Nhà văn Đỗ Hồng Ngọc: Mượn Kinh Phật nói về sức khỏe

30/08/2012 09:20 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Sáng qua 29/8 tại TP.HCM, nhà văn - bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc đã có buổi ra mắt tác phẩm mới Thấp thoáng lời Kinh (NXB Hội Nhà văn và Phương Nam book). Cuốn sách được viết dưới dạng tản văn về những điều được đề cập trong Kinh Phật dưới góc nhìn một chuyên gia y khoa.

Bác sĩ tâm lý Đỗ Hồng Ngọc dạy cách 'sướng' cho tuổi già

Bác sĩ tâm lý Đỗ Hồng Ngọc dạy cách 'sướng' cho tuổi già

NXB Văn hóa Văn nghệ và Phương Nam book vừa ấn hành "Già sao cho sướng"? của bác sĩ, nhà thơ Đỗ Hồng Ngọc. Làm sao “để có một tuổi già hạnh phúc?” sẽ được tác giả trả lời trong cuốn sách này.

Đã có rất nhiều sách nghiên cứu về đạo Phật cũng như có vô vàn tác phẩm văn chương mượn đạo Phật làm cảm hứng sáng tạo. Thấp thoáng lời Kinh của nhà văn Đỗ Hồng Ngọc cũng không nằm ngoài những tác phẩm như thế. Tuy nhiên, hàng ngàn năm nay, Kinh Phật vẫn luôn luôn mới thông qua cảm quan của từng người. Với Thấp thoáng lời Kinh, bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc đã nhìn thấy trong kinh Phật có nhiều vấn đề khoa học liên quan trực triếp đến nghề y của ông. Và đây chính là sự hấp dẫn của cuốn sách này.

BS Đỗ Hồng Ngọc trò chuyện cùng độc giả

Trong Kinh Phật có “khái niệm” “Tùng địa dũng xuất” (từ đất vọt ra), được Đỗ Hồng Ngọc lý giải rằng: “Nhìn kỹ lại mới thấy thân xác con người cũng từ đất vọt ra đó thôi. Ít nhất cái thân tứ đại đất, nước, gió, lửa cũng từ đất, tạng đất. Bởi trong cơ thể con người đã có 60-70% thể trọng là nước, có 60 nguyên tố, khoáng chất đều từ đất mà ra như đồng, chì, sắt, kẽm… Một người nặng 70kg đã có 10kg là calci (vôi), 7kg phospho, 1kg muối (natri)… Không “tùng địa dũng xuất” ư?”.

Vâng, con người “từ đất vọt ra” nên khi nói đến một kẻ tốt hay người xấu thường được gắn liền với hai từ “tâm địa”. Nhưng tâm địa hay đúng hơn là trạng thái cảm xúc, suy nghĩ và hành động như thế nào cũng đều liên quan trực tiếp đến sức khỏe bản thân. Đỗ Hồng Ngọc cho rằng: “Khi một vùng này của vỏ não được kích hoạt thì vùng kia bị ức chế. Thời đại của options (tùy chọn). Giận thì bầm gan tím ruột, tức thì đỏ mặt tía tai. Mất bao nhiêu là năng lượng, bải hoải tay chân, bao tử, tim mạch, huyết áp…”.

Kinh Phật dạy: “Buổi sáng đem thân mạng bằng số cát sông Hằng ra bố thí, buổi trưa lại đem thân mạng bằng số cát sông Hằng ra bố thí, buổi chiều cũng đem thân mạng bằng số cát sông Hằng ra bố thí…”. Thân mạng con người bao nhiêu mà “bố thí” nhiều vậy?

Dưới nhãn quan y học, Đỗ Hồng Ngọc cho rằng: “Cứ mỗi giây đồng hồ lại có vô số tế bào được… “bố thí” hay nói khác đi được hủy bỏ để thay thế bằng những tế bào khác, mới hơn, khỏe hơn”. Ồ, hóa ra ra vậy, “bố thí” có thể được hiểu cả trong Kinh Phật, trong y học và ở đời thường, rằng: Chúng ta cho đi chẳng những không mất mát gì, ngược lại còn được nhiều thứ “mới hơn, khỏe hơn”.

Dịp lễ Vu Lan (Rằm tháng Bảy Âm lịch) sắp đến, Thấp thoáng lời Kinh có lẽ là cuốn sách đáng để đọc về những lời Phật dạy thông qua nhãn quan y học của nhà văn Đỗ Hồng Ngọc. Khi Đức Phật so sánh nắm lá trong tay và lá trong rừng cái nào nhiều hơn với các Tỳ khưu, Đỗ Hồng Ngọc lý giải rằng: “Cái biết của Phật như lá trong rừng, còn cái Phật dạy cho các Tỳ khưu chỉ như vài chiếc lá trong tay”. Thật vậy, điều ta biết và hiểu về Kinh Phật cũng như “lá trong tay”, và Thấp thoáng lời Kinh như muốn góp thêm một chiếc lá vào tay bạn đọc.

Hoàng Nhân

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm