Ông bầu Võ Viết Thanh (ADC-THVL): Hoài bão tuổi tứ tuần

02/05/2012 13:17 GMT+7 | Thể thao

(TT&VH) - Từ chỗ đi đông về đủ, tham dự cho vui là chính, xe đạp Vĩnh Long bỗng nhiên đổi đời với sự có mặt của ông bầu tâm huyết Võ Viết Thanh.

*Bạn cũng có thể bình luận về bài viết này trên http://www.facebook.com/baothethaovanhoa

Dòng máu nóng của thể thao

Xuất thân từ dân thể thao, là học viên của Trường ĐHTDTT 2 TP.HCM, tốt nghiệp khóa 7 chuyên ngành bóng đá, thế hệ của ông Thanh là những nhân vật có “máu” lãnh đạo trong lĩnh vực bóng đá nhiều hơn như Huỳnh Mau (HA.GL), Vũ Tiến Thành (cựu GĐĐH CLB NHĐÁ-TP.HCM)… Bản thân ông Thanh sau khi tốt nghiệp năm 1987 thì trở về đầu quân cho đội bóng đá Hậu Giang. Vừa đóng vai cầu thủ rồi kiêm luôn công tác trợ lý huấn luyện, vừa phụ giúp công việc kinh doanh của gia đình  chi phối đến những chuyến đi du đấu thường xuyên của ông. Ai cũng biết, nghiệp thể thao khi đó rất bấp bênh nhưng do đã trót đam mê cộng với gia đình “có điều kiện”, ông Thanh theo đuổi đam mê của mình đến năm 1992. Độ tuổi 30 khi đó là giới hạn để suy nghĩ về một điểm dừng trong nghiệp thể thao và lo tính kế mưu sinh.

Và khi đã có điều kiện dư dả, cái máu thể thao trong người ông lại phát tác. Ban đầu, ông Thanh định chọn bóng đá nhưng nghe lời khuyên về môi trường lắm phức tạp và tốn kém, cơ duyên lại đưa ông Thanh đến với môn xe đạp.

Đất Vĩnh Long là nơi ông chọn để gửi gắm niềm tin. Một mặt vì mối quan hệ thân thiết của công ty ADC, nơi ông làm chủ, với đài truyền hình Vĩnh Long, mặt khác vì sự hiền lành chân chất của con người nơi đây. Và từ đây bắt đầu cuộc đổi đời của xe đạp Vĩnh Long.

Làm đến nơi đến chốn

Trước khi có ông Thanh, xe đạp Vĩnh Long chỉ đi đông về đủ. Thế nên, dù có những cá nhân nổi trội như Nguyễn Huy Hùng (HLV trưởng ĐTQG và HLV trưởng ADC-THVL), nhưng xe đạp không phải là môn thể thao một người và Vĩnh Long cũng không thể phá được thế chân vạc của BVTV.SG, Dược D.Đồng Tháp hay BVTV.AG.

Ký hợp đồng đầu tư cho đội xe đạp Vĩnh Long trong 3 năm, ông Thanh cũng mù mờ về bộ môn này. Nhưng đã đầu tư thì phải có hiệu quả, một phương châm mà những người kinh doanh như ông phải thuộc làu làu. Ngoài sự nỗ lực của VĐV, trang thiết bị là thứ hỗ trợ đắc lực cho thành tích của môn thể thao này.

Tự thân đào sâu nghiên cứu về chuyên môn, ông Thanh chấp nhận bỏ ra hơn 1 tỷ đồng ban đầu để sắm dàn xe cho đội đua trở nên hùng hậu nhất nước. Đây là đội đua sở hữu chiếc xe đạp cá nhân tính giờ có trị giá hơn 10.000 USD mà mỗi năm chỉ sử dụng 1-2 lần.


Ông bầu Võ Viết Thanh có công rất lớn trong hành trình vươn lên đỉnh cao của đội đua xe đạp ADC-THVL. Ảnh: Dương Thu

Gác việc kinh doanh, ngoài việc cập nhật trang thiết bị hiện đại cho đội đua, ông Thanh còn sẵn sàng ra nước ngoài học hỏi kinh nghiệm hay của các nước có nền xe đạp tiên tiến. Từ những chuyện nhỏ nhặt như đăng ký quảng cáo thương hiệu trên xe, sắm đồng phục đồng bộ và bắt mắt cho các cua rơ…, ADC-THVL khởi xướng trào lưu này và giờ nó đã được xem như mô hình cho các đội đua khác học hỏi.

Năm 2011, trong lần đầu tiên tổ chức giải đấu mang tên mình, ADC-THVL đã muốn đăng ký giải đấu này mang tầm vóc giải đấu quốc tế thường niên đầu tiên ở VN. Và có thể, dự định đó sẽ được UCI chấp thuận trong năm nay.

Qua nghiên cứu nền xe đạp các nước tiên tiến, ông Thanh đưa phương pháp tiếp tế bằng ôtô bán tải áp dụng trong cuộc đua này. Nó cho thấy sự hiệu quả và chuyên nghiệp hơn rất nhiều so với cách tiếp tế bằng xe máy ở VN đã rất lạc hậu. Ông Thanh cũng là người đứng ra tài trợ đoàn xe tiếp tế cho Cúp xe đạp truyền hình HTV 2012.

“Tụi nhỏ như con trong nhà”

Vì cũng là dân thể thao nên ông hiểu hoàn cảnh của những VĐV chấp nhận đi theo con đường này. Thế nên, tình cảm mà ông Thanh dành cho các cuarơ của mình như con cháu trong nhà. Nếu ví người nông dân cực khổ “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” thì đời VĐV đua xe đạp cũng tương tự như thế.

Tháng 3/2010, với tư cách nhà tài trợ cho đội đua đi theo đội dự Cúp truyền hình Bình Dương, ông Thanh không khỏi bất ngờ khi chứng kiến các VĐV của mình đi thi đấu mà chỉ ăn mỗi người một đĩa cơm đạm bạc. Hỏi HLV Minh Nhựt thì được biết đó là chuyện bình thường từ lâu nay rồi.

Ngay chiều hôm đó và trở về sau này, ông Thanh yêu cầu các bữa ăn của đội phải được đặt trong nhà hàng. Chưa kể, từ chỗ ở một phòng 3-4 người như nhà nghỉ, các cuarơ cũng được chuyển sang ở khách sạn cao cấp hơn.

Mới đây, khi đội đua xuất sắc giúp Minh Thụy lấy chiếc áo vàng chặng 12, toàn đội được tưởng thưởng bằng việc ở khách sạn 4 sao, ăn uống thoải mái. Tất nhiên, những chi phí phát sinh tốn kém này không có trong bản hợp đồng 1,5 tỷ đồng (ký từ năm 2010-2012) mà công ty ADC ký với phía Vĩnh Long.

Với những sự đầu tư lớn như việc thuê VĐV Hà Lan để giúp sức cho toàn đội trong lần đầu tham dự giải tháng 3/2010 đó, ngay lập tức đội đua miền Tây đã gây dấu ấn với việc đánh bại các đối thủ mạnh khác để giành hạng 3 đồng đội.

Bước tiến ngoài mong đợi đó đánh dấu sự hình thành một thế lực của xe đạp VN. Cách làm sâu sát này khác với cách nhiều đội đua khác thường ném một cục tiền xuống và “lệnh” cho đội đua đó phải có thành tích mang về.

HLV Phạm Minh Nhựt của đội nhận xét: “Xe đạp Vĩnh Long có nhiều VĐV trẻ rất tốt nhưng nếu không có sự đầu tư thì cũng chẳng ai biết đến. Anh Thanh từng chơi thể thao nên biết nỗi khổ của những người gắn bó với công việc này.

Vì anh ấy thương VĐV như con cái trong nhà nên tụi nhỏ cũng biết phấn đấu không ngại khổ đền đáp lại công ơn của anh ấy. Bùi Minh Thụy là VĐV tài năng của xe đạp Vĩnh Long nhưng nếu không được đầu tư, cũng khó mà phát triển. Không như nhiều địa phương tìm VĐV xe đạp rất khó thì Vĩnh Long đã có nhiều VĐV trẻ triển vọng và khát khao trở thành những VĐV chuyên nghiệp”.

Đời VĐV xe đạp vốn ngắn ngủi, biết được điều đó, sẵn có công ty riêng, ông Thanh tạo mọi điều kiện cho họ một cuộc sống ổn định sau khi từ giã đường đua. Như trường hợp VĐV Bùi Lâm Huỳnh giờ đang là tài xế cho đội xe của công ty.

Hoài bão cuộc đời

Trong thời điểm kinh tế khó khăn, nhiều đội đua mạnh của xe đạp VN đang tính đường lùi thì với ông Thanh, lúc này là thời điểm để thực hiện những hoài bão cuộc đời. Tầm vóc của ADC-THVL không chỉ dừng lại trong nước mà danh tiếng phải đi xa hơn nữa.

Trước mắt sẽ là bản hợp đồng 3 năm ký tiếp với xe đạp Vĩnh Long. Mọi thứ đang được xúc tiến để trình lên Liên đoàn xe đạp xe đạp thế giới (UCI) nhằm đưa ADC-THVL trở thành một đội đua bán chuyên nghiệp đầu tiên của VN trong tương lai gần.

Có như thế, các thành viên trong đội sẽ được tham dự nhiều giải đấu quốc tế để cọ xát, nâng cao trình độ.  Tính toán đó hiện vượt khỏi tầm quản lý và nó còn phải chờ để Liên đoàn xe đạp-mô tô thể thao VN nghiên cứu.

Gắn với xe đạp như một cơ duyên nhưng rồi lại đam mê. Tâm huyết của ông Thanh “vô tình” đã thúc đẩy phong trào xe đạp VN mang hơi hướng chuyên nghiệp hơn. Nhắc tới ADC-THVL bây giờ, không đối thủ nào không kiêng nể.

Bằng chứng là trong 2 năm liên tiếp, chiếc áo vàng danh giá của Cúp xe đạp truyền hình TP.HCM (giải đấu lớn nhất thường niên hàng năm của xe đạp VN) đều thuộc về đội đua miền Tây.

Tuổi 46 và ôm ấp trong mình một hoài bão lớn, xe đạp VN biết đâu lại được hưởng lợi từ những cú hích của ông bầu gốc Chợ Mới (An Giang) này.

Việt Long

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm