Nguyễn Ngọc Trọng – bàn tay vàng khảm tam khí

14/05/2010 11:33 GMT+7 | Người Hà Nội


Đệ nhất Hà thành khảm tam khí

Những năm 50 của thế kỷ trước, khi mới chỉ là cậu bé 10-12 tuổi, ông Trọng đã cùng hai người anh từ làng nghề gò đồng Đại Bái (Gia Bình, Bắc Ninh ngày nay) tìm đến đất kinh kỳ làm thuê cho những ông chủ Hà thành. Từ hiệu Đức Minh, Đức Thái đến hiệu Mỹ Trọng, Mỹ Chương ông đều đã từng làm qua.

Khi hoà bình lập lại, ông được làm việc ở Hợp tác xã Tinh Hoa, sau đó là Cty xuất nhập khẩu thủ công mỹ nghệ Artexport, nơi hội tụ rất nhiều người thợ tài năng của các làng nghề nổi tiếng như Đồng Xâm, Châu Khê, Đại Bái... Chính trong thời gian này, ông đã học tập được những tinh hoa nghề của các làng nghề có tiếng, làm phong phú thêm kiến thức nghề nghiệp của mình.

Cái tài hoa của người nghệ nhân chính là ở chỗ: không chỉ dừng lại ở việc gò đúc đồng theo truyền thống ông cha, ông Trọng đã đi sâu vào việc nghiên cứu, sáng tạo những sản phẩm thủ công mỹ nghệ đòi hỏi sự tinh xảo, tay nghề cao, thể hiện được tài năng và sáng tạo.

“Khảm tam khí là nghệ thuật phối kết ba loại kim loại quý trên đồ đồng. Đầu tiên vẽ mẫu phong cảnh, nhân vật, họa tiết trên sản phẩm đồng đúc rồi đục sâu các  mẫu đó. Khảm tam khí rất công phu, tốn rất nhiều thời gian, công sức. Nghệ nhân phải nện búa để tạo dáng rồi mài, dũa, đánh bóng để lên màu cho sản phẩm” – ông Trọng cho biết.

Hơn sáu mươi năm làm nghề, trình độ khảm tam khí, ngũ khí của ông Trọng đã đạt đến mức tinh xảo. Những sản phẩm đậm vẻ đẹp văn hóa dân tộc của nghệ nhân Nguyễn Ngọc Trọng đã làm vẻ vang nền thủ công mỹ nghệ Việt Nam trên thị trường trong nước và thế giới. Tác phẩm của ông luôn được đánh giá cao với đường chạm trau chuốt, nét gò điêu luyện. 

Tại Hội chợ toàn quốc 1986, ông giành được 3 huy chương vàng cho bộ cà phê chạm bạc – quai sừng, khay sơn mài. Năm 1994, tại Hội chợ Thủ công mỹ nghệ toàn quốc, sản phẩm đỉnh đồng khảm tam khí,  tượng Phật Bà khảm tam khí, tranh chạm đồng 4 tố nữ chơi nhạc đều đoạt huy chương vàng. Tại Tuần lễ Văn hóa Hà Nội - TP Toulouse (Pháp) 2007, tác phẩm cồng chiêng - đường kính 0,80m treo trên giá gỗ cao 1,60x1,30m làm từ đồng thau và mặt trống đồng Ngọc Lũ của ông đã được chọn để gióng lên trong lễ khai mạc.

Mỗi khi các vị lãnh đạo Việt Nam đi công tác nước ngoài, hoặc đón tiếp các nguyên thủ, phái đoàn quốc tế, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ... thường đặt ông làm những sản phẩm lưu niệm đặc biệt mang đậm đà bản sắc Việt.

Theo nghệ nhân Nguyễn Ngọc Trọng, để làm ra được những tác phẩm đạt đến trình độ tinh xảo như thế, người nghệ nhân không chỉ phải có đôi bàn tay tài hoa mà còn phải nghiền ngẫm thật lâu để nhập tâm cái hồn của nhân vật, đến khi cầm búa đưa nét chạm lên đồng thì cảm xúc cứ theo đó dẫn dắt người nghệ nhân sáng tác.

Sinh nghề, tử vì nghề

Lẽ thường, về hưu người ta thường dành thời gian để nghỉ ngơi nhưng với ông đây mới là lúc có nhiều thời gian làm nghề. Căn nhà nhỏ của ông  ở ngõ Tiến Bộ, Khâm Thiên vẫn ngày ngày vang lên tiếng búa, tiếng đe... Ông tâm sự: “Chân yếu rồi nhưng tay còn khỏe, mắt còn nhìn được thì vẫn còn làm được. Sinh nghề, tử vì nghề mà”.

Nghệ nhân Nguyễn Ngọc Trọng đã phát huy được những tinh tuý nghề nghiệp của tổ tiên, nâng nghệ thuật khảm tam khí, ngũ khí Việt Nam lên một tầm cao mới, đặc sắc hơn, phong phú hơn với chất liệu tre, trúc, đá, sơn mài...

Điều mà ông luôn tâm niệm là dù làm mặt hàng thủ công nào thì cũng phải luôn giữ được bản sắc văn hóa của dân tộc để qua đó thấy được nét đặc trưng văn hoá Việt. “Một tác phẩm thủ công mỹ nghệ đạt đến trình độ tinh xảo không chỉ thể hiện được sự khéo léo, tài năng của người nghệ sĩ mà cao hơn thế nó phải thể hiện được tinh hoa bản sắc của dân tộc”.

Chính vì lẽ đó những sản phẩm lưu niệm do ông chế tác thường là tranh phong cảnh tiêu biểu của đất nước, con người Việt Nam như Vịnh Hạ Long, Khuê Văn Các, thiếu nữ Hà Nội mặc áo dài, lễ hội cổ truyền, tố nữ, mặt trống đồng Đông Sơn....Mỗi món đồ thường được ông ấp ủ ý tưởng, kỳ công làm, có khi phải vài tháng mới xong.

Hướng tới đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, ông đang tích cực chuẩn bị một mẫu sản phẩm chạm khảm có đủ những danh lam thắng cảnh của Hà Nội như cầu Thê Húc, đền Ngọc Sơn, Tháp Rùa, Văn Miếu, Ô Quan Chưởng, cầu Long Biên... Ngoài ra ông còn thể hiện những danh lam của Hà thành trên mặt đĩa làm quà lưu niệm.

Sáu mươi năm lao động, sáng tạo không ngừng, nghệ nhân Nguyễn Ngọc Trọng đã nhận được 7 huy chương vàng, nhiều bằng khen, giấy khen của nhà nước và các tổ chức quốc tế trao tặng vì công lao trong lĩnh vực chạm bạc và khảm tam khí. Ông còn tự hào vì vẫn giữ được nếp "cha truyền con nối" trong nghề mà nhiều gia đình khác không làm được. Cậu con trai thứ của ông đã quyết tâm theo cha gìn giữ nghề tổ.

Hoàng Giang

Chú thích ảnh: Nghệ nhân Nguyễn Ngọc Trọng và chiếc chân nến khảm ngũ khí

Một sản phẩm mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm