ, từng tính bỏ nghề tới người đứng sau loạt biệt thự thượng lưu: Có 2 phong cách tiền bạc khi làm với giới cao cấp - Ảnh 7.

Ngược lại, KTS Phạm Tuấn Anh có phải một người “kén” khách hàng?

Không hẳn. Khi làm việc, mình ưu tiên việc trò chuyện với khách hàng. Vì mình quan niệm, giao tiếp là cách để hiểu rõ tính cách của chủ nhà. Do vậy nếu họ thoải mái, cởi mở chia sẻ mình cũng vui vẻ và dễ làm việc hơn. Còn nếu ngay trong việc giao tiếp, hai bên đã không phù hợp, thậm chí kị nhau thì mình sẽ không đi đến bước thứ hai. 

Trong suốt khoảng thời gian làm nghề, hẳn anh cũng đã nhiều lần gặp trường hợp bản thiết kế mà mình ưng ý bị khách hàng từ chối? 

Nhiều chứ! Mình cũng từng rất buồn khi bị từ chối, thậm chí họ còn so sánh phương án của mình không tốt bằng bên khác. Tuy nhiên đây cũng là điều khó tránh khỏi. Mỗi người có một tư duy thẩm mỹ và cách nhìn nhận khác nhau, mình không thể bắt họ công nhận cái đẹp của mình cũng là cái đẹp của họ. 

Thực sự rất khó để so sánh vì vấn đề này thuộc quan điểm của mỗi người. Trong nghệ thuật không có khái niệm xấu và đẹp, chỉ là hợp và không hợp. Nhưng qua những lần như vậy, mình học được thêm nhiều bài học, rút ra nhiều kinh nghiệm cho bản thân.

Thi 3 lần mới đỗ, từng tính bỏ nghề tới người đứng sau loạt biệt thự thượng lưu: Có 2 phong cách tiền bạc khi làm với giới cao cấp - Ảnh 8.

KTS Tuấn Anh chia sẻ trải nghiệm làm việc với giới thượng lưu

Tư duy về nhà cửa của người trẻ ngày càng hiện đại, an cư lạc nghiệp không còn quá quan trọng

Đi làm nhà nhiều nơi, theo anh người trẻ có quan trọng chuyện an cư lạc nghiệp hay phải có nhà riêng mới kết hôn không? 

Chuyện an cư lạc nghiệp giờ không còn quá quan trọng, người trẻ ngày càng có những tư duy mới mẻ, hiện đại hơn. Kết hôn, hạnh phúc khi đến với nhau đâu nhất thiết phải mua nhà, thuê nhà cũng được. Đúng là nhà đi mua sẽ ổn định hơn nhưng nhà thuê lại rẻ và tiết kiệm, tối ưu chi phí hơn. 

Đối với mình cũng như nhiều người trẻ khác, mua nhà như một khoản đầu tư “chết”. Còn khi thuê nhà, khoản tiền đó mình có thể dùng để đầu tư sinh lời. Hơn nữa, nhà thuê cũng là nhà, miễn mình thấy thoải mái trong không gian sống đó là được. 

Người trẻ ngày nay cũng rất đầu tư vào chỗ ở. Có thể đi thuê nhà nhưng sẵn sàng chi tiền đắt hơn để cải tạo. Theo anh, nhu cầu đó đến từ đâu? 

Mình nghĩ đến từ cá tính, mong muốn thể hiện bản thân của người trẻ. Mình gặp rất nhiều bạn còn trẻ nhưng đã có nhà rất xịn, cũng có cả những trường hợp đi thuê rồi đầu tư tiền cải tạo lại không gian sống. Vì lớn lên trong thời buổi mọi thứ tân tiến, hiện đại nên bạn trẻ cũng phần nào thay đổi lối sống. Khi họ đã ăn đủ ngon, mặc đủ đẹp, họ sẽ dành sự quan tâm đến một chỗ ở hoàn hảo. 

Thi 3 lần mới đỗ, từng tính bỏ nghề tới người đứng sau loạt biệt thự thượng lưu: Có 2 phong cách tiền bạc khi làm với giới cao cấp - Ảnh 10.

Đối với những bạn đã sở hữu nhà riêng, thường họ sẽ coi đó là một dấu mốc cuộc đời, một thành tựu. Do vậy, họ không ngần ngại chi tiền để biến căn nhà đó thành không gian riêng, thể hiện cá tính, phong cách của mình. Còn với những bạn trẻ ở nhà thuê, việc cải tạo cũng đến từ nhu cầu thích ở đẹp, sống sướng. Mình không nghĩ việc đầu tư cho nhà cửa là một sự lãng phí dù đó là nhà thuê hay mua. Ở trong một ngôi nhà đẹp, tâm hồn của mình cũng thoải mái, hạnh phúc hơn. 

Với những quan điểm, tư duy và kinh nghiệm của bản thân, hẳn nhà của KTS sẽ rất đẹp? 

Có một sự thật là KTS tự làm nhà cho mình thường rất khó đẹp. Bởi bản thân mình thích nhiều phong cách, có quá nhiều cái phải lựa chọn. Do vậy nếu đến nhà KTS chắc nhiều người sẽ nhận xét vui là giống “buôn đồng nát”. Nhà của mình cũng vậy, mình thích sưu tầm nhiều thứ, pha trộn nhiều kiểu nên đôi khi sẽ không lung linh như những sản phẩm mình tạo ra. Một phần nữa mình thấy KTS tự làm nhà khó đẹp bởi chất xám và những gì tâm huyết nhất đều đã dành cho khách hàng. 

Thi 3 lần mới đỗ, từng tính bỏ nghề tới người đứng sau loạt biệt thự thượng lưu: Có 2 phong cách tiền bạc khi làm với giới cao cấp - Ảnh 11.

Anh tiết lộ KTS rất khó để tự làm nhà đẹp cho chính mình

KTS Phạm Tuấn Anh có thể đưa ra lời khuyên cho những bạn trẻ trong việc lựa chọn đơn vị thiết kế phù hợp với nhu cầu, ngân sách cá nhân? 

Đầu tiên nên dành thời gian để xem sản phẩm của các đơn vị thiết kế có phù hợp với phong cách mà mình đang hướng đến hay không. Nghiên cứu phân khúc khách hàng của họ, họ thường làm hạng mục công trình như thế nào để lựa chọn cho đúng với mức ngân sách mình có. Cuối cùng mới là nghe tư vấn chuyên môn để có phương án tối ưu nhất. 

Cảm ơn những chia sẻ của anh!

Hải My/ Ảnh: Quý Nguyễn/ Clip: Quang Đức/ Thiết kế: Huyền Trang

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm