Nơi cho sự sống hồi sinh

14/05/2009 18:04 GMT+7 | Một chuyến đi

(Bài dự thi) - Từ thành phố Hòa Bình vào tới xã Vầy Nưa là cả chặng đường dài tới 40 cây số. Leo lên rồi lại xuống dốc, đường gập ghềnh đầy sỏi. Mưa xuống một chút là nước lêng láng khắp hố trâu. Xe máy chỉ có thể phóng thẳng qua hố nước đó, nước bắn tung tóe lên người.

Từ trung tâm xã Vầy Nưa tới xóm Thín lại đi qua mấy con núi. Vào tới đầu xóm, ngồi uống nước. Vừa hỏi tới tên chị, người dân làng đã nói ngay, “Lý Thị Thắm có con dị tật chứ gì”. Nhà có cây khế nhé.


Một người đàn bà địu gùi sắn sau lưng đang cặm cụi bước từ ngõ lên. Dáng người nhỏ bé, đôi mắt sáng, chiếc khăn quấn quanh đầu, quần áo dính đầy bụi đất và nước bẩn. Đôi bàn tay chị thoăn thoắt tháo gùi đặt xuống sân và rửa vội chân tay, tươi cười bảo chúng tôi vào nhà. Thật bất ngờ vì đó là người mà chúng tôi cần gặp. Trước đó, trong suy nghĩ của chúng tôi, đó phải là người đàn bà đã già, đôi mắt sâu hoắm và có nước da xạm đen, bẩn bẩn

Chị dẫn chúng tôi vào nhà, vội vàng vơ lấy hai chiếc ghế đưa cho chúng tôi, sai con gái pha nước. Tay không ngừng nghỉ, chỉ một thoáng, chị mở chiếc màn đen đã cáu lại chắc chừng tới 5 năm chưa giặt bao giờ, bế một đứa trẻ dài khoảng 90cm, nặng khoảng 11kg, nước da trắng cho đi vệ sinh. Xong xuôi mọi việc, chị mới ôm cháu ngồi vào nói chuyện. Thằng bé không ngồi được yên, người cứng đơ, chân tay co quắp làm cho dáng còm cõi đấy như không đỡ nổi. Chị vừa nựng con, vừa ngồi kể chuyện với chúng tôi.

Nghe xong, tôi mới biết rằng cuộc sống này lại có người vô tình đến như thế. Từ xưa, các cụ đã nói rằng “hổ dữ không ăn thịt con”. Vậy mà 1 người mẹ mang nặng đẻ đau 9 tháng 10 ngày đã vứt bỏ giọt máu của mình ở trong rừng để cho kiến cắn, ong đốt, để cho mưa rừng trút xuống thân thể không có quần áo của em và treo lủng lẳng trên cành cây trong khi dây rốn – cầu nối duy nhất giữa mẹ và con vẫn chưa được cắt ra cho em. Vợ chồng chị nghe được tin có đứa bé bị bỏ rơi trong rừng. Trái tim tràn ngập yêu thương của một người đàn bà đang làm mẹ đau buốt lên. Chị có một cô con gái đã 10 tháng tuổi (Lý Thị Thu – 1996), chị đã làm mẹ. Nghe bà con kháo nhau, không đắn đo suy nghĩ, chị quay sang hỏi anh (Lý Văn Xuân):

- Tôi đi tìm nó, nếu nó còn sống, tôi mang về nuôi. Nhà mình sẽ có hai con, không phải đẻ nữa nhé.

Anh đồng ý ngay. Chị chạy theo bà con ra đến bìa rừng. Cả người bé chỉ có màu đen của kiến, nhưng nó vẫn cất tiếng rên nho nhỏ. Nhìn thấy cảnh đứa bé, lòng thương cảm trào lên. Chị vừa khóc, vừa ôm lấy bé, cởi chiếc áo khoác ngoài của mình ra quấn cho bé, rút con dao đi rừng sẵn gắn bên mình cắt dây rốn và chôn ngay xuống đất. Rồi chị mang bé về nhà, tắm rửa cho bé và cho bé bú.

Thương con mới, chị quyết định cho con gái lớn cai sữa. Anh chị đặt cho con cái tên là: Lý Văn Quý để mong sau này cháu trở thành một người được mọi người yêu quý và cuộc đời giàu sang, phú quý, hạnh phúc hơn khi cháu sinh ra. 6 tháng đầu Quý lớn nhanh như thổi. Mấy tháng sau, Quý không phát triển nữa hơn nữa lại xuất hiện các triệu chứng bất thường như cổ ngoặn nghẹo, miệng hay chảy dãi, chân tay mềm oặt, vận động khó khăn, thỉnh thoảng co quắp,…. Chị để bé bú tới gần 3 năm mới cho con cai sữa. Tình yêu thương đó vượt lên tất cả. Nhưng càng ngày Quý càng sống khó khăn. Các biểu hiện co quắp bắt đầu trở nên thường xuyên. Lo cho con, chị không dám đi đâu xa, luôn luôn ở bên chăm sóc cho con từng giấc ngủ bữa ăn. Bốn năm chị không dám về thăm bố mẹ đẻ vì không ai chăm sóc được cháu cẩn thận.

Khi bé lên 6 tuổi, hai vợ chồng chị thu xếp cho con đi bệnh viện lần thứ 2. Chị bán đi hai tạ thóc trong nhà dành dụm từ mấy năm lấy tiền ra huyện. Sau khi khám xong, bác sĩ ở huyện chuẩn đoán Quý bị bệnh não bẩm sinh, có thể là do nhiễm chất độc màu da cam. Và kết quả giành cho hai vợ chồng chị là “căn bệnh này không có thuốc chữa”. Chị lại ôm con trở về căn nhà mái cọ lụp xụp quen thuộc.

Tháng 10 năm 2007, Quý được Ủy ban Dân số Gia đình và Trẻ em trao tặng chiếc xe lăn. Hai mẹ con chị phải thuê xe máy đi ra huyện, rồi xuống tỉnh nhận quà. Hiện nay chiếc xe được đặt ngay ngắn trong góc nhà, vẫn còn mới nguyên vì Quý không thể ngồi lên. Dạo vừa qua, Trung tâm tàn tật đề nghị cho Quý về dưới xuôi sống nhằm giúp đỡ gia đình chị. Khi nghe được mọi người nói điều đó, Quý khóc toáng lên. Em không nói được, nhưng em hiểu mọi người nói gì. Chị cảm giác cánh tay em ôm lấy mình chặt hơn, ánh mắt nhìn mình như muốn nói rằng không muốn đi. Thương con, nghĩ đi nghĩ lại anh chị quyết định vẫn nuôi tiếp Quý. Chị lo về đó không ai chăm sóc cho Quý như anh chị chăm sóc, không ai hiểu được Quý cần gì và muốn gì như chị. Và một điều đặc biệt là chị đã coi Quý như đứa con mình sinh ra, chị không thể xa con được.

Người đàn bà nhỏ bé và đầy nghị lực này hằng ngày vẫn tiếp tục nuôi cậu con trai đã 11 tuổi mà mới có 11kg, chân tay nhỏ như em bé 3 tuổi, chiều dài chỉ bằng một em bé hơn 4 tuổi. Chị vẫn dành ra tới hơn 5 tiếng đồng hồ để cho con ăn; vẫn nựng con bằng những điệu hát ru của người Dao Thiền. Hai mẹ con trêu đùa cười nói như không có chuyện gì xảy ra. Quý nhìn mẹ nói chuyện bằng ánh mắt dịu dàng, tràn đầy yêu thương của một đứa trẻ, nụ cười lúc nào cũng nở trên môi em. Chị nói mà nước mắt trào ra: “Dù nghèo, dù khó khăn tôi cũng sẽ nuôi Quý cho đến khi nào cháu không còn sống được. Tôi muốn bù đắp cho những gì con đã phải trải qua ngay khi chào đời. Quý là một phần cuộc sống của gia đình tôi”. Hóa ra trong cuộc đời này, có những con người nhân hậu như thế.
 
Thanh Sơn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm