Nơi chân trời trước mặt

14/05/2009 18:05 GMT+7 | Một chuyến đi

(Bài dự thi) - Đặt ba lô dưới chân, tôi vật lưng xuống tảng đá xanh nhẵn thín như mặt bàn, hai tay giang rộng, buông thả… Sau một ngày leo đèo, mồ hôi ướt đẫm lưng áo, cái lạnh đang từ từ ngấm vào da thịt, xoa dịu, thức tỉnh từng tế bào.

Lần đầu tiên trong đời tôi thấy đá mềm, thật mềm, mát và êm ái dịu dàng. Tôi ngửa mặt nhìn trời xanh, hớp một làn gió trong lành. Hơi lạnh mang những hạt nước nhỏ li ti rắc trên má, đậu trên mi mắt sao mà thích thú. Gió, lại gió… “Chỉ có gió thổi ở nơi không người”. Một câu văn giản dị của Ma Văn Kháng vô tình đọc được trong tờ báo Lào Cai dùng để bọc nắm cơm ăn đường vang lên trong óc. Chắc hẳn câu văn ấy cũng đẻ ra từ những giây phút này đây.

Thời học phổ thông, văn là nỗi kinh hoàng của tôi. Đi thi, qua được môn văn coi như thoát nạn. Tôi sợ những trang sách đặc chữ là chữ. Thành cán bộ nhà nước rồi mới chợt nhận ra cả đời chưa đọc trọn vẹn một cuốn tiểu thuyết nào. Tốt nghiệp Trường Đại học Dược Hà Nội tôi được giữ lại trường làm cán bộ nghiên cứu. Hàng ngày đọc sách khoa học và làm thí nghiệm trong phòng có máy lạnh. Mùa đông ngủ trong phòng ấm nuôi cấy vi sinh, chẳng biết giá rét là gì. Nếu cứ ngày ngày đến cơ quan làm việc giữa lòng thủ đô Hà Nội, cơm hai bữa ở nhà và ngủ trong chăn ấm thì sao được tận mắt ngắm núi rừng Tây Bắc hùng vĩ, nghê thường đến nhường này. Đây là cái “lộc” của chuyến đi công tác Tây Bắc ngẫu nhiên.
 
Ảnh Internet

Tôi đi thuê xe cho giáo sư Đỗ Tất Lợi lên Tây Bắc điều tra cây bạc hà mọc hoang, người ta trả lời: “Kho xăng Đức Giang vừa bị bắn phá, đến chuyên gia tên lửa Liên Xô cũng phải đi bộ, bảo giáo sư có đi bộ được thì đi!”. Và thế là tôi đi thay ông bằng đủ mọi phương tiện giao thông thời chiến. Đang lo đường sá, anh họ tôi bảo, có một anh tên là Ma Văn Kháng, bạn học ở Đại học Sư phạm với anh. Anh Kháng tốt nghiệp thủ khoa không chịu ở lại trường, xin lên công tác Lào Cai, tôi có thể tìm gặp nhờ mua vé ô tô Lai Châu. Anh Kháng đi vắng, đành nhờ vả một đồng nghiệp bên y tế. Lên xe anh ta dúi cho nắm cơm bọc trong tờ báo Lào Cai có bài của tác giả Ma Văn Kháng. Xe chuyển bánh, mùi xăng xộc lên, tôi nín thở cồn cào. Lên đỉnh đèo Phanxipăng thì ôm bụng nôn mửa. Tôi bảo cho xuống không thì chết mất. Người tài xế nói: “Thả anh xuống đây thì hổ nó vồ mất xác. Thôi thì đằng nào cũng chết, nên chết trong xe”.

Nhiệm vụ của tôi là đi bộ tìm những loài bạc hà hoang ở ba tỉnh Lào Cai, Sơn La, Lai Châu đem về trồng ở nông trường trồng Sìn Hồ. Ròng rã mấy tháng trời dọc theo các dòng sông, khe suối. Khi thì trời sập tối, bụng đói lạc giữa rừng. Khi lũ quét leo lên ngọn cây. Có đêm ngủ tạm trong lán giao thông của công nhân làm đường vừa bỏ đi. Chập chờn thức giấc nhận ra con rắn quấn cổ chân mình. Nó đến ăn tàn hoặc sưởi ấm đây. Có khi sợ làm người ta bình tĩnh, nín thở làm như không biết, rồi nó tở ra, từ từ bỏ đi. Hú vía! Có đêm dừng chân ở một trường tiểu học nghe cô giáo vùng cao than thở đến nao lòng. Rồi bị bắt khi dưới hầm Đờ - cát chui lên. Râu tóc xồm xoàm, lại vắt chiếc áo may - ô rách lên nòng khẩu đại liên ở cầu Mường Thanh phơi cho khô để tắm xong mặc vào. Hai dân quân người Thái, một nam, một nữ dẫn tôi về nhà khách huyện ủy ở gần hồ Huổi Phạ xem lời khai có đúng không, thì anh em cơ quan reo lên: “Đợi mãi, về ăn cơm. Tắm gì mà tắm lâu thế”. Trước đó mấy hôm, máy bay Mỹ oanh tạc bưu điện. Tôi phơi áo lót trắng khác nào chỉ điểm cho máy bay địch. Lại nữa, trong người có bản đồ vẽ đường đi, sông suối có đánh dấu nơi bạc hà mọc. Đúng là tình ngay lý gian. Đến ngã ba Tuần Giáo thì hết sạch tem gạo. Đói là cái chắc, lấy đâu ra tiền ăn quà trừ cơm. Không có tem phiếu, không ăn cơm ắt là gián điệp. Những năm ấy là thế, nhiều gián điệp bị lộ chỉ vì chi tiết này. Tôi đến bệnh viện huyện trình bày thật đầu đuôi, rồi hỏi y tá liệu mình khai là bệnh nhân họ có tin không. Cô y tá phì cười: “Còn quá tệ bệnh nhân!”, lập tức cho nhập viện.

Bị nghi cũng có, nhưng được cưu mang thì nhiều hơn. Có lần đến Phù Yên Sơn La, trời đã tối lại mưa, chân bước mà không biết đi đâu. Đang hỏi đường thì một cô nhận ra giọng nói, gọi đúng tên mình. Cô là sinh viên dược mới tốt nghiệp về nhận công tác ở đây. Những chuyện như thế nhiều, nhiều lắm.

Những loại bạc hà hoang phát hiện được khắp núi rừng Tây Bắc đã nằm im trong lòng đất Sìn Hồ và bắt đầu nảy mầm, đúng vào tháng bảy giữa mùa mưa. Sìn Hồ là điểm mưa của nước ta. Mưa xối xả, mưa dầm dề, mưa thối đất thối cát. Chỉ có một cái chảo gang kê giữa sân, không cần hứng giọt gianh mà lúc nào cũng ắp nước, đủ dùng để rửa ráy, nấu ăn cho cả nông trường bộ mười mấy con người. Đất trời âm u, sũng nước, đặc quánh sương mù. Hơi nước đọng trên những tấm nilon căng trên đỉnh màn thành bọng, vô ý đụng đầu là đổ ào xuống giường. Càng về khuya mưa càng nặng nề, dữ dằn như mưa Huế, tra tấn những cô gái ế chồng mà mỗi sớm mai thức dậy đếm từng sợi tóc rụng vương trên gối. Đêm mưa thấy mình bồng bềnh trên hoang đảo giữa đại dương mênh mông. Hình như họ bị bỏ quên, tôi muốn viết để nói hộ một điều gì, và bắt đầu cầm bút.

Không có giấy tôi xin cán bộ hành chính của nông trường những tờ giấy dang ngà vàng do họ tiết kiệm dành dụm được, hết thì xin căn-tin những mảnh giấy xi măng gói hàng. Mực thì đã có thuốc đỏ của cô y tá. Ý nghĩ tràn ra đúng lúc hết mực. Nhớ câu: “Phần hay nhất của câu chuyện còn ở dưới đáy lọ mực” của La Phôngten và mỉm cười trong đêm. Vì tham và sợ hết, tôi pha loãng thuốc đỏ nên không thể đọc dưới ánh đèn dầu tù mù. Tôi cứ viết, miễn dòng nọ không chồng lên dòng kia, sáng hôm sau vẫn đọc được. Hai đầu gối tự nhiên sưng tấy. Thấp khớp chăng? Sau mới biết rằng mình dùng miếng gỗ bắp bìa kê lên đầu gối làm bàn viết. Mặt phẳng bên trên, mặt cong xù xì ở dưới day liên tục trên hai đầu gối. Úp tấm bìa xuống, chịu khó dùng mặt bàn cong là ổn.

Hết đợt công tác, tôi mang tập bản thảo về đưa cho anh Đỗ Chu, lúc ấy đã là nhà văn nổi tiếng. Anh trố mắt: “Mày điên rồi à? Cả đời không đọc một cuốn sách. Viết lá thư cho tao chấm câu không nên. Là cái thằng dược sĩ đi trồng cây bạc hà thì cố mà bào chế được hộp Cao Sao Vàng”. Đúng là điếc không sợ súng, tôi viết văn mà không có chữ.

Tuy nhiên, tổng kết cuộc thi viết về Hình ảnh người cán bộ y tế trong chiến tranh do Hội nhà văn và Bộ y tế tổ chức, anh Nguyễn Thành Long và chị Lê Mai cho giải nhất. Anh Long bảo viết về công việc nhưng có tình. Sách in ra tặng anh Ma Văn Kháng mà tôi cứ ngượng mãi, vì chẳng qua chỉ là cuốn tiểu thuyết “người tốt việc tốt”. Dù sao cũng là sản phẩm của một chuyến đi. Có đi, có viết mới cảm nhận được cái hay, cái công phu khi đọc văn người khác. Tôi không còn ngại đọc và sợ văn như trước nữa.

Một chuyến đi có thể làm ta thay đổi thói quen sinh hoạt, sống đơn giản hơn, thậm chí biến thành người khác. Mỗi bước chân là một bước thiền, cho phép ta bình tâm suy nghĩ về cuộc đời. Hành lý lên đường là hành trang vào đời, tham lam ôm đồm sẽ không đi xa được. Đi cho đến hết tiền, cho cháy túi. Đùng sợ, không thể chết, nếu bạn biết lãng mạn và hài hước, tứ thơ có thể bật ra. Nhưng phần hay nhất của câu chuyện còn ở dưới đáy lọ mực, kỳ thú của cuộc hành trình đang đợi kẻ lữ hành nơi chân trời trước mặt.

Chu Bá Nam

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm