Tiếng Việt ở Côn Minh

14/05/2009 18:07 GMT+7 | Một chuyến đi

(Bài dự thi) - Tôi xa Hà Nội đi công du một chuyến ở Vân Nam (Trung Quốc) vừa đúng một tuần. Một tuần, khoảng thời gian kể ra cũng chưa phải dài. Nhưng qua khoảng thời gian ngắn ngủi ấy, tôi cũng đủ thấy thấm thía nỗi nhớ nhung và sự cần thiết của tiếng quê hương đối với mình biết  chừng nào.

Đoàn Việt Nam của chúng tôi có hơn 10 người. Hiển nhiên là chúng tôi vẫn thường xuyên trao đổi bằng tiếng Việt với nhau. Nhưng cũng chỉ có thế. Và điều khó chịu nhất là tôi bị tước bỏ mất thói quen nghe đài và đọc báo - hai món ăn tinh thần mà tôi không thể bỏ được hàng ngày. Ở nhà, tôi thường thức dậy từ 5 giờ sáng, bật đài nghe liên tục từ lúc đó đến hết chương trình thời sự (6h30) là dậy để chuẩn bị đưa con đi học.Tối dù bận mấy thì chí ít tôi cũng phải nghe được mục thời sự cuối ngày (23h kém 15). Ngoài ra tôi còn nghe hết các tiết mục mà tôi hay tham gia viết bài (Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, Tiếng Việt Thiếu nhi, Văn nghệ...).

Nghe đài như vậy kể ra thì cũng không nhiều lắm, nhưng so với nhiều người - nhất là người Hà Nội bây giờ (mà thời gian rảnh chủ yếu họ dành xem tivi, vào mạng hoặc các thú vui khác, đến nỗi nhiều người mất  hẳn thói quen nghe đài quen thuộc từ bao năm nay) thì tôi được coi là một trong những người hiếm hoi còn sử dụng radio khá đều đặn. Không hiểu sao, tôi vẫn thích nghe tiếng Việt qua đài hơn qua tivi. Nó truyền cảm, thấm thía từng lời từng chữ, nhất là lại nghe ca nhạc hay dân ca cổ truyền qua đài thì thật tuyệt. Mỗi lúc như vậy, tôi thấy lòng mình trở nên thư thái và sáng trong hơn, sảng khoái và làm việc cũng kết quả hơn. Thật kì lạ, đã bao năm nay, cứ nghe tiếng đàn bầu mở đầu chương trình tiếng thơ cất lên thánh thót là tôi lại xao lòng, xốn xang khó tả. Tiếng Việt trên Đài đã trở thành một phần máu thịt ở trong tôi. Những năm chiến tranh chống Mỹ, chúng tôi nghe Đài Tiếng nói Việt Nam nhiều đến nỗi như nghiện, chỉ một hôm không nghe là đã nhớ cồn cào, cảm thấy như thiếu một cái gì. Lời của Đài chính là lời đất nước, có mặt rất kịp thời, bồi bổ bao nhiêu kiến thức và nâng đỡ tinh thần của chúng tôi vượt  qua mọi chặng đường gian khó.


Thế mà đến TP Côn Minh, tôi bị cắt hẳn nguồn “sữa mẹ” quý giá đó. Thật cứ như một ốc đảo. Bất đồng về ngôn ngữ, xung quanh trở nên xa lạ với mình. Thậm chí, đi quá xa khách sạn một chút, muốn hỏi đường về cũng khó. Bơ vơ, lạ lẫm, đúng là “sảy nhà ra thất nghiệp”.

May thay, có một cô hướng dẫn viên du lịch trẻ trung xuất hiện. Cô tên là Hà Hải Ngọc, người Trung Quốc chính hiệu (đang làm cho Công ty Du lịch Asia, Côn Minh). Ngọc không phải là một cô gái có ngoại hình đẹp, ăn mặc cũng giản dị, có thể nói là bình thường nữa. Nhưng bù lại, cô nói tiếng Việt rất khá. Hình như cô có một năng khiếu ngoại ngữ bẩm sinh. Theo lời cô, cô mới học tiếng Việt từ năm 2000 qua một thầy Trung Quốc. Và thật lạ, cô chưa hề sang Việt Nam một ngày nào. Thế mà gặp cô, tôi cứ ngỡ là cô mới từ Hà Nội sang vì phong cách, lời nói và đặc biệt  là chất giọng cô phát âm rất có hồn, mang “hương vị” i xì  như một người xứ Hà thành ta vậy. Quả là đáng  ngạc nhiên khi một cô gái mới học tiếng Việt vài năm năm mà ứng xử các tình huống giao tiếp nhanh và chuẩn xác đến thế.  Cô dùng thành ngữ Việt thích hợp đến nỗi mấy chị Việt Nam cùng đi cũng phải bái phục. Thấy tôi quan tâm tới sách vở, cô lần lượt dịch tên các báo và tạp chí trên sạp và giải thích cho tôi nghe. Chỉ tay vào cuốn Tam Quốc Diễn Nghĩa, cô nói:


- Chắc anh đọc Tam Quốc ở Việt Nam rồi, anh có nhớ đoạn “Khổng Minh thất cầm Mạnh Hoạch” trong đó không? Mạnh Hoạch chính là người Vân Nam chúng em  đó. Rợ Khương (trong Tam Quốc - PVT) là chỉ người dân tộc Di bây giờ. Mai qua Thạch Lâm em sẽ chỉ các cô gái Di cho anh xem...

Có Ngọc đi cùng, chúng tôi có một người bạn tâm tình thực sự. Cô không ngại nói và nói thật  duyên làm mọi chuyện cô giảng giải trở nên sinh động lên nhiều lắm. Trên xe, Ngọc còn hát một bài dân ca Việt Nam, bài tựa mạn thuyền. Lời và nhạc cũng chưa thật chuẩn, nhưng thế cũng đáng khâm phục lắm rồi. Mấy vị trong Đoàn chúng tôi cũng cao hứng hát mấy bài hát Trung Quốc. Xe ô tô vừa chạy vừa vang vang tiếng hát làm bao khách đi đường phải ngạc nhiên, dừng lại lắng tai nghe. Tôi tặng Ngọc một tờ tạp chí Heritage của Hàng không Việt Nam (lấy được trên máy bay). Ngọc xem rồi trầm trồ: 

- Này,  Việt Nam của các anh đẹp đấy chứ ! Đẹp nhất là các cô gái. Đẹp hơn con gái Côn Minh chúng em rồi. Ồ, rồi em sẽ tìm cách sang Hà Nội chơi một chuyến. Lúc ấy, các anh đừng quên em nhé...

Cả đoàn chúng tôi  đồng thanh hoan hô Ngọc. Riêng tôi còn cao hứng tặng một bài thơ vui, nhan đề là Nhớ Ngọc Côn Minh (sau khi cả đoàn đi thăm Trung tâm Đá ngọc Vân Nam) :

                        Ngọc xanh, ngọc tím, ngọc hồng...

                       Không bằng một  Ngọc chưa chồng Côn Minh

                        Côn Minh ơi hỡi Côn Minh

                        Một vùng trời đất chỉ nhớ mình em thôi

                        Nửa đêm gió thổi trên đồi

                        Tôi nghe trong gió có lời của em...

Tạm biệt Côn Minh. Ấn tượng về nơi đây thì nhiều, nhưng tôi nhớ mãi giọng nói cửa một cô gái Trung Hoa nói tiếng Việt. Cô nói bằng bản năng ngoại ngữ nhạy cảm, trí thông minh và đặc biệt là với cả tấm lòng thiết tha đối với tiếng Việt Nam - một ngôn ngữ mà cô mới làm quen. Chính cô đã làm cho chúng tôi cảm thấy Vân Nam, thấy Trung Quốc gần với mình hơn và một tuần xa quê của tôi trôi qua thú vị hơn rất nhiều.
 
PGS.TS Phạm Văn Tình
Bài viết này đã được chọn đăng trên
Báo Thể thao & Văn hóa Hàng ngày - Số 100 - Thứ Sáu 10/4/2009

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm