Nỗi buồn dưới chân cầu Long Biên

20/09/2010 15:34 GMT+7 | Cầu Long Biên

(Bài dự thi) - Cầu Long Biên từ trăm năm nay vẫn nằm đó, chứng kiến bao đổi thay của Hà Nội. Bãi sông hoang vắng quanh cầu nay đã trở thành một khu vực dân cư đông đúc, phố xá sầm uất. Nhưng đáng lo thay, môi trường sống của người dân nơi đây đang bị ô nhiễm nặng nề.

Thủ đô đang trong những ngày nước rút chuẩn bị cho lễ Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Cầu Long Biên, cây cầu đầu tiên nối liền hai bờ sông Hồng, một biểu tượng cho Thủ đô, lại được quan tâm hơn bao giờ hết. Trong đợt kỷ niệm này, cầu Long Biên sẽ là một địa điểm diễn ra nhiều hoạt động văn hóa như tổ chức gian hàng, trưng bày tranh, ảnh; chương trình ca nhạc… thu hút người dân và du khách.

Với tâm trạng háo hức, tôi đến cầu Long Biên để chiêm ngưỡng một công trình kiến trúc cổ kính, nhưng bước trên cầu lịch sử chưa được bao xa, mùi hôi bỗng xộc đến và cảnh tượng hút lấy mắt tôi là những ngôi nhà xập xệ phía dưới chân cầu, cạnh mương nước bẩn đen ngòm đầy rác rưởi chảy ra phía sông Hồng. Đây là khu vực phía sau chợ Long Biên. Những sọt hàng để trên các mái nhà khiến ai cũng nhận ra ngay đây là xóm lao động buôn bán. Trước ống cống la liệt những sọt chứa hàng, dùng xong bị bỏ đi. Bên dãy nhà gần dòng nước thải, vài người phụ nữ vừa thu gom hàng hóa vừa trò chuyện, một đứa bé vứt tiếp một cái bao bóng xuống triền dốc đầy rác. Anh hướng dẫn viên du lịch mà tôi tình cờ gặp tại đây cho hay anh chỉ dẫn khách du lịch đến cầu Long Biên đúng một lần và từ đó đến nay không có lần thứ hai nữa.

Khu vực cầu Long Biên, phía quận Ba Đình, là một trung tâm giao thông gồm cả đường thủy, đường sắt và đường bộ. Người dân từ các vùng như Hưng Yên, Nam Định, Thái Bình, Phú Thọ… đến đây cư ngụ, làm đủ các nghề lặt vặt như lái xe ôm, bán hàng rong, bán buôn rau quả trong chợ, chở hàng...


Tổ 7, khu dân cư số 2, Phường Phúc Xá, quận Ba Đình, Hà Nội, nhìn từ cầu Long Biên (Thu Trang)

Chợ Long Biên là chợ đầu mối lớn với mặt hàng chủ yếu rau, củ, quả; được họp từ khoảng 12 giờ đêm, tấp nập nhất vào lúc 4-5 giờ và thời điểm này cũng là lúc quang cảnh lộn xộn, bẩn thỉu nhất. Thịt, cá bày tràn ra trên đường và chế biến ngay trên đó. Nước cá, lòng cá bán vứt bừa bãi. Rác được quét qua loa rồi đốt, tạo ra một cái mùi khét lẹt khó thở. Dòng nước bẩn từ chợ sẽ được dồn về phía cống và chảy ra sông.

Nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của sự ô nhiễm này là Tổ 7, khu dân cư sổ 2 phường Phúc Xá nằm sau chợ Long Biên, sát chân cầu. Bác Nguyễn Ngọc Chiến, một người đã bám trụ ở đây mấy chục năm cho hay: “Nước máy khan hiếm, nước giếng thì tự đào không có kiểm định.  Người mắc bệnh hô hấp, đau bụng, dạ dày,… ở đây cũng nhiều hơn ở khu khác”.    

Khi loanh qoanh gần cống, tôi gặp một anh thanh niên có nước da sẫm màu đang ngồi nghỉ ngơi giữa những thùng xốp trên vỉa hè của con đường sau chợ. Qua cuộc trò chuyện, tôi được biết tên anh là Vũ Huy Tam, từ huyện Ân Thư, tỉnh Hưng Yên ra Hà Nội làm nghề chở hoa quả thuê tại chợ Long Biên vào những vụ nông nhàn; kể đó đến giờ đã được 7 năm. Hiện anh đang sống trong một căn phòng khoảng 10m² với sáu người lớn và hai đứa trẻ ngay sau chợ này với giá 500.000/tháng/người.

Anh tâm sự: “Trong nhà thì mùi người, ra ngoài thì ngột ngạt. Những ngày nắng mà ruồi nhiều thế này những ngày mưa có khi còn vơ được ruồi. Tội nhất là mấy đứa trẻ, để ở quê thì không ai trông, họ hàng cũng chỉ nhờ được vài bữa. Tiền đi nhà trẻ ở đây cũng đắt lắm” vừa nói, anh vừa chỉ hai đứa trẻ ước chừng 6, 7 tuổi đang ngồi xổm đùa nghịch trên con đường đầy vảy cá và ruồi nhặng. Anh nói thêm: “Người ở đây vẫn phải chịu qua ngày qua tháng, chứ mình là người từ nơi khác đến, mình không làm thì mình về thôi”.

Khi hoàng hôn buông xuống, tôi tạm biệt anh, xa dần bầu không khí nặc mùi để bước ra con đường bụi bặm. Anh Tam vẫn ngồi lặng lẽ nhìn ra hướng dòng nước và hai đứa trẻ vẫn đang vô tư chơi đùa.  

 Nguyễn Thị Quỳnh Trang

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm