Tiếng người Hà Nội

26/01/2010 23:21 GMT+7 | Người Hà Nội

Trần Thế Vinh
 [Bài ủng hộ cuộc thi viết/ tìm kiếm 100 Người Hà Nội do TT&VH phát động]
 

Tiếng Hà Nội, nhìn từ bình diện ngôn ngữ học thì cũng giống như tiếng của các vùng miền khác trong nước Việt Nam thôi, là tiếng của người Hà Nội. Nhưng ở góc độ chức năng xã hội, tiếng Hà Nội có một vị thế quan trọng: là tiếng nói của thủ đô ngàn năm “phồn hoa thứ nhất Long Thành/ phố giăng mắc cửi tường quanh bàn cờ”, và có thể coi là cơ sở của tiếng Việt tiêu chuẩn. Nói như cố GS Hoàng Văn Hành, “tiếng Hà Nội là sự hội tụ của bốn phương, tinh hoa của một nền văn hóa”.

Nhẹ như gió thổi

Có nhà văn nữ viết trong một truyện ngắn của mình thế này: Người Hà Nội phát âm âm xát nhẹ như tiếng gió thổi qua chiếc lá mỏng tang. Nhẹ như gió thổi qua lá mỏng là vì không có cấu âm xát. Tất cả những gì “nặng” đều bị người Hà Nội bỏ qua. Âm xát s thành x, âm quặt lưỡi tr thành ch, r thành d và không có âm rung r - khác biệt lớn nhất trong ngữ âm Hà Nội.

Nói “nhẹ như gió thổi” là niềm tự hào của người Hà Nội. Tự hào lắm lắm. Đài PH&TH Hà Nội đã từng điều chỉnh “lỗi” này bằng các cấu âm “nặng” rất “chuẩn” của các phát thanh viên. Nhưng chỉ vài buổi phát sóng rồi lại trở về “người nào tiếng nấy”. Bởi người Hà Nội phản đối, rằng Đài Hà Nội bỗng không còn là “Hà Nội” nữa chỉ vì mấy phụ âm đầu.

Vấn đề hệ thống âm chuẩn (chính âm) của tiếng Việt đã được đưa ra bàn thảo nhiều lần nhưng chưa ngã ngũ. Có người đã hô hào, cần phải tạo ra một “cuộc vận động” nói tiếng Hà Nội! Có người đề xuất chọn giọng nói của Hà Nội làm hệ thống ngữ âm chuẩn mực; hoặc ít ra phải lấy hệ thống âm Hà Nội làm cơ sở và bổ sung ba phụ âm quặt và rung lưỡi (tr, s, r). Lại có người đề nghị “một giải pháp quá độ” là chọn tiếng Hà Nội làm mẫu hình phát âm chung cho học sinh các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế trở ra Bắc (từ Huế trở vào chọn tiếng Sài Gòn). Bởi bằng chứng là những người miền trung ra Bắc lập nghiệp và sinh sống, sau một thời gian đủ dài, giọng nói của họ đã dần biến đổi, nói pha phương ngữ Bắc một cách không ý thức, họ có khả năng “nhập hệ” ngữ âm Hà Nội.

Cách đây không lâu, TS Trịnh Cẩm Lai (ĐHQG Hà Nội) có một nghiên cứu mang tên “Sự biến đổi cách phát âm các thanh điệu của người Nghệ Tĩnh ở Hà Nội”. Theo đó, cứ 5 người Nghệ Tĩnh ở Hà Nội sẽ có một người đạt được độ thích nghi thanh điệu cao nhất (ở mức không dễ nhận ra quê gốc). Theo quy luật của ngôn ngữ, trong điều kiện có sự thông thương và thông tin rộng rãi trong cộng đồng, việc trừ bỏ hoàn toàn những đặc thù của tiếng địa phương, những khác biệt ngôn ngữ “thực chất là vấn đề thời gian” (A.V. Dexnhiskaia). Ví dụ này cho thấy sức mạnh “áp đảo” của tiếng Hà Nội, cái thứ tiếng tưởng như êm dịu, ngân nga giầu nhạc tính ấy, đối với các cư dân ở xa về sống trong lòng nó.

Dù có những sai lệch nhất định so với hệ thống chính tả hiện hành, nhưng tiếng Hà Nội đã trở nên quen thuộc với trên 80 triệu đồng bào. Sau khi đất nước thống nhất, giọng nói Hà Nội càng có điều kiện lan tỏa ảnh hưởng của mình ra mọi miền tổ quốc. Qua các buổi phát thanh và phát hình, cả nước đâu đâu cũng âm vang giọng nói của người Hà Nội. Giọng nói ấy đã và đang đóng vai trò chủ đạo và có phạm vi ngày càng rộng lớn trong giao tiếp xã hội mà không một phương ngữ nào sánh được.

Số người nước ngoài học tiếng Việt ngày càng tăng, yêu cầu đầu tiên của họ là được học phát âm theo giọng Hà Nội. Họ cho rằng tiếng Hà Nội dễ nghe, dễ hiểu hơn cả so với tiếng ở các vùng miền khác: các nguyên âm được phát âm rõ ràng, sáu thanh điệu được phát âm đúng chuẩn, người nói tiếng Hà Nội sử dụng vốn từ toàn dân trong mọi hoạt động giao tiếp. Không có đập chắc (đánh nhau), uống nác, tui nỏ biết… Ở một số trường ĐH của Mỹ như Oregon, Wisconsin, mặc dù có nhiều giảng viên dạy tiếng Việt là Việt kiều gốc miền Nam từ nhiều năm nay, nhưng trong các chương trình trao đổi giáo viên dạy tiếng Việt, họ thường mời các giáo viên từ các trường ĐH của Hà Nội và nói tiếng Hà Nội.

Các bộ môn nghệ thuật có dùng lời từ lâu đã giữ âm hưởng chủ đạo là phương ngữ Bắc mà giọng Hà Nội là nền cốt. Tại các cuộc thi ca nhạc, khán giả tinh ý có thể nhận thấy, khi hò Huế, hát dặm, vọng cổ hay các làn điệu dân ca bài chòi… các nghệ sĩ, ca sĩ quê gốc miền Trung và miền Nam vẫn giữ nguyên cách phát âm địa phương để thể hiện mầu sắc và phong vị quê hương, nhưng khi trình diễn các bài hát mới, không ai bảo ai, một cách rất tự nhiên, họ đều chú ý cách phát âm theo giọng Bắc, giọng Hà Nội.

Theo TS Chu thị Thanh Tâm (ĐH Ngoại ngữ), đã có một nghiên cứu từ 250 SV ngoại tỉnh học năm thứ nhất về tiếng Hà Nội. Tỉ lệ thích/ không thích/ vừa thích vừa không thích gần tương đương nhau. Đáng lưu ý, hầu hết ý kiến không thích tiếng Hà Nội lại khẳng định tiếng Hà Nội chuẩn, thanh thoát, dễ nghe, hơi điệu nhưng hay và lịch sự. Như vậy hầu hết đều công nhận tiếng Hà Nội hay, nhưng có học tiếng Hà Nội hay không thì đó lại là chuyện khác, thuộc về tâm lý, tính cách và chiều sâu văn hóa mỗi người.

Tìm ở đâu bây giờ?

Tiếng Hà Nội gốc đang được bảo lưu ở không gian địa lý nào? Theo TS Vũ Kim Bảng (Viện Ngôn ngữ học), câu trả lời là khu vực 36 phố phường. Rộng hơn là vùng đất được ba con sông bao bọc: sông Hồng, Tô Lịch, Kim Ngưu – lũy thành tự nhiên bảo vệ Thăng Long từ thời Lý Thái Tổ dời đô. Còn khu vực ngoại thành ổn định nhất sau mọi biến thiên của lịch sử là hai huyện Thanh Trì, Từ Liêm.

Nhà văn Tô Hoài giải thích đơn giản hơn: “không nên xem ngang nhau tiếng bờ hồ Hoàn Kiếm hoặc chợ Đồng Xuân với tiếng vùng ngoại ô. Bởi nguồn gốc hình thành và tạo nên tiếng nói, giọng nói hai vùng này hoàn toàn khác nhau”. Và nhà văn coi tiếng bờ hồ Hoàn Kiếm là tiếng Hà Nội và tiếng ngoại ô là tiếng các làng.

Cần có một ví dụ. Tại xã Ninh Hiệp, phụ nữ thường xưng ông với người ngang hàng hoặc bề dưới một cách tự nhiên. Trong giao tiếp thông thường, người Ninh Hiệp lại thường xưng ta nhiều hơn xưng tao và hầu như không bao giờ xưng tôi. “Mang cho ta vở Toán ra ta xem. Học hành thế nào mà để cô giáo phải bắt làm kiểm điểm?” Rồi thằng bố cò là cách gọi một người bề trên với một người bề dưới làm bố vừa sinh con trai, mẹ đĩ cũng là cách gọi một người phụ nữ mới sinh con, chị ả là cách gọi của bố mẹ chồng gọi cô con dâu cả… Người Hà Nội 36 phố phường không xưng hô như vậy.

Có học giả chia tiếng Hà Nội làm 4 thời kỳ. Thăng Long thời Bắc thuộc, từ Lý Thái Tổ tới trước 1873 dùng chữ Hán, mà nói như GS Hoàng Tuệ thì “không còn là ngoại lai mà đã thành cổ truyền của dân mình rồi”. Từ 1873 – 1954, Hà Nội chịu ảnh hưởng của chính sách “Pháp hóa” (franciser), và muốn đạt mục đích người Pháp phải “phi Hán hóa” (désiniser) tới tận gốc rễ. Thế là ra đời chuyện gọi chồng là cậu, gọi vợ là mợ, gọi ba, mẹ theo cách của người Pháp papa, mère. Giai đoạn 1954 – 1975, tiếng Hà Nội mất đi các từ con sen, thằng xe, cao lâu, cô đầu… và các từ cò, cẩm, thông ngôn, ký lục, cu li… được thay bằng công an, cảnh sát, phiên dịch, thư ký, công nhân. Và giờ đây, khi có sự tiếp xúc, giao lưu giữa các cộng đồng nói năng, bắt đầu xuất hiện các từ hết xảy, thứ dữ, cặp bồ, cù lần, hết xí quách, cha nội, dễ sợ, hết chịu nổi

Tiếng Hà Nội ngày nay dường như nghe có vẻ “nặng” hơn. Không những thế, tiếng Hà Nội đang mất dần phong cách “gọi dạ, bảo vâng” câu nệ, sự lịch lãm mà những người chưa “Hà Nội hóa” vẫn cho là cầu kỳ, khuôn sáo, ngoại giao giả tạo, thiếu nhiệt tình, “ngọt như đường hóa học”. Lý do chính: sự nhập cư với số lượng lớn của dân ngoại tỉnh, sự mở rộng của không gian đô thị và xu hướng hiện đại hóa tiếng nói của các cư dân thủ đô.

Có thể thấy ở đường phố Hà Nội ngày nay xuất hiện các từ penixinin, nợn nái, nồng nộn, lu la lu lống, lở mày lở mặt, Ba Vi có con bo vang… Bên cạnh đó còn có những hiện tượng bất thường trong sử dụng ngôn ngữ. “Khái niệm” như: thần dân teen, ngốcxiter, lũ thừa cơm thiếu muối, phe đầu keo, phe tóc ép… Biến thể sai chính tả như: oánh giá, quy’s tộc, cụ tỉ… Nói giảm, nói tránh như: viôlông, rau mùi, núi đôi, hội chứng 12h của chiếc kim đồng hồ bất trị, màn hình phẳng, sunsilk bồ kết, khí trơ, nhái bén, phê lòi mắt, hay tĩ tã, dzờm thấy đã, to tổ chảng, t8m, khoái chí pàcốlun… Thật kinh rị!

PGS Tất Thắng, Hội Sân khấu Hà Nội, cho rằng, “bây giờ người Hà Nội pha tạp đến mức không thể xác định họ là ai nữa. Nếu xác định đó là người Hà Nội gốc thì rõ ràng, con người Hà Nội gốc ấy, thật khó kiếm tìm. Người Hà Nội gốc chỉ cần nghe cũng biết và nhìn chung không nói tục. Trong các gia đình có truyền thống gia giáo, nói tục được coi là con nhà mất dạy. Thí dụ, để diễn đạt ý phủ định, người Hà Nội gốc ngay cả từ không cũng ít dùng, trừ trường hợp hãn hữu. Còn từ đếch hoặc tục hơn nữa thì tuyệt đối không nói, bất luận trong trường hợp nào. Con gái Hà Nội gốc kiêng kỵ nói tục, mà nếu trót lỡ lời thì xấu hổ đến đỏ mặt. Còn con gái ở Hà Nội ngày nay thì nói tục như ranh. Các cô xinh đẹp nói tục đến nỗi, người nghe thì ngượng chứ “các nàng” thì không”.

Tiếng người Hà Nội gốc, buổi bây giờ, phải lắng nghe mới thấy.

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm