Scandal chấn động làng sumo Nhật Bản

12/07/2010 15:16 GMT+7 | Thể thao

(TT&VH cuối tuần) - Ngày thứ Tư, 7/7, cảnh sát thành phố Tokyo đã bất ngờ đột nhập các cơ sở huấn luyện võ sĩ sumo. Đây là cuộc điều tra mở rộng vụ bê bối cờ bạc bất hợp pháp, đang khiến môn thể thao quốc hồn quốc túy của Nhật Bản lâm nguy.

CNN cho biết: Cảnh sát đã lục soát lò huấn luyện sumo Onomatsu ở tỉnh Chiba, của võ sĩ 34 tuổi Ozeki Kotomitsuki - người đã thừa nhận tham gia các hoạt động cờ bạc bất hợp pháp, và lò Tokitsukaze ở Tokyo. Vụ scandal đã làm chấn động Nhật Bản, bởi sumo là môn thể thao biểu trưng của quốc gia và những võ sĩ hàng đầu thường được coi là người hùng dân tộc.


Kotomitsuki (phải) trong một trận đấu với đối thủ Baruto người Estonia ở Osaka tháng 3/2010, Ảnh Getty
Trước đó, vào ngày 4/7, Liên đoàn sumo Nhật Bản (JSA) đã loại Kotomitsuki và HLV của anh, Otake, ra khỏi các hệ thống giải đấu của liên đoàn. Ngoài ra, lần đầu tiên trong 57 năm qua, đài truyền hình quốc gia Nhật Bản NHK tuyên bố sẽ không phát hình trực tiếp các giải sumo trong năm nay, bắt đầu từ 4/7. Công bố của đài đã gây ra một làn sóng phản đối ở Nhật Bản và NHK sau đó phải chạy dòng tít: “Chúng tôi hiểu sự quan tâm của các bạn đối với những giải sumo” trên mọi chương trình phát sóng của đài.

NHK, đài truyền hình nhà nước, đã phát trực tiếp cả sáu giải sumo trong năm kể từ năm 1953. Tuy nhiên, NHK cũng thông báo sẽ phát lại giải sắp tới diễn ra từ 11/7 đến 25/7 tại Nagoya sau những lời than phiền từ người xem. “Đây là một sự kiện nghiêm trọng và rất đáng tiếc - Chủ tịch NHK Shigeo Fukuchi nói - Chúng tôi đã nhận được nhiều ý kiến gay gắt từ khán giả mỗi ngày”. 

Một số nhà tài trợ đã rút khỏi giải đấu sau vụ scandal. Hơn 10 đô vật khác liên quan tới vụ việc cũng bị cấm tham dự giải ở Nagoya. Rolan Buerk, thông tín viên thể thao của BBC tại Tokyo, cho biết sumo ở Nhật Bản đã bị hủy hoại vì những mối liên hệ với thế giới ngầm. Mùa giải năm ngoái, nhiều vé xem ở các hàng ghế đầu những giải lớn không hiểu vì sao lại lọt vào tay các thành viên của Yamaguchi-gumi, tổ chức tội phạm lớn nhất Nhật Bản. Buerk nói những tay gangster muốn xuất hiện trên truyền hình trực tiếp để động viên các đồng nghiệp xem giải đấu từ trong nhà tù.

Quyết định loại Kotomitsuki và Otake được công bố sau một cuộc họp đặc biệt của JSA. Động thái này diễn ra sau một cuộc thăm dò của JSA tháng trước cho thấy ít nhất 65 trong số 700 thành viên của liên đoàn tham gia các hoạt động cờ bạc bất hợp pháp những trò như bóng chày, đánh bài, mạt chược…Hầu hết những hoạt động cờ bạc ngoài vòng pháp luật này do Yazuka, tức mafia Nhật Bản, tổ chức, thu tiền bảo kê. Chính quyền Tokyo đã phải vào cuộc khi treo luôn chiếc ghế chủ tịch JSA của Musashigawa cho tới hết giải sumo tiếp theo tại Nagoya.

Thay thế ông là một người không liên quan gì đến thế giới sumo, cựu công tố viên cấp cao Hiroyoshi Murayama. Kotomitsuki đã thừa nhận tham gia vào các hoạt động cá cược bóng chày bất hợp pháp và nói anh biết trước việc bị loại khỏi JSA là “không thể tránh khỏi”. “Tôi đã nhận hình phạt từ JSA và tôi đã ăn năn tất cả những khó khăn mà tôi gây ra”, hãng tin Kyodo dẫn lời tay đô vật từng có thời xếp thứ hai Nhật Bản.

Một cựu đô vật sumo khác, được cảnh sát giấu tên, cũng bị bắt giữ vì tình nghi nhận tiền từ Kotomitsuki để im lặng về việc anh này tham gia cờ bạc. Còn HLV Otake, theo báo chí Nhật Bản, đã mắc nợ tới hơn 50.000 USD vì các trò đỏ đen bất hợp pháp. Đây là vụ bê bối mới nhất trong hàng loạt sự kiện tương tự khiến môn sumo ở Nhật, vốn đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc tuyển các đô vật mới, lâm nguy.

Năm ngoái, một HLV sumo hàng đầu bị bắt giữ vì đánh đập dã man một đô vật trẻ. Đầu năm nay, một trong những đô vật huyền thoại, Asashoryu, tuyên bố từ giã sự nghiệp sau các cáo buộc anh tấn công một người đàn ông bên ngoài một hộp đêm ở Tokyo. Các tay đô vật sumo và những HLV trong nghề thường chỉ sử dụng tên, chứ không có họ, khi xuất hiện trên truyền thông.

Trần Trọng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm