Chuyến đi ấy, tôi "gặp" hai liệt sĩ

14/05/2009 17:41 GMT+7 | Một chuyến đi

(Bài dự thi) - Chuyến công tác của tôi về quê lúa Thái Bình lần ấy đã trở thành kỷ niệm khó quên trong cuộc đời quân ngũ của mình, bởi tôi đã gặp những người anh, người chú từng một thời vào sinh ra tử, từng xông pha nơi chiến trận và từng là nỗi tiếc thương của họ hàng, người thân, bạn bè.... Một ngày, họ trở về với những giọt nước mắt lăn dài trên má. Người thân của họ thì nức nở không tin dù đó là sự thật....

Lần ấy, tôi và các đồng nghiệp trở về Thái Bình để khảo sát những trường hợp tồn đọng chính sách sau các cuộc kháng chiến. Thật ngẫu nhiên khi tới làm việc tại địa bàn huyện Kiến Xương, thấy ở đây có một con số thống kê khá "độc đáo, đó là toàn huyện có tới 22 trường hợp quân nhân đã được công nhận liệt sỹ nhưng sau đó họ lại... khoác balô trở về. Có thể nói, chiến tranh đã tạo nên sự trớ trêu của số phận, và sự khốc liệt, tàn bạo của cuộc chiến cũng làm cho những câu chuyện "khó tin" có lý do để tồn tại.

Tôi tìm gặp "liệt sĩ" Đỗ Đình Goòng ở thôn 4, xã Vũ Quý khi ông đang trông cháu nội tại nhà. Gợi lại những kỷ niệm trong cuộc chiến đã diễn ra cách đây hơn 3 thập kỷ, người cựu chiến binh đã bước qua tuổi 60 ấy tươi cười đem ra "khoe" với chúng tôi tấm bằng "Tổ quốc ghi công" ghi tên mình. Tấm bằng đã được ông cẩn thận ép plastic, ông bảo hồi về nhà, ông đã báo cáo với các cấp chính quyền để cắt tất cả các chế độ liên quan, chỉ xin giữ lại mỗi tấm bằng này để... làm kỷ niệm.

Theo lời ông tâm sự, ông bị thương và bị địch bắt làm tù binh nên mất liên lạc với đơn vị, đến khi về trại an dưỡng ông mới tìm cách liên lạc về nhà. Năm 1976, trở về gia đình, ông mới biết mình đã "hy sinh" tới... 4 năm. Được trở về, dù với thân thể không còn nguyên vẹn, nhưng với ông thế đã là may mắn hơn rất nhiều những anh em đồng đội khác. Nghe lời ông kể, tôi đã hình dung ra niềm vui của những người thân trong gia đình ngày ấy, bởi ông là con trai duy nhất trong gia đình. Nhưng ông đã xin gia đình mình đừng tổ chức liên hoan, ăn uống vì nhiều lý do. Tôi nghĩ ông làm thế là đúng, bởi khi ấy đất nước mình vừa mới hết chiến tranh, nỗi đau trong từng gia đình vẫn chưa nguôi ngoai, bây giờ người này vui một thì người khác sẽ buồn gấp mười...
 
"Liệt sĩ" Goòng chỉ cho đồng đội xem những vết thương do địch tra tấn..
 
Trường hợp của ông Goòng cũng giống như trường hợp của "liệt sĩ" Nguyễn Văn Rượng (xã Vũ Công, huyện Kiến Xương). Tháng 9 năm 1973, khi ông đang bị giam trong nhà tù Mỹ - Ngụy thì gia đình nhận được giấy báo tử của đơn vị với những dòng thông báo: "Đồng chí Nguyễn Văn Rượng đã hy sinh ngày 3-6-1969 tại Mặt trận phía Nam. Đơn vị đã mai táng tại khu vực riêng gần Mặt trận". Tháng 9 năm trước nhận được giấy báo tử thì tháng 7 năm sau ông khoác balô về làng.
 
CCB Nguyễn Văn Rượng: "Tôi vẫn giữ tờ giấy báo tử của mình làm kỷ niệm"

Sau chiến tranh, được trở về với người thân và sinh sống ở quê hương là một may mắn lớn, đó là tâm sự của cả hai "liệt sĩ", những người tưởng như đã vĩnh viễn nằm lại nơi chiến trường. Gặp lại người thân, ai nấy đều mừng vui, rạng rỡ, nhưng mắt ai cũng đỏ hoe. Với họ, đó quả là một niềm vui lớn, một niềm vui bất ngờ, nhưng khi đón nhận niềm vui ấy cũng là lúc những ông bố, bà mẹ nhớ lại thời đi mình đau đớn, vật vã khi nhận được tin đứa con mình rứt ruột đẻ ra không trở về. Khi ấy, chẳng ai có thể đong đếm được nỗi đau của họ khi biết tin người thân của mình hy sinh ngoài mặt trận. Lần trở về này, cái vết thương tưởng chừng đã "lành sẹo" kia lại tiếp tục tấy lên, để rồi sẽ không bao giờ làm họ đau đớn thêm nữa...

Sau chuyến công tác dài ngày tới quê lúa, tôi lại thầm mong ở đâu đó những sự may mắn lại đến với đồng đội mình, để danh sách những "liệt sĩ" còn sống trở về như ở Kiến Xương sẽ càng dài thêm lên, và khi về nhà, các anh và những người thân sẽ lại cầm trên tay những tấm giấy báo tử, những tấm bằng "Tổ quốc ghi công"... như những vật kỷ niệm bị ghi nhầm họ tên, ngày tháng....

Bùi Minh Tuệ
 
Bài viết này đã được chọn đăng trên
Báo Thể thao & Văn hóa Hàng ngày - Số 72 - Thứ Sáu 13/3/2009

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm