Giám đốc WTA Finals Melissa Pine: Châu Á rất giàu tiềm năng quần vợt

05/11/2015 05:31 GMT+7 | Tennis

(Thethaovanhoa.vn) - Năm thứ hai liên tiếp, Singapore tổ chức thành công WTA Finals, giải đấu quy tụ 8 tay vợt nữ xuất sắc nhất năm. Dưới đây là trao đổi của phóng viên báo Thể thao & Văn hóa với Giám đốc giải đấu, bà Melissa Pine.

Không chỉ giữ chức vụ Giám đốc WTA Finals, bà Melissa Pine hiện còn là phát ngôn viên của WTA, đồng thời là Phó Chủ tịch WTA phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Châu Á có tiềm năng phát triển quần vợt

* Doha (2008-2010), Istanbul (2011-2013), và giờ là Singapore (2014-2018) vinh dự đăng cai WTA Finals. Tại sao những năm gần đây, WTA lại hướng tới châu Á, thưa bà?

- Chiến lược của chúng tôi bắt đầu từ năm 2008 với việc mở văn phòng tại Bắc Kinh, nhằm hỗ trợ cho 1 trong những giải đấu lớn nhất, China Open. Trong số 55 giải đấu năm nay, có 23 giải tổ chức ở châu Á - Thái Bình Dương, chiếm 40% lịch thi đấu WTA.

Có nhiều tiềm năng để tennis phát triển tại đây và Singapore là một phần chiến lược của kế hoạch này. Với những VĐV xuất sắc nhất thế giới của quá khứ, hiện tại, và tương lai, các fan ở Đông Nam Á đã có thể thỏa mãn tình yêu quần vợt. Có thể thấy rõ đam mê ấy qua số lượng khán giả tăng đột biến. Còn với WTA Future Stars, tôi cũng chứng kiến nhiều tài năng trẻ rất hứa hẹn và gặp những tổ chức sẵn sàng hỗ trợ môn thể thao này.

* Xin bà đánh giá vài nét về sự chuẩn bị của chủ nhà Singapore tại giải năm nay. Số lượng khán giả so với các giải ở Doha và Istanbul?

- Rất khó so sánh WTA Finals ở nước này với nước kia vì các thị trường là khác nhau. Năm đầu ở Singapore, chúng tôi đã phá vỡ kỷ lục 129.000 khán giả, vốn đứng vững từ năm 2000 tại Madison Square Garden (New York). Công tác chuẩn bị ở giải năm nay được bắt đầu từ khi... giải năm ngoái chưa kết thúc. Với số lượng khán giả khổng lồ trong 10 ngày qua, tôi có thể khẳng định WTA Finals 2015 lại là một giải thành công. Chúng tôi sẽ nỗ lực để duy trì và phát huy hơn nữa vào năm 2016.

Đã có một thế hệ sẵn sàng tiếp bước Serena

* WTA Rising Star và Future Star chỉ đơn thuần là những giải mời hay là cơ hội của các tay vợt trẻ. Vai trò của Li Na như thế nào, thưa bà?

Đó là hai phát kiến được áp dụng từ năm ngoái. WTA Rising Star Invitational là giải đấu cho 4 tay vợt U23, 2 từ châu Á - Thái Bình Dương, 2 từ phần còn lại của thế giới và được quyết định bởi phiếu bầu của các fan trên khắp hành tinh. Năm nay, chúng tôi thu thập tới 2 triệu lượt bầu chọn từ 137 quốc gia thông qua mạng xã hội. Sau 4 ngày thi đấu, Naomi Osaka là nhà vô địch ở nội dung này.

WTA Future Stars là chương trình phối hợp với bộ Thể thao Singapore và dành cho lứa U14 và U16. Năm nay, có 17 quốc gia tham dự và mức độ cạnh tranh cũng rất cao. Nhưng quần vợt không đơn giản chỉ là những màn so tài trên sân. Chúng tôi muốn các em xây dựng tình bạn, học hỏi về tinh thần thể thao, và chia sẻ đam mê cùng những bạn cùng trang lứa từ những quốc gia khác.

Sau khi Li Na giải nghệ năm ngoái, chúng tôi thấy rằng không có ai thích hợp hơn cô ấy cho vị trí đại sứ của WTA Future Stars. Cô ấy đã gặp gỡ các tài năng trẻ, chia sẻ với họ về sự nghiệp nhà nghề, cho lời khuyên hữu ích.

* Sự vắng mặt của Serena ảnh hưởng thế nào đến WTA Finals? Có phải giải đấu đã cân bằng, giàu tính cạnh tranh hơn. Theo bà, bản đồ WTA ở thời kỳ hậu Serena sẽ thế nào?

- Serena đã trải qua một năm quyệt vời và thật tiếc là cô ấy không thể góp mặt ở Singapore. Tuy nhiên, sức khỏe là ưu tiên hàng đầu, chúc cô ấy chóng hồi phục.

Tại giải năm nay, các trận vòng bảng đã diễn ra dài, căng thẳng, và các tay vợt đã phải chiến đấu hết sức mình. Trận chung kết là màn so tài giữa hai tay vợt có phong cách trái ngược nhau. Sau 3 set căng thẳng, Radwanska đã giành danh hiệu lớn nhất trong sự nghiệp, và sự xúc động của cô ấy chứng tỏ nó rất ý nghĩa với các tay vợt.

Serena là biểu tượng cho thành công, nhưng chúng tôi là không xây dựng dựa trên một tay vợt nào cả. WTA có một nền tảng vững chắc để nuôi dưỡng và phát triển bất cứ tài năng khi họ nổi lên. Giờ đây, có một thế hệ mới sẵn sàng đón ngọn đuốc soi đường, đó là Simona Halep, người có lượng fan khổng lồ tại Singapore, và Garbine Muguruza, người vừa leo lên hạng 3 thế giới, cao nhất trong sự nghiệp.

“Thật tuyệt nếu Việt Nam muốn đăng cai một giải WTA”

* WTA đã làm gì để quảng bá về WTA Finals nói riêng và quần vợt nói chung ở Singapore cũng như các nước Đông Nam Á khác, vốn vẫn mê bóng đá hơn?

- Lần đầu tiên trong lịch sử WTA Finals, chúng tôi mở trụ sở ở đây, và kéo dài hợp đồng từ 3 đến 5 năm. Cam kết của WTA là phát triển môn thể thao này ở Singapore, Đông Nam Á và châu Á-Thái Bình Dương. Xâm nhập thị trường này, chúng tôi cần quan hệ chặt chẽ với các đối tác, nhà tài trợ và cả các liên đoàn quần vợt địa phương.


Huỳnh Phương Đài Trang tay vợt nữ số 1 Việt Nam

Một trong những cách nâng cao nhận thức về quần vợt là chương trình WTA Future Stars. Chúng tôi đã đến Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines và Ấn Độ để tìm kiếm các tay vợt trẻ, tạo điều kiện để họ gặp gỡ các ngôi sao, cho lời khuyên và lắng nghe các liên đoàn quần vợt địa phương. Chúng tôi muốn tạo ra một chương trình có thể để lại di sản cho sự phát triển của quần vợt khu vực.

* Việt Nam vừa tổ chức thành công giải ATP Challeger tại thành phố Hồ Chí Minh. Đó có phải tiền đề để đăng cai những sự kiện quần vợt khác. Chúng tôi cần làm những gì để mang một giải đấu quốc tế nữ đến đây?

- Thật tuyệt khi Việt Nam muốn đăng cai một giải đấu WTA. Tôi nghĩ với giải WTA Finals ở Singapore, vị thế của quần vợt nữ đã tăng đáng kể. Bằng chứng là chúng tôi đã gặp khá nhiều quốc gia cũng muốn đăng cai các giải đấu.

Có một số yếu tố mà các bạn cần đáp ứng để đăng cai một giải WTA, chẳng hạn như thời điểm tổ chức phải phù hợp với lịch đấu hiện nay, cần sự hỗ trợ của các đối tác và nhà tài trợ, và tất nhiên, cơ sở hạ tầng phải sẵn sàng. Chúng tôi luôn sẵn sàng thảo luận về việc đăng cai các sự kiện của WTA và tạo cơ hội cho các tay vợt đua tranh.

* Việt Nam từng có những tay vợt trong Top 1000 WTA (Nguyễn Thùy Dung 612, Huỳnh Phương Đài Trang, 876) nhưng hiện tại không có một đại diện nào trên BXH. Họ không thể thi đấu chuyên nghiệp vì không có HLV giỏi và gặp vấn đề về tài chính. Làm thế nào để cải thiện tình trạng này, thưa bà?

- Li Na trở thành tay vợt châu Á thành công nhất trong lịch sử với 2 Grand Slam, và đó không phải thành công được gây dựng trong một đêm. Bên cạnh tài năng, điều quan trọng là phải có sự đầu tư vào tập luyện, cơ sở vật chất, chính sách, chính quyền và sự ủng hộ của cộng đồng nữa. Phải có những nhân tố ấy, một tài năng mới có thể tìm kiếm thành công trên đấu trường quốc tế.

Việc tổ chức các giải đấu có thể xây dựng một hệ sinh thái thể thao tích cực, khuyết khích và hỗ trợ mọi người, tạo mối tương quan giữa số lượng các giải đấu và sự phát triển quần vợt tại đó. Ngay cả khi giải đấu đã kết thúc, bạn vẫn phải duy trì tốt những cơ sở hạ tầng để tiếp tục phát triển tài năng trẻ cũng như thúc đẩy cộng đồng. Đó là những bước đi nhằm xây dựng một nền tảng vững chắc và sản sinh ra những VĐV thành công.

* Xin cảm ơn bà!

Phương Chi (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm