Nhật Bản bắt đầu tiêm chủng ngừa Covid-19: Quá muộn cho Thế vận hội?

20/02/2021 15:49 GMT+7 | Thể thao

Nhật Bản đã khởi động chiến dịch tiêm chủng ngừa Covid-19, vài tháng sau khi Mỹ và các nền kinh tế lớn khác bắt đầu chiến dịch của họ. Việc tiêm chủng rộng rãi có thể là yếu tố quan trọng để tổ chức Olympic Tokyo 2021 vào tháng 7, có điều, niềm tin rất thấp về vaccine của người dân có thể là một trở ngại cho Nhật Bản.

Chủ tịch Ủy ban Olympic quốc tế Thomas Bach: Olympic Tokyo sẽ “an toàn và thành công”

Chủ tịch Ủy ban Olympic quốc tế Thomas Bach: Olympic Tokyo sẽ “an toàn và thành công”

Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) đang "tập trung hoàn toàn và cam kết tổ chức thành công và an toàn" Olympic Tokyo và Paralympic năm nay bất chấp đại dịch Covid-19.

 

Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới, đã khởi động chiến dịch tiêm vaccine ngừa virus corona vào thứ Tư vừa qua, vài tháng sau khi các nền kinh tế lớn khác bắt đầu tiêm phòng. Có điều, câu hỏi đặt ra là liệu nỗ lực này có tiếp cận đủ người, đủ nhanh để cứu lại Olympic mùa hè vốn đã bị đại dịch trì hoãn hay không.

Lo ngại

Ở đây, bất chấp sự gia tăng tỉ lệ lây nhiễm gần đây, Nhật Bản phần lớn tránh được những tác động lớn đã tàn phá nền kinh tế, mạng xã hội và hệ thống chăm sóc sức khỏe của các nước giàu có khác. Tuy nhiên, số phận của Thế vận hội và hàng tỷ USD đang bị đe dọa, khiến chiến dịch vaccine của Nhật Bản mang yếu tố sống còn. Các quan chức Nhật Bản cũng nhận thức rõ rằng Trung Quốc, nước đã thành công trong việc ngăn chặn virus, sẽ tổ chức Olympic mùa đông vào năm sau, và vì vậy, họ càng mong muốn biến Thế vận hội Tokyo trở thành hiện thực.

Có điều, việc triển khai tiêm phòng của Nhật Bản đã tụt hậu so với những nơi khác do chính phủ yêu cầu nhà sản xuất vaccine Pfizer tiến hành các thử nghiệm lâm sàng với người Nhật, bên cạnh các thử nghiệm đã được tiến hành ở sáu quốc gia khác. Để so sánh, hàng chục quốc gia đã chấp nhận kết quả thử nghiệm mà Pfizer công bố vào tháng 11 và tiến hành trước, trong khi Tokyo chờ đợi kết quả kiểm tra của Nhật Bản được thông qua vào cuối tháng 1 trước khi bật đèn xanh vào Chủ nhật vừa qua.

Tất cả quy trình này diễn ra trong hai tháng, nhanh hơn nhiều so với mức trung bình một năm của Nhật Bản, quốc gia vốn nổi tiếng là thận trọng và quan liêu. Nói vậy vì quy trình phê duyệt cho một nhà cung cấp khác, AstraZeneca, chỉ mới bắt đầu gần đây, trong khi nhà cung cấp thứ ba, Moderna Inc., vẫn chưa được thông qua ở Nhật Bản.

Chú thích ảnh
Nhật Bản đã khởi động chiến dịch tiêm chủng ngừa Covid-19

Cũng vì thế, dữ liệu bổ sung mà Nhật Bản yêu cầu là một phần trong nỗ lực giải quyết những lo lắng ở một quốc gia có độ tin cậy thấp về vaccine. Điều này giải thích tại sao việc miễn cưỡng đối với việc tiêm vaccine kéo dài - thường là vì lo ngại về các tác dụng phụ hiếm gặp - cũng như lo ngại về tình trạng thiếu vaccine nhập khẩu vẫn ám ảnh người Nhật.

Các nhân viên y tế cho biết, việc tiêm phòng sẽ giúp bảo vệ họ và gia đình của họ, còn các nhà lãnh đạo doanh nghiệp hi vọng chiến dịch tiêm phòng sẽ cho phép hoạt động kinh tế trở lại bình thường. Tuy nhiên, các chuyên gia lo ngại việc triển khai muộn sẽ không thể đạt được cái gọi là miễn dịch cộng đồng ở đất nước 127 triệu dân trước khi Thế vận hội bắt đầu vào tháng 7. Điều này sẽ khiến Nhật Bản gặp khó khăn trong việc xua đi nỗi sợ hãi - và thậm chí là sự phản đối hoàn toàn - ở người dân về kế hoạch đăng cai Thế vận hội. Được biết, khoảng 80% những người được thăm dò ý kiến ​​trong các cuộc khảo sát truyền thông gần đây đã ủng hộ việc hủy bỏ hoặc hoãn Thế vận hội.

Niềm tin không thay đổi

Bất chấp tất cả, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide và những thành viên trong chính phủ của ông tiếp tục thúc đẩy kế hoạch tổ chức Olympic, coi Thế vận hội là “bằng chứng về chiến thắng của con người trước đại dịch”.

Cũng phải nói rằng, Nhật Bản chưa từng chứng kiến ​​những đợt bùng phát lớn như Mỹ và nhiều nước châu Âu, nhưng số ca bệnh tăng đột biến trong tháng 12 và tháng 1 đã làm dấy lên lo ngại và dẫn đến báo động khẩn cấp một phần, trong đó có việc yêu cầu các nhà hàng và quán bar đóng cửa sớm. Ngoài ra, Thủ tướng Suga cũng phải chứng kiến ​​sự ủng hộ của ông giảm từ 70% xuống dưới 40% so với thời điểm ông nhậm chức vào tháng 9, khi nhiều người cho rằng ông đã quá chậm trễ trong việc áp đặt các quy định hạn chế và buông lỏng nỗ lực phòng chống dịch bệnh.

Chú thích ảnh
Cựu Thủ tướng Nhật Shinzo Abe và Chủ tịch IOC Thomas Bach

Hiện Nhật Bản đang chứng kiến ​tỉ lệ nhiễm ​trung bình là 1 ca nhiễm trên 100.000 người - so với 24,5 ở Mỹ hoặc 18 ở Vương quốc Anh. Theo số liệu của Đại học Johns Hopkins, Nhật Bản ghi nhận khoảng 420.000 trường hợp mắc và 7.000 trường hợp tử vong.

Được biết, khoảng 40.000 bác sĩ và y tá được coi là dễ bị nhiễm virus do họ điều trị cho bệnh nhân Covid-19 sẽ nằm trong nhóm đầu tiên dự kiến ​​được tiêm phòng bằng cách sử dụng các mũi do Pfizer và đối tác BioNTech có trụ sở tại Đức phát triển - sau khi vaccine được cơ quan quản lý Nhật Bản cấp phép vào Chủ nhật.

Tuy nhiên, việc Nhật Bản cấp phép vaccine như vậy vẫn là muộn so với nhiều quốc gia khác. Anh bắt đầu tiêm chủng vào ngày 8/12/2020 và đã tiêm ít nhất một mũi cho hơn 15 triệu người, trong khi Mỹ bắt đầu chiến dịch vào ngày 14/12 và khoảng 40 triệu người đã được tiêm. Ở nhiều quốc gia thuộc Liên minh châu Âu, vaccine đã được tiêm vào cuối tháng 12.

Theo Bộ trưởng Y tế Nhật Bản, Kono Taro, việc Nhật Bản chậm trễ là cần thiết để xây dựng niềm tin ở một quốc gia mà sự thiếu tin tưởng vào vaccine đã kéo dài từ nhiều thập kỉ. Ở đây, nhiều người có sự bất an mơ hồ về vaccine, một phần vì các tác dụng phụ của chúng thường được giới truyền thông đưa ra. Trong những năm 1990, chính phủ đã loại bỏ việc tiêm chủng bắt buộc sau khi một phán quyết của tòa án quy trách nhiệm cho các tác dụng phụ liên quan đến một trong số chúng. Và gần đây, Nhật Bản đã ngừng khuyến cáo sử dụng vaccine HPV sau khi các phương tiện truyền thông đưa tin về các tác dụng phụ, làm dấy lên lo lắng mặc dù vaccine được sử dụng rộng rãi ở nước ngoài như là biện pháp bảo vệ an toàn và hiệu quả đối với ung thư cổ tử cung.

Do vậy, một cuộc khảo sát gần đây của tờ Mainichi cho thấy, chưa đầy 40% số người được hỏi mong muốn được tiêm phòng virus corona ngay lập tức, trong khi khoảng 60% cho biết họ sẽ chờ xem.

Việc phát triển vaccine ngừa Covid-19 của Nhật Bản vẫn đang ở giai đoạn đầu, vì vậy quốc gia này, giống như nhiều nước khác, phải dựa vào các mũi tiêm nhập khẩu. Vì thế, Nhật Bản cũng lo ngại về vấn đề nguồn cung ở những nơi khác khi các nhà sản xuất phải vật lộn để theo kịp nhu cầu. Thủ tướng Suga Yoshihide hôm thứ Tư cũng thừa nhận tầm quan trọng của việc tăng cường khả năng phát triển và sản xuất vaccine, đồng thời cam kết sẽ hỗ trợ nhiều hơn.

Mạnh Hào

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm