Tôi và 15 ngày ở bệnh viện

14/05/2009 18:06 GMT+7 | Một chuyến đi

(Bài dự thi) - Chuyến đi ấy đã qua 8 năm nhưng tôi vẫn nhớ như in trong đầu mình. Vui ít, buồn nhiều, thậm chí trong những giấc mơ sau này của tôi vẫn là những hình ảnh của chuyến đi.

Tôi vẫn nhớ rất rõ cái cảm giác khi biết tin chị gái bị ung thư. "Lan gọi điện thoai ra con ạ. Chị nó buồn lắm. Đã đi làm các xét nghiệm và bác sĩ kết luận là tế bào ác tính". Mẹ đón tôi ở cửa với những giọt nước mắt lăn dài trên má. Tôi lạnh toát sống lưng khi nghe mẹ nói bởi cách đó ít lâu khi chị gái tôi ra Hà Nội, chính tôi đã đưa chị đi làm xét nghiệm ở bệnh viện K khi biết có khối u ở vùng ngực. Và cũng chính tôi là người đầu tiên biết tin đó là khối u lành tính. "Trời thương chị rồi Mai ạ. Thằng bé mới được mấy tháng. Chị mà bị làm sao thì ai nuôi nó ?".

Tôi khăn gói lên đường vào Sài Gòn với nặng trĩu những ưu tư phiền muôn. Đó là năm 2001, tôi 25 tuổi, mới có người yêu. Anh cũng là một bác sỹ nhưng tôi không hề cho anh biết là tôi vào trong đó trông chị gái. "Em đi công tác rồi ở chơi vơi chị em mấy hôm. Anh không lo đâu, em đi dài ngày nhiều rồ, phóng viên mà", tôi đã nói với anh thật tự tin như thế.  

Sài Gòn hôm tôi đến thời tiết rất âm u. Chị tôi đón ở sân bay Tân Sơn Nhất. Chị vẫn cười nói mà sao tôi thấy thương chị quá. Chị tôi còn rất trẻ, ngày ấy mới 30 tuổi. "Ngộ nhỡ phẫu thuật không thành công thì sao nhỉ?". Ngồi trên xe ô tô từ sân bay về nhà chị, tôi khóc thút thít : "Em để dành được 2 chỉ vàng từ ngày đi làm. Em mang vào  để chị bồi dưỡng. Chị mà làm sao thì ...", chị tôi cốc vào đầu tôi và trêu "lớn tướng sắp lấy chồng rồi mà còn nhè mồm à ?"

Trung tâm ung bướu của thành phố Hồ Chí Minh nằm trên đường Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh. Cũng như bệnh viện K của Hà Nôi, những người đến đây đều là những bệnh nhân mang trong mình các khối u trên khắp cơ thể. Ngày đầu tiên, tôi khiếp sợ khi được chứng kiến những bệnh nhân cổ to bất thường vì bi ung thư tuyến giáp, những người đầu trọc lóc do kết quả của những đợt xạ trị và dùng hóa chất. Chị tôi bị ung thư vú, giai đoạn 2, có hach xâm lấn và được chỉ định phẫu thuật cắt bỏ một bên ngực trước khi dùng hóa chất. Phòng 310, con số đó thật đẹp. Những bệnh nhân nằm trong đó tất cả đều là phụ nữ, đều rất xinh giống như chị tôi, và tất cả đều bị mắc căn bệnh ung thư tai ác. "Chị em quá đẹp, và anh thật tiếc khi chị ý mới 30 tuổi", anh bác sỹ điều trị đã nói với tôi như vậy trước ngày chị lên bàn mổ. "Chị em mới có 1 con trai chưa đầy năm, liệu có hy vọng sinh lần nữa không anh ?", tôi nói trong nước mắt. "Không, bị giai đoạn 2 với rất nhiều hạch di căn thì cùng lắm là sống thêm được vài năm thôi. Nhưng phải truyền hóa chất sau phẫu thuật". Tôi rùng mình khi nghĩ đến điều đó bởi "hóa chất, có nghĩa là tóc sẽ rụng hết, người sẽ xơ xác".  

Tôi gần như ở hẳn trung tâm. Thậm chí có hôm bận chăm chị tôi ăn luôn cháo và thức ăn từ thiên của bệnh viên. Lúc đầu cũng hơi sợ nhưng sau rồi quen dần tôi lại thấy rất ngon và thường xuyên ăn. Tối đến, tôi trải tạm miếng thảm nhỏ để ngủ ngay dưới chân giường của chị. Sau mổ, tinh thần chị tôi vẫn rất ổn định dù rằng sau này khi đọc nhật kí của chị, tôi mới biết đầy là giai đoạn đau khổ nhất trong cuộc đời của chị. Ngay từ giờ phút ấy, chị đã nghĩ đến việc ly hôn để giải phóng cho anh rể tôi, đã nghĩ đến việc chuyển ra Hà Nội công tác để được gần bố mẹ, chị em trong những ngày bệnh chị chuyền sang giai đoan xấu. Lúc rảnh rỗi hiếm hoi của tôi là lúc chị tôi ngủ. Những lúc ấy, tôi thường xuống sân bệnh viên, ngồi một mình ở ghế đá, đọc sách liên quan đến bệnh của chị để hiểu biết thêm. Cũng có hôm tôi chuyện trò với các thành viên của phòng 310, với bệnh nhân và người nhà của họ. Tôi coi đó là những người hàng xóm thân thiết của mình. Anh Mười là một trong những "người hàng xóm" ấy. Anh hơn tôi 3 tuổi, cũng đi chăm chị gái như tôi. Nhưng anh hạnh phúc hơn tôi bởi chị anh mới bị ung thư giai đoạn 1, chưa có di căn. Điều có có nghĩa là cơ hội sống của chị anh dài hơn chị tôi rất nhiều. Sau này anh chuyển ra công tác tại Hà Nôi, là Trưởng văn phòng đại diện của Công ty nhà Phú Mỹ Hưng. Và chúng tôi vẫn thỉnh thoảng liên hệ với nhau, ôn lại những kỉ niệm thời "310".

Mười lăm ngày ở Trung tâm ung bướu thành phố Hồ Chí Minh, tôi quen hầu hết các khoa, phòng, nhiều y tá, bác sỹ và đặc biệt là các bệnh nhân. Mỗi người mỗi cảnh nhưng họ là những tấm gương về sự nhẫn nại, kiên trì. Tôi tìm thấy ở họ sức sống mãnh liệt và tinh thần can đảm chống chọi với sự trớ trêu của số phận.  

Tôi ra Hà Nội ngày 29 Tết âm lịch năm ấy trên chuyến bay cuối cùng của Vietnam Airlines. Anh đón tôi ở sân bay. Và anh không nhận ra tôi : "Chắc em đi công tác vất vả lắm nên anh không thể nhận ra em nữa, sao em gày và xanh thế?". "Vâng, em đi suốt, vui lắm, gày rồi lại béo, có sao đâu?". Tôi cười mà nghe môi mình mằn mặn, tôi nhớ chị tôi, nhớ bệnh viện và nhớ những con người ở căn phòng 310.

Chị gái tôi đã vượt qua căn bệnh ung thư giai đoạn 2 của mình được gần 10 năm. Nhưng cũng không thể vượt qua được số mệnh. Chị ở giai đoạn cuối từ sau Tết 2008 và mất vào những ngày cuối năm ngoái. Lúc chị mất, tôi cũng có mặt ở bên cạnh, đưa chị vào nhà lạnh của bệnh viên nơi chồng tôi công tác và là người duy nhất nhìn mặt chị lần cuối. Cuộc đời của chị gắn liền với bệnh viện, với rất nhiều bệnh viện khác nhau và rồi cuối cùng cũng ra đi ở đó. Trước lúc mất một thời gian, chị tôi vẫn nhắc lại những ngày ở trung tâm ung bướu của 10 năm về trước. "Giá mà quay lại thời điểm ấy, để chị được sống thêm 10 năm nữa Mai nhỉ". Ước nguyện của chị đã không thực hiện đươc rồi, chị ơi !

      Vũ Thị Phương Mai
 
Bài viết này đã được chọn đăng trên
Báo Thể thao & Văn hóa Hàng ngày - Số 70 - Thứ Tư 11/3/2009

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm