Không có đêm trên vĩ tuyến 17!

14/05/2009 17:51 GMT+7 | Một chuyến đi

(Bài dự thi) - Bây giờ, trên dặm đường thiên lý vào Nam ra Bắc nếu đi qua cầu Hiền Lương lịch sử vào những đêm dịu mát, du khách sẽ nhìn thấy hai bên bờ “sông tuyến” ngập tràn ánh sáng. Ánh đèn rực sáng nhìn ấm áp cả một vùng sông vốn là giới tuyến đã cắt chia bao nhiêu số phận con người và cả một dân tộc.

Không có đêm trên vĩ tuyến 17 - Trần Hoài
Bài viết này đã được chương trình Let’s Càphê của
Kênh truyền hình Let’s Việt - VTC9 giới thiệu vào ngày 10/03/2009


Ánh đèn lung linh soi rõ từng cơn nước ròng, nước lên. Những con sóng Hiền Lương hiền ngoan nhẹ nhàng vỗ bờ, lao xao…Hiền Lương, tên con sông được gọi như chính phẩm cách ngưòi Việt, người Quảng Trị – hiền dịu mà kiên cường. Thuở chiến tranh, câu chuyện ngày và đêm trên vĩ tuyến 17 là những huyền thoại sống về con người mà bây giờ chúng ta nhìn lại, bạn bè nhìn lại và cả những kẻ hôm qua là kẻ thù… cũng nhìn lại, bỗng vỡ oà chân lý: Con Người, phải, chính Con Người sẽ chiến thắng, nhất định sẽ chiến thắng!

Ngồi bên tôi trên chuyến xe tốc hành đêm ấy từ Bắc vào là một cô gái nhỏ. Xe qua Đồng Hới lúc nửa đêm, đường xa mệt mỏi, cô bé Hà Nội cứ dặn tôi rằng, khi nào đến gần Hiền Lương thì nhớ thức cô dậy để cô được nhìn ngắm con sông nổi tiếng mà thời chiến tranh cha của cô đã vượt qua một lần, đi mãi vào Nam chiến đấu. Rồi như một lẽ thường tình đến đau xót, cha của cô đã không vượt sông lần thứ hai từ phía ngược lại để trở về sau ngày chiến thắng.

Vậy mà khi đến Hiền Lương thì chính tôi lại ngủ quên, nhưng may thay cô bé như có linh cảm đã dậy trước. Cô bé kéo áo tôi: “Anh, dậy nhìn kìa, dòng sông sáng quá!”. Tôi nghển cổ, thò đầu qua cửa xe, gió vùng giới tuyến thổi vù vù qua vai, tôi thấy dòng sông hiện lên sáng trắng. Rồi cả ánh đèn cao áp thuỷ ngân trên chiếc cầu bê tông mới hiện lên một cầu vồng ánh sáng trong mắt tôi, ánh sáng xanh dịu toả ra từ rừng đèn nê ông vây quanh cơ man là ao, hồ nuôi tôm xuất khẩu suốt hai bên bờ sông của người dân Vĩnh Thành, Vĩnh Giang, Hiền Lương giới tuyến. Đó là anh Thành, anh Công, anh Diệm, anh Sỹ – những nông dân trẻ vùng giới tuyến nuôi tôm giỏi, mỗi năm thu lãi hàng trăm triệu đồng. Họ chính là con cháu của những dân quân “Luỹ thép Vĩnh Linh”, “ăn cơm bờ Bắc, đánh giặc bờ Nam” năm xưa. Ngày ấy, giữa những trận chiến đấu ác liệt với máy bay, tàu chiến, gián điệp, biệt kích Mỹ, trong chồng chất hi sinh, những “eng”, những “o” dân quân dũng cảm tay súng tay cày Vĩnh Linh đâu có ngờ rằng mai này con cái họ sẽ đào hồ nuôi tôm xuất khẩu trên chính thửa đất mà bây giờ họ đào công sự, trận địa chiến đấu.
 

Sông Hiền Lương trong đêm hoa đăng kỷ niệm ngày chiến thắng 30/4
 
Rồi lại càng không thể ngờ nổi chính con tôm sinh trưởng trên mảnh đất dày đặc mảnh bom, mảnh đạn này sẽ được đóng hộp xuất sang Mỹ – cái nước xa xôi bên kia trái đất đang mang bom mang đạn dội xuống đất này, huỷ diệt sự sống của họ? Nghe anh Thành kể rằng khi xây dựng hồ tôm theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, đã đào trúng mấy quả bom tấn, bom tạ, phải báo cho bộ đội công binh của Bộ chỉ huy quân sự tỉnh đến gỡ… Không ai có thể ngờ rằng từ cái chỗ mấy quả bom Mỹ nằm phục kích thì con tôm sú Vĩnh Linh quẫy động, sinh sôi, lớn nhanh như thổi rồi lên đường… sang Mỹ để thu về đô - la cho Tổ quốc. Tất cả đều từ bàn tay, trí óc và lòng dũng cảm của những người trẻ tuổi giới tuyến hôm nay.

Những năm chiến tranh trên vùng đất này chẳng có đêm nào vắng tiếng bom đạn, ánh chớp bom giật, pháo bầy rền vang, ánh chớp đầu nòng bắn trả từ tất cả các thứ vũ khí bộ binh, pháo binh và cả từ ánh mắt căm hờn của người vĩ tuyến toả ánh sáng cho đêm thành ngày, và những đêm hoà bình như đêm nay cũng là ánh sáng nhưng là thứ ánh sáng bình yên lắm và ngập tràn kỳ vọng, đó chính là ánh đèn điện công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong vận hội làm ăn mới của nông dân vùng giới tuyến xoá đói giảm nghèo, tiến tới làm giàu trên vùng đất vốn nhiều đau thương và nước mắt.

Xe tốc hành của chúng tôi vượt qua cầu Hiền Lương trong không đầy hai giây đồng hồ, ánh đèn pha chiếu sáng trắng quãng đường trước mặt phía bên cầu bờ Nam… Không có đêm trên vĩ tuyến 17! – Cô bé Hà Nội thì thầm rất nhỏ. Tôi hỏi: Cô bé là sinh viên văn khoa? – Không, em học ngành mỏ - địa chất. Em đi thực tế Quảng Trị lấy tài liệu về vùng cát Đại Trường Sa cho luận văn tốt nghiệp…

Cô bé về Quảng Trị, nơi cha của cô đã từng chiến đấu và hi sinh, cô sẽ tìm trong cát bụi Quảng Trị những điều cần thiết cho luận văn của cô, tìm mộ chí người cha thân yêu cô chưa một lần biết mặt đang nằm đâu đó trong bạt ngàn nghĩa trang liệt sỹ, đang nằm êm ấm trong lòng đất Quảng Trị. Những đêm Quảng Trị gió Lào vùn vụt sắp tới của cô sẽ là những đêm thao thức… Và cô sẽ thấy ở nơi vùng giới tuyến này, không chỉ con người mà mỗi hạt cát, gốc cây, ngọn cỏ cũng đang quẫy động trở mình thao thức. Nơi vĩ tuyến 17 chưa bao giờ có đêm!

Trần Hoài

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm