Nguyễn Hoàng Điệp - Người thức đêm với hơn vạn trang sách về Thăng Long – Hà Nội

21/07/2010 20:49 GMT+7 | Người Hà Nội

Để hoàn thành được bộ sách đồ sộ về Thăng Long – Hà Nội phải có tâm huyết và một tấm lòng yêu quý mảnh đất ngàn năm văn hiến cũng như muốn đóng góp công sức cho sự hiểu biết của thế hệ mai sau, của rất nhiều người tham gia biên tập, biên soạn. Trong phạm vi bài viết này, tôi muốn đề cập tới sự miệt mài và tâm huyết của người Tổng thư ký bộ sách là ông Nguyễn Hoàng Điệp.

* Hà Nội tha thiết gọi tôi


Với chức danh Tổng thư ký bộ sách được làm trong thời gian 7 năm, trên một vạn trang sách, chỉ nói tới việc cần đọc, xem lại để tránh những sai sót đáng tiếc có thể xảy ra ở các khâu trước khi lên bản in đã là một việc làm quả là miệt mài, nhẫn nại. Nhưng với ông Điệp đâu có phải chỉ đọc và xem một lần mà chính ông phải trực tiếp xem đi, soạn lại, điều chỉnh nhiều lần, chẳng vậy mà khi nói về những nội dung đề cập trong sách ông có thể khái quát tương đối đầy đủ hơn cả bản mục lục.

Ông cho biết: từ việc đặt tên sách đến việc xác định nội dung bộ sách là cả một quá trình thao thức, trăn trở, suy ngẫm. Trước khi có tên bộ sách: Tổng tập nghìn năm văn hiến Thăng Long có ý kiến đặt tên là Toàn tập nghìn năm văn hiến Thăng Long, hoặc Tuyển tập nghìn năm văn hiến Thăng Long, nhưng văn hiến Thăng Long rất đa dạng, phong phú, bao la, rộng lớn, đâu sẽ là điểm dừng. Trên thực tế, cho tới nay, chưa có tác giả hoặc nhóm tác giả nào viết về văn hiến Thăng Long dưới dạng tổng hợp trên nhiều bình diện thì làm sao có thể gọi là Tuyển tập được. Do đó, tên gọi Tổng tập nghìn năm văn hiến Thăng Long là hợp lý, lôgic, phù hợp với nội dung hàm chứa trong đó.


Bốn cuốn tổng tập Nghìn năm văn hiến Thăng Long đã hoàn thành

Bộ sách được chia thành 28 phần: về mặt khoa học tự nhiên, con số 28 là biểu tượng cho 28 chòm sao trên bầu trời thiên văn, gọi là Nhị thập bát tú. Con số 28 là biểu tượng để tưởng nhớ tới đức vua Lê Thánh Tông, người sản sinh ra Bộ luật Hồng Đức, một vị vua hùng tài, đại lược sinh ra ở đất kinh thành Thăng Long, lập ra Tao đàn Nguyên Soái (gồm 28 vị văn nhân nổi tiếng và nhà vua là chủ soái của Tao đàn).

Để có nội dung cho 28 phần của cuốn sách, trên nền tảng, cơ sở tham khảo hơn 900 tác phẩm viết về Thăng Long Hà Nội (272 tác phẩm bằng chữ Hán, 246 bằng tiếng Pháp và 383 tác phẩm viết bằng tiếng Việt) cùng sự trích dẫn từ 2 vạn bài báo trong nước và quốc tế.

Để có được hơn 10.000 trang sách, ban thư ký và 2 ban biên tập phải xử lý trên 5 vạn trang bản thảo với phương châm biên tập “quý hồ tinh bất quý hồ đa” và để có được lượng thông tin, kiến thức chuẩn xác, những người tham gia không chỉ dừng lại việc đọc, khảo cứu để viết mà phải đi điền dã, khảo sát hàng nghìn địa điểm, địa danh để kiểm tra số liệu khi viết về lịch sử, di sản văn hoá với khoảng 200 chuyến đi theo nhóm, trên 30.000 km, còn các cá nhân cộng tác viên, tác giả thì đi nhiều vô kể. Nhưng thật cảm động khi biết rằng tất cả các chuyến đi đó, mọi người đều rút từ nguồn “ngân sách” đồng lương làm việc hoặc lương hưu trí, cũng bởi tất cả suy nghĩ rằng: “Hà Nội là của tôi. Chúng tôi làm vì tình yêu Hà Nội luôn cháy bừng trong trái tim, khối óc và Hà Nội tha thiết gọi tôi”.

* Trắng đêm với những trang in

Với Hội đồng biên soạn gồm 15 vị, Chủ tịch là giáo sư Đặng Vũ Khiêu và đồng Phó chủ tịch là giáo sư, viện sĩ Vũ Tuyên Hoàng, Thượng tướng, giáo sư Hoàng Minh Thảo, giáo sư Đào Nguyên Cát, phải có một tổ chức gồm 14 ban biên soạn chuyên môn với các chuyên gia, giáo sư đầu ngành, những người đã từng viết sách báo hoặc có các công trình nghiên cứu thuộc từng lĩnh vực. Ban thư ký giúp Hội đồng biên soạn điều hành cùng các ban biên tập, biên dịch của hai cơ quan Trung tâm dịch thuật, dịch vụ văn hoá và khoa học công nghệ thuộc Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam và Ban biên tập Bách khoa thư tri thức của NXB Văn hoá - Thông tin. Ban thư ký trở thành trung gian liên hệ giữa các tác giả và cộng tác viên (sửa chữa, biên tập bài, nhập dữ liệu, biên tập hình ảnh…)


Ông Nguyễn Hoàng Điệp xem lại các bản thảo cuốn sách


Người giữ vai trò Tổng thư ký với trách nhiệm nặng nề phải để mắt tới mọi việc, phải nhớ trong đầu việc gì đã làm và làm đến đâu, cần liên hệ với bộ phận hoặc cá nhân nào. Cứ như vậy, ông Nguyễn Hoàng Điệp trước ngồn ngộn tài liệu trên mặt bàn, có khi mắt đọc tài liệu, tai nghe điện thoại. Thế rồi có khi thoắt cái ông lại phải rời phòng làm việc tới các địa điểm cần thiết để trực tiếp trao đổi, bàn bạc từ trung tâm trên đường Láng tới NXB Văn hoá - Thông tin ở phố Lò Đúc hoặc tới nhà in Văn hoá phẩm. Những ngày in sách lại càng vất vả, bởi ông phải cùng thức với đội ngũ công nhân in ấn để kiểm tra, soát xét lại lần cuối từ các gam phối màu trên từng trang có tranh ảnh, tới các dòng chữ để đảm bảo độ chuẩn xác cho hơn một vạn trang sách ông Điệp đã thao thức hoặc thức trên 60 đêm tại nhà in.

Sách đã in xong, tưởng chừng ông có phần thư rỗi hơn, đến gặp, ông vẫn bận rộn và cho biết: việc công bố Tổng tập ngàn năm văn hiến Thăng Long là thành công của rất nhiều công sức đã làm, nhưng còn quá nhiều việc tiếp theo. Ông cho biết: sách đã in xong nhưng ngân sách để trả tiền nhuận cho tác giả cũng còn thiếu và đặc biệt là nợ đọng với Công ty in Văn hoá phẩm nhiều tỉ đồng, chúng tôi muốn có lời cảm ơn và giới thiệu bộ sách tới các ban, ngành, các cơ quan và đại diện các tác giả, cộng tác viên có nhiều công sức đóng góp cho tập sách. Cùng với thời gian ngày đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội đang đến gần, bộ sách rất cần được nối bản in thêm số lượng để phát hành rộng rãi, do đó rất cần tới sự giúp đỡ của nhà nước, của thành phố và các cơ quan chức năng để bộ sách đến được với số đông độc giả quan tâm tới văn hiến của kinh đô ngàn tuổi.

Duy Tường

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm