Đua Công thức 1: Tranh cãi quanh việc tổ chức F1 ở Saudi Arabia

09/11/2020 19:09 GMT+7 | Tốc độ

(Thethaovanhoa.vn) - Trong khi phần còn lại của thế giới đều chú ý đến cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ, thì giải đua xe Công thức 1 (F1) đã công bố một chặng đua mới cho năm 2021: Saudi Arabian Grand Prix, chặng đua đêm thứ hai trong lịch F1 sau Grand Prix Singapore.

Hủy bỏ chặng đua F1 Việt Nam: Quyết định dũng cảm và hợp lý!

Hủy bỏ chặng đua F1 Việt Nam: Quyết định dũng cảm và hợp lý!

Ngày 16/10/2020, UBND TP. Hà Nội, Công ty TNHH Hiệp hội Thể thao Xe động cơ (VMA) và Công ty TNHH Việt Nam Grand Prix (VGPC) chính thức thông báo hủy chặng đua xe Công thức 1 tại Việt Nam năm 2020 sau nhiều thảo luận với Liên đoàn Ô tô quốc tế (FIA) và Tập đoàn Formula 1.

Quyết định này đã gây ra khá nhiều tranh cãi và đặc biệt là phản ứng từ các tổ chức nhân quyền.

Vừa đấm…

Các nhóm nhân quyền đã lên án việc F1 quyết định tổ chức một chặng đua ở Saudi Arabia. Lí do là hồ sơ nhân quyền của quốc gia này đã bị Tổ chức Ân xá Quốc tế mô tả là "ghê tởm" và họ cùng Tổ chức Theo dõi Nhân quyền bình luận động thái của F1 như là một nỗ lực trắng trợn nhằm “tẩy rửa thể thao” và “hợp pháp hóa chế độ đàn áp” của chính phủ Saudi Arabia.

Theo thỏa thuận, chặng đua đêm diễn ra trên đường đua phố ở Jeddah là chặng áp chót của mùa giải. Dự kiến hợp đồng giữa F1 và Saudi Arabia sẽ kéo dài 10 năm, trong đó có việc để chặng đua được tổ chức sau đó ở bên ngoài Riyadh từ năm 2023.

Minky Worden, giám đốc giám sát thể thao của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, đã lên án mạnh mẽ quyết định của F1. “Các cơ quan thể thao như F1 và Liên đoàn xe thế giới (FIA) không thể bỏ qua thực tế là họ và người hâm mộ đang được sử dụng để tẩy rửa thể thao,” bà nói. “Đây là một phần của chiến lược bất chấp tất cả nhằm làm xao lãng tình trạng vi phạm nhân quyền, giam giữ và tra tấn những người bảo vệ nhân quyền và các nhà hoạt động vì quyền phụ nữ của Saudi Arabia”.

Chú thích ảnh
Việc tổ chức một chặng đua đêm của F1 vào năm tới ở Saudi Arabia đang gây ra nhiều phản ứng trái chiều

Bà nói tiếp: “F1 đã đưa ra các cam kết về nhân quyền và nên giải thích cách hoạt động của công ty sẽ cải thiện nhân quyền ở Saudi Arabia. Các nhân viên F1 có sử dụng các cuộc đàm phán của họ với các nhà lãnh đạo Saudi Arabia để vận động trả tự do cho các nhà hoạt động vì quyền của phụ nữ mà tội duy nhất của họ là ủng hộ quyền lái xe hay không? Người hâm mộ, giới truyền thông và các đội đua nên tận dụng thời điểm này để nói rằng môn thể thao của họ không nên gắn liền với tình trạng vi phạm nhân quyền nghiêm trọng như vậy”.

Thực tế, F1 đã cam kết công khai về quyền bình đẳng trong năm nay, đưa ra sáng kiến “we race as one” nhằm thúc đẩy tính toàn diện và đa dạng giữa chủng tộc, giới và tình dục trong môn thể thao này. Tuy nhiên, vào tháng 11 năm ngoái, Tổ chức Ân xá quốc tế đã lên án một thông báo do cơ quan an ninh nhà nước của Saudi Arabia đưa ra phân loại chủ nghĩa nữ quyền, đồng tính luyến ái và chủ nghĩa vô thần là "những ý tưởng cực đoan".

Giám đốc Trung Đông và Bắc Phi của Tổ chức Ân xá quốc tế, Heba Morayef, đã xem đó là một dấu hiệu rõ ràng về bản chất thực sự của chế độ. “Thông báo của cơ quan an ninh nhà nước Saudi Arabia, trong đó coi chủ nghĩa nữ quyền, chủ nghĩa vô thần và đồng tính luyến ái là những tư tưởng cực đoan có thể bị phạt tù và nói xấu là hành động thái quá - rõ ràng mâu thuẫn với hình ảnh cải cách không có thật của vương quốc mà thái tử Mohammed bin Salman tiếp tục phô trương trên trường quốc tế”.

Felix Jakens, người đứng đầu các chiến dịch của Tổ chức Ân xá Vương quốc Anh, đã kêu gọi các đội đua và tay đua lên tiếng: “Với những người chỉ trích chính phủ hoặc bị bỏ tù, bị lưu đày hoặc bị giam giữ trong im lặng, các nhà chức trách Saudi Arabia đã theo đuổi cách tiếp cận hai mặt nhằm phá vỡ nhân quyền, trong khi ném ra một số tiền lớn tại các sự kiện thể thao hào nhoáng.

“Điều trớ trêu cay đắng đối với giải Saudi Grand Prix là chính những người đấu tranh cho quyền được lái xe của phụ nữ Saudi Arabia lại đang phải ngồi tù. Những người dũng cảm như Loujain al-Hathloul và Nassima al-Sada. Vì thế, trước chặng đua, chúng tôi muốn nói với các tay đua F1, chủ sở hữu và các đội đua rằng, họ nên giới thiệu tóm tắt về tình hình nhân quyền nghiêm trọng trong nước và sẵn sàng lên tiếng về hoàn cảnh của Loujain, Nassima và những người khác".

… vừa xoa

Khi được hỏi vào tuần trước về triển vọng của một chặng Grand Prix ở Saudi Arabia, tay đua Lewis Hamilton, người luôn lên tiếng vì sự đa dạng và bình đẳng ở F1, cho biết anh sẽ cần phải tìm hiểu thêm về tình hình chính trị tại Saudi Arabia trước khi đưa ra phán quyết. Nên nói thêm là ở chặng Emilia Romagna Grand Prix mới đây, nhà vô địch thế giới người Anh đã mặc một chiếc áo phông Black Lives Matter có ghi “Quyền của phụ nữ là quyền của con người”.

Saudi Arabia đã nỗ lực phối hợp để tổ chức các sự kiện thể thao lớn trong những năm gần đây, trong đó có các giải Công thức E và trận quyền Anh tranh đai hạng nặng thế giới giữa Anthony Joshua và Andy Ruiz Jr. Siêu Cúp Tây Ban Nha cũng được tổ chức tại Jeddah và hồi tháng 2, cuộc đua ngựa giàu nhất thế giới, Saudi Cup, đã được tổ chức tại thủ đô. Chưa hết, Quỹ tài sản có chủ quyền của Saudi Arabia gần đây đã thất bại trong nỗ lực mua lại Newcastle ở giải Premier League.

Trong khi đó, F1 đã mất một lượng lớn thu nhập trong mùa giải này do nhiều chặng đua bị hủy bỏ và các chặng đua phải diễn ra sau những cánh cửa đóng kín. Vì thế, khoản phí 50 triệu USD mà Saudi Arabia phải trả để tổ chức một chặng đua sẽ giúp F1 bù đắp phần nào ngân sách.

Hiện tại, lịch đua vẫn chưa được Hội đồng Thể thao Mô tô Thế giới phê chuẩn, nhưng lịch trình 23 chặng F1 của năm 2021 dự kiến ​​sẽ được ký kết trong những tuần tới.

Mạnh Hào

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm