Về nơi cao nhất người Mường

14/05/2009 18:09 GMT+7 | Một chuyến đi

(Bài dự thi) - Đi hơn 50km đến Kim Bôi, rồi từ đó trèo đèo và dọc sườn núi hơn 40 km nữa, tôi mới đến được chân núi, nơi dẫn lên đỉnh Thung, hoang sơ nhất của người Mường. Trước khi hỏi đường lên đồi Thung, một số người dân đã “nắn gân”: “Đường lên khó đi lắm, ngay cả những người quen thuộc cũng thấy sợ. Các anh cẩn thận kẻo gặp mưa rừng là chịu không về được đâu”.
 
Giấc mơ một con đường

Lên đồi Thung có hai con đường, một là đường mòn, nhưng đó chỉ là đường để người dân đi bộ xuống chợ. Leo dốc vất vả vô cùng. Một con đường khác là từ trụ sở UBND xã Quý Hòa kéo lên tận đỉnh Thung cao 1200m so với mặt nước biển. Đoạn đường dài 8km gập ghềnh khó đi. Nggười dân ở đây kể lại rằng con đường này mới mở từ cuối năm 2006, do trên đồi có một cái mỏ, phải làm lên để cho người Tầu khai thác. Nhưng đó cũng chỉ là con đường với những viên đá to như quả bưởi, cái bát, nắm tay nằm lăn lóc. Người đi bộ không may vấp phải là tóe máu. Con đường như vậy, vào ngày nắng xe máy vẫn có thể vật vã hì hục leo lên leo xuống được, chứ ngày mưa thì...chịu. Theo một số hộ dân, như vậy đã là tốt. Trước đây, cả xóm Thung có mấy chiếc xe “minkhờ’, đường này vẫn là đường mòn, dân phải gửi xe ở dưới chân núi, leo bộ 8 km về nhà, rồi muốn đi chợ xa, lại leo bộ 8km xuống xin xe mà đi.
 

Không may cho chúng tôi, leo xe máy lên được nửa đường thì gặp mưa rừng. Những viên đá xanh, to như quả bưởi, chất thành từng đống, nằm ngổn ngang bên vệ đường bắt đầu hành hạ, trồi lên trong mưa mà “phục kích”. Đường lại lầy lên bởi những vết ôtô trước đó đã đi. Xe máy không lên nổi và hai phải ì ạch đẩy. Đường rừng, dốc dựng lên chất ngất. Nhìn lên, chỉ thấy núi, thấy rừng, không biết rồi sẽ đi tới đâu, bao giờ đến nơi. Cũng không thể gọi đây là đường, chỉ là mở rộng lối mòn, bằng chính đất đá của rừng. Cũng như những con đường rừng hiểm ác khác, một bên là vách núi, một bên là vực thẳm. Ðất, đá chưa kịp gắn kết với nhau, rời rạc, lổn nhổn. Cứ người dắt, người đẩy, vật vã mãi rồi cũng lên tới đỉnh Thung.

Người dân đứng trong lán tránh mưa, ngơ ngác không biết chúng tôi là ai, từ đâu hay từ trời rơi xuống. Tôi nói mình là nhà báo. Họ không tìn, nhà thơ Vương Tâm rút thẻ nhà báo, họ xăm soi mãi, cuối cùng cũng công nhận rồi hét lên: “Các bác là nhà báo đầu tiên đến xóm này”. Nhìn gương mặt họ, tôi hiểu là họ còn giữ được cái nguyên sơ, ít bị xâm hại bởi thời kinh tế thị trường, nhưng cũng có thể vì thế mà họ khổ, vất vả đủ đường. Ông trưởng xóm Bạch Công Ngưu dẫn chúng tôi về nhà. Ông nói: “Đường lên đây các bác biết rồi đó, vất vả vô cùng. Các bác leo lên như vậy là giỏi”. Ông kể về sự hình thành của xóm Thung này. Nó mới được khai hoang trong vòng 100 năm nay. Do ngày xưa giặc giã tung hoành, cường hào ác bá ức hiếp dân lành. Giữa sự sống và cái chết, một nhóm khoảng 30 người kéo nhau vào rừng, cứ đi mà chẳng biết đi đâu. Họ bảo nhau cứ trốn cái đã, không đi được nữa thì chết. Sau đến một vùng đất ở trên núi có thể trồng cây lúa được, họ quyết định ở lại lấy gỗ làm nhà, lập nên xóm Thung.

Cuộc sống nơi Thung cao

Ngay cạnh nhà trưởng xóm là nhà ông Bạch Văn Dí. Nhà ông nghèo, xơ xác chẳng có gì. Có lẽ, cái nhà được làm bằng 6 triệu tiền hỗ trợ là tài sản lớn nhất của gia chủ. Một manh chiếu nhàu nhĩ được trải ra. Bộ ấm chén có độ 10 cái thì mỗi cái 1 kiểu, sứt mẻ lung tung. Ông Dí xởi lởi, như để giải thích về sự tềnh toàng của nhà mình: “Nhà báo thông cảm, ở trên này cái gì cũng đắt hơn ở dưới xuôi gấp rưỡi, có những thứ còn đắt hơn gấp đôi do công chuyên chở. Tất cả đều phải gánh gồng mang lên đây mà”
 

Xóm Thung có 140 hộ với 830 nhân khẩu, chỉ có 6 nhà được hỗ trợ xây nhà theo chương trình 134 và 8 nhà được hỗ trợ cấp vốn làm ăn theo chương trình 135 xóa đói giảm nghèo. Ðến bây giờ xóm vẫn còn 60 hộ nghèo. Thu nhập chính sau lúa của người dân Thung là từ măng, mỗi tháng một người dân thu được 100- 150 ngàn đồng. Ruộng ở đồi Thung là ruộng bậc thang đất lẫn đá. Diện tích đất nông nghiệp của cả xóm là 80 ha. Từ khi lập bản, người dân Thung chỉ biết làm 1 vụ lúa. Ðến năm 2003 mới được dạy để cấy thành công 2 vụ lúa.
 

Chào dân đỉnh Thung khi sương đã phủ kín đồi Thung. Mây, gió vẫn trôi, vẫn thổi cùng với cuộc sống bình dị vốn có của người dân nơi đây. Trên đường về tôi cứ xao xuyến mãi ánh mắt của những đứa trẻ dường như đang khát cái chữ, và sự gửi gắm tâm sự của những người dân xóm Thung ao ước một sự biết đến, một cuộc sống no ấm hơn, đỡ vất vả hơn. Chúng tôi lại xuôi con đường cũ chập chùng vất vả để về xuôi. Vẫn cái ì ạch đó, một người dắt xe, còn người kia kéo sau để xe máy khỏi rơi xuống vực. Chỉ một lần lên rồi xuống mà đã thấy vất vả, huống hồ người dân đã sống suốt những năm tháng qua. Sự chịu đựng của họ thật phi thường. Tôi càng hiểu, đường lập nghiệp để sống đã quan trọng còn con đường thực để đặt bàn chân quan trọng biết dường nào.
Đinh Thị Vân

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm