Vũ Kiêm Ninh - nhà nhiếp ảnh của cổng làng Hà Nội

17/04/2010 16:27 GMT+7 | Người Hà Nội

Đối với ông, tìm hiểu về cổng làng là mối nhân duyên hay là một món nợ cũng được. Món nợ với tình yêu làng, món nợ với ký ức tuổi thơ.

Cổng làng Đường Lâm (Sơn Tây)

Duyên nợ cổng làng

Ông Vũ Kiêm Ninh hiện sống ở Nam Đồng (Đống Đa, Hà Nội) sinh ra và lớn lên ở làng Bưởi An Thái,Thụy Khuê, Hà Nội nơi có nhiều chiếc cổng làng to đẹp, khi còn nhỏ, cậu bé Ninh thường cùng lũ trẻ lũn cũn chạy quanh cổng làng, rồi những buổi chiều tan học lại ngồi bên cổng làng soi mình xuống giếng nước.

Quê ngoại cậu cũng có một cái cổng làng cổ rất to và bề thế, hai bên đường là những cánh đồng lúa thẳng tắp. Lần nào về quê, chỉ cần nhìn thấy cái cổng là cậu biết đã về đến làng mình. Cổng làng đã in dấu vào tâm trí cậu bé Ninh từ thủa ấy.

Một quốc gia có cửa khẩu, một thành phố có cửa ô, một ngôi làng có cổng làng. Cổng là dấu tích của một quá trình khai hoang, lập ấp, lập làng. Cổng làng từ chức năng ban đầu để chống trộm cướp, thú dữ, để đánh dấu với xã hội: đây là đất đai của làng tôi đã trở thành dấu hiệu để nhận biết một nét văn hóa riêng, một nề nếp riêng.

Ông Vũ Kiêm Ninh

Cùng với cây đa, lũy tre, bến nước, sân đình, cổng làng đã trở thành một thứ biểu hiện cho hồn làng, hồn quê. Khi sống anh ra vào qua cái cổng làng, khi vui anh đón nhau ở cái cổng làng và khi buồn anh cũng đưa tiễn nhau qua cái cổng làng.

Cổng làng là một cái gì đó rất gắn bó và thân thiết. Nó sống mãi trong tâm những người lớn tuổi, những người xa xứ. Ông Ninh tâm sự.

Trong một lần về quê, khi rủ mọi người ra xem cổng làng ông mới biết cổng xưa giờ không còn. Cổng cũ đã bị phá đi để làm đường cao tốc.

Đô thị hoá đã len lỏi vào từng ngõ ngách làng quê. Những chiếc cổng xưa cũ quá rồi. Có nơi, người ta không qua lại nữa, có nơi cái cổng làng trở thành vật cản giao thông, không còn hợp với những con đường bê tông mở rộng, những chiếc xe công nông, ô tô thường ngày ra vào.

Và, khi đó những chiếc cổng làng xưa cũ cũng lần lượt ra đi...

Cùng với cây đa, lũy tre, bến nước, sân đình, cổng làng đã trở thành một thứ biểu hiện cho hồn làng, hồn quê. Khi sống anh ra vào qua cái cổng làng, khi vui anh đón nhau ở cái cổng làng và khi buồn anh cũng đưa tiễn nhau qua cái cổng làng

Ông Ninh bỗng thấy sợ, sợ bàn tay của những nhà quy hoạch, chỉ cần một nét bút thiếu toan tính là xóa đi tất cả. Xuất phát từ chữ sợ đó, ông ấp ủ một ý tưởng lưu giữ hình ảnh về những chiếc cổng làng khắp Hà Nội để có thể tìm lại hồn Việt, giữ lại hồn quê.

Năm 47 tuổi do một tai nạn, ông xin về hưu và bắt đầu thực hiện niềm trăn trở của mình. Sau khi được sự đồng ý của Hội văn nghệ dân gian Hà Nội, ông bắt đầu những chuyến đi điền dã, chụp hình cổng làng; ghi chép đại tự, câu đối trên cổng; gặp gỡ người dân để tìm hiểu về văn hóa của mỗi làng.

Mười năm rong ruổi trên chiếc xe đạp thống nhất cà tàng, chỉ với chai nước và chiếc bánh mỳ, ông đã đi qua biết bao làng quê của Hà thành.

Mười năm chỉ với chiếc máy ảnh Canon cũ mèm, ông đã chụp hàng trăm bức ảnh mà người ta có thể thấy ngay được nét mộc mạc thân thương của cổng làng.

Có những ngày đạp xe tới năm mươi cây số, có những ngày xe trục trặc giữa đường nhưng bằng tình yêu, bằng mong ước gìn giữ một nét đẹp văn hóa ông đã vượt qua tất cả.

Sự ra đời của cuốn Cổng làng Hà Nội xưa và nay cùng với 109 tấm ảnh về cổng làng khắp nội ngoại thành là một phần thưởng cho những nỗ lực của ông.

Càng đi càng hiểu

Ông Ninh tâm sự: Nếu như chỉ nhìn hình, mình sẽ không hiểu được những nét văn hóa riêng của mỗi làng, những bí mật ẩn giấu sau cánh cổng làng, có đến mới biết, có đi mới hiểu.

Chẳng hạn như cổng làng Đông Ngạc có nghề cổ truyền “giò Chèm nem Vẽ”; làng Trung Kính có nghề làm hương đen; Làng Trung Nha có nghề làm giấy sắc; thôn Chằm Bầu (Kim Chung, Đông Anh) có tục thờ công chúa Tiên Dung, làng Đại Từ có tục nuôi con nuôi được vua ban tặng Đại Từ nghĩa dân, làng khoa bảng Nguyệt Ánh tuy có 11 vị đại khoa nhưng vẫn có chuyện “Trạng mượn”...

Sau mỗi chuyến đi, ông không chỉ hiểu thêm về văn hóa, phong tục tập quán của mỗi làng mà còn nhận ra rằng: chẳng có cái cổng làng nào giống cái cổng làng nào. Mỗi nét kiến trúc của từng cái cổng lại gắn với từng thời điểm nhất định.

Cổng làng An Thái

Cổng xưa nhất ở Hà Nội là cổng thời Thành Thái phần lớn được xây dựng theo kiểu “thượng gia, hạ môn” (trên là nhà, dưới là cổng). Nhà ở trên là nơi để phu tuần canh gác. Nhiệm vụ của anh ta là canh cổng làng, nếu thấy người quen thì cho vào, người lạ thì phải đánh mõ để tuần phiên đến kiểm tra.

Mỗi cái cổng thường có ba cửa. Hằng ngày, người dân thường ra vào qua hai cổng phụ, chỉ khi làng có hội hay rước người đỗ đạt về vinh quy mới đi qua cổng chính.

Ở trên cổng bao giờ cũng có hình tượng con phượng hoặc con lân. Ngoài việc cả hai con này đều nằm trong “tứ linh” thì con phượng múa còn biểu hiện cho sự hân hoan, vui vẻ; con lân còn biểu hiện cho thiên hạ thái bình.

Ngoài ra con lân đứng ở trên đỉnh còn thể hiện sự nghiêm khắc với điều xấu, “soi xét” người ngay, kẻ gian.

Ông Ninh đã phát hiện ra một điều lý thú là cửa của các cổng làng thời xưa bao giờ cũng có dạng hình vòng cung chứ không hình vuông như cổng ở Trung Quốc.

“Phải chăng đó vừa là một sự tạo dáng thể hiện sự trang trọng nhưng cũng vừa như tiếng gọi tâm linh mời gọi mọi người trở về với làng, với quê”, ông Ninh lý giải.

Cổng làng xưa thường được xây bằng gạch mộc hoặc đá ong, cánh cửa bằng gỗ, bằng tre và thường trông ra hướng đông nam, là nơi có gió mát và chào đón mặt trời mọc.

Dù to dù nhỏ, cổng làng chính là dấu ấn minh chứng cho một nếp làng bề thế, chỉn chu, con người có thể lam lũ, nhếch nhác, nhà cửa có thể sơ sài nhưng cổng làng thì phải đàng hoàng. Làng giàu thì cổng lớn, rồng chầu, hổ phục, làng nghèo thì cổng làng cũng đơn giản...

Tìm hiểu, nghiên cứu về cổng làng, ông Ninh mong muốn ngày càng có nhiều ngôi làng phục dựng lại cổng làng. Bởi lẽ, cổng làng là gốc quê, là gốc trong lòng con người mà dù anh đi đâu anh cũng không quên được.

Có cổng làng để con cháu đi xa về có thể nhận ra làng mình, có cổng làng cũng là để con cháu biết tự hào và giữ gìn những nét đẹp của văn hóa làng quê.

Nhưng vấn đề đặt ra là phải phục dựng và lấy mẫu như thế nào, cũ quá cũng không nên mà mới quá cũng không phù hợp. Một cái cổng làng đẹp là một cổng làng vừa mang được cái hồn của làng nhưng lại vừa phù hợp với giao thông, đi lại với những công việc của làng.

Trước thềm đại lễ ngàn năm, là một người nghiên cứu cổng làng, nghiên cứu văn hóa dân gian ông Ninh tâm sự: Hà Nội là nơi hội tụ của bốn phương, nhào nặn để tạo ra tinh hoa và rồi lại lan tỏa tinh hoa đó cho mọi miền tổ quốc.

Hà Nội ngày càng hiện đại, năng động nhưng Hà Nội cũng cần lưu giữ trong mình nó những nét văn hóa riêng, độc đáo trong đó có những cái cổng làng.

Hoàng Giang

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm