Chỉ đạo đưa Vovinam vào dạy trong trường học: Kẻ khóc, người cười

30/07/2010 11:49 GMT+7 | Thể thao

(TT&VH) - Ngày 21/7/2010 ông Ngũ Duy Anh - Vụ trưởng vụ Học sinh - sinh viên - Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) ban hành công văn số 4267/VHSSV-BGD&ĐT gửi các Sở GD & ĐT các tỉnh, yêu cầu phối hợp với Liên đoàn Vovinam Việt Nam và các địa phương, đưa bộ môn võ này vào dạy trong toàn bộ hệ thống nhà trường phổ thông và đại học, cao đẳng trên toàn quốc. Sự kiện này làm bùng nổ các ý kiến trái chiều và e ngại làm ảnh hưởng tới tính đa dạng trong văn hóa, bởi võ thuật chính là một bộ phận cấu thành nền văn hóa mỗi quốc gia. TT&VH đăng bài viết của tác giả Đào Công và các ý kiến tác giả thu thập. Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

Vovinam có phải là Quốc võ?

Theo dòng sự kiện, chúng tôi tìm hiểu về nguồn gốc của môn phái võ Vovinam. Trên trang web của Liên đoàn Vovinam Việt Nam , được biết võ phái này mới thành lập từ năm 1938, do võ sư Nguyễn Lộc kết hợp giữa võ thuật Trung Quốc và kỹ thuật vật vùng Sơn Tây (Việt Nam ) sáng chế ra. Trong quá trình phát triển, môn võ này du nhập thêm các kỹ thuật của nhiều môn võ khác.
Các võ sĩ Vovinam trong một bài thi biểu diễn - Ảnh: Hồng Long
 Trong những năm gần đây, Vovinam có sự phát triển mạnh ở các nước có cộng đồng người Việt sinh sống, đã thành lập được Liên đoàn cấp quốc gia, từng bước tham gia vào hệ thống thi đấu khu vực. Đây là điều đáng mừng, vì thể thao nước nhà có nhân tố mới, với sinh khí mới, góp phần đưa thể thao trong nước hội nhập khu vực và quốc tế. Cũng chính vì sự khởi sắc, phát triển của Vovinam thời gian qua, mà có ý kiến chọn bộ môn võ này là “Quốc võ”!.
Vấn đề này khi đưa ra cũng đã gặp phải rất nhiều ý kiến phản biện, nhất là tại các bộ môn võ thuật cổ truyền, các chuyên gia về lịch sử, văn hóa.

Qua tham vấn các chuyên gia nội dung thuộc “Dự án số hóa di sản văn hóa” - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; các nhà khoa học thuộc “Viện Việt Nam học và khoa học phát triển”, quan điểm chung là có hai tiêu chí để lựa chọn một bộ môn võ thuật nào đó là “Quốc võ” - với tư cách là bộ môn đại diện cho nền võ thuật của một quốc gia.

Một là, phải được sinh ra từ dân tộc và có thời gian tồn tại lâu dài (có thể hàng trăm, hàng nghìn năm) trong lòng dân tộc đó, đồng thời phải có những đóng góp lớn vào sự nghiệp dựng nước và giữ nước qua các thời kỳ, triều đại.
Dạy võ Nhất Nam tại trường học ở Yên Bái
Hai là, phải mang đậm bản sắc của dân tộc đó, nghĩa là phải thuần nhất là của dân tộc đã sản sinh ra nó, không được pha tạp, lai căng với võ thuật ngoại bang. Điều này đòi hỏi môn võ đó phải có hệ thống lý luận về tâm pháp, yếu pháp, môn công, y võ…đồ sộ, toàn diện, mang đậm tính riêng có được đúc kết qua hàng ngàn đời của dân tộc đó.

Trở lại với câu chuyện VOVINAM, nếu căn cứ theo tiêu chí bề dày lịch sử, có công lao với đất nước và tính truyền thống đặc dị, thì môn này không phải là “Quốc võ”. So với truyền thống hàng trăm năm của võ Tây Sơn - Bình Định, của võ Hét miền Thanh - Nghệ (Nhất Nam ) và nhiều võ phái khác, thì môn VOVINAM là phái võ trẻ. Thời gian chưa đủ nhiều để kiểm chứng tính khoa học của nó. Có học giả đặt câu hỏi: “Nếu VOVINAM là Quốc võ, thì trước khi ra đời (năm 1938), tổ tiên ta đánh giặc và thắng giặc bằng gì?”.

Khả năng ảnh hưởng tới các môn võ cổ truyền

Tuy nhiên, như người xưa thường nói: “văn vô đệ nhất, võ vô đệ nhị”, việc tranh luận hơn thua trong võ, thật không có hồi kết. Điều cần thiết lúc này là nhận thức sao cho đúng để bộ môn nào cũng được tạo điều kiện phát triển như nhau. Việc “chỉ thầu” cho các tỉnh phải dạy võ Vovinam là không có cơ sở khoa học, đồng thời làm ảnh hưởng tới tất cả các võ phái khác.

Bên cạnh đó, tại rất nhiều địa phương, nhiều bộ môn võ thuật khác nhau đã được đưa vào nhà trường và triển khai rất thành công, trong phong trào "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực" do Bộ GD&ĐT phát động.
Dạy võ Cổ truyền Tây Sơn
Điển hình như tại tỉnh Yên Bái, ngành Giáo dục TX Nghĩa Lộ đã triển khai dạy võ thuật dân tộc Nhất Nam trong toàn bộ hệ thống các trường phổ thông, đã thu được những kết quả rất đáng phấn khởi, được dư luận xã hội đồng tình ủng hộ. Tại quê hương môn võ Tây Sơn - Bình Đình, phong trào học sinh tập võ của cha ông trong một số trường học cũng rất mạnh mẽ…Tại TP Hồ Chí Minh, các môn phái như Tân Khánh Bà Trà, Sa long Cương, các môn võ Thiếu Lâm, Nam Hồng Sơn, Karatedo, Taekwondo, Judo.v.v. cũng phát triển rất mạnh trong các nhà trường, đem lại bầu không khí sinh hoạt võ thuật sôi động và lành mạnh...

Do đó, nếu công văn nói trên đi vào cuộc sống, hàng loạt chương trình đào tạo võ thuật cho học sinh đang được triển khai của rất nhiều môn phái sẽ “chết yểu”. Hậu quả nhãn tiền đó là sự kỳ thị, thậm chí mâu thuẫn giữa các môn phái, phát sinh thành các vấn đề xã hội phức tạp khác. Nhiều võ phái vì không có học trò mà đóng cửa, những giá trị văn hóa phi vật thể theo đó mà mất dần…

Võ thuật dân gian Việt Nam từ ngàn đời đã tạo nên khí phách con người Việt. Hơn cả câu chuyện quyền cước, đó chính là văn hoá. Sự đa dạng về văn hoá làm giàu tài sản tinh thần của dân tộc. Do đó, không thể vì những cái nhìn trong ngắn hạn, mà phá bỏ huỷ hoại khối tài sản vô giá này.

Vì đây là một vấn đề lớn và nhạy cảm, nên chăng Bộ GD&ĐT cho dừng ngay việc triển khai văn bản này, đồng thời cho phép ngành giáo dục ở các địa phương được quyền chủ động lựa chọn bộ môn võ thuật phù hợp để đưa vào các nhà trường rèn luyện thể chất cho học sinh.

Họ đã nói

Ông Nguyễn Công Minh - thành viên Liên đoàn võ thuật tỉnh Nghệ An: “Trong xã hội Việt Nam hiện nay có hàng chục môn phái võ khác nhau đang cùng hoạt động, vì mục tiêu bảo tồn vốn cổ và tăng cường sức khỏe cộng đồng. Đối tượng chiêu sinh của các võ phái có tới 98% là thanh thiếu niên, những người đang trong độ tuổi đi học. Nay bằng mệnh lệnh hành chính này, Bộ GD&ĐT đã dành sự ưu ái thái quá cho bộ môn võ Vovinam, mà “đóng cửa” phát triển của các võ phái khác. Vì khi tất cả học sinh buộc phải tập Vovinam, thì các môn khác sẽ dạy ai? Hệ quả tất yếu là các võ đường, các CLB phải đóng cửa vì không có học sinh. Đây phải chăng là sự "chỉ thầu" trong đào tạo, giáo dục thể chất trong các nhà trường? hành động này nguy hiểm ở chỗ dẫn đến sự thất truyền, mất mát dần những tinh hoa văn hóa cổ truyền, làm nghèo nàn đi sinh hoạt võ thuật của nước nhà”.

Ông Nguyễn Văn Thắng - HLV môn phái Tây Sơn ở Hà Nội: “Những kỹ thuật đặc dị, mang tính riêng có và nguyên gốc đã làm nên một Thiếu Lâm Tự của Trung Quốc, một Taekwondo của Hàn Quốc, một Karate do của Nhật Bản. Ở nước ta, tiếng là võ Việt, nhưng quan sát kỹ hình thái chiêu thức, đòn thế, kỹ chiến thuật…của một số môn phái, thấy ngay bóng dáng của quyền thuật Trung Hoa...Nhiều võ sư không phủ nhận đó là “võ Tầu”, nhưng đã được “Việt hóa”. Cách tư duy “cá vào ao ta là của ta” cũng không vấn đề gì, nhưng đó không thể là sản phẩm “nội” thứ thiệt, vì vậy không thể có tiếng nói đại diện…”.

Ông Đào Hoàng Long - HLV môn phái Nhất Nam ở Yên Bái: “Võ ta xưa sinh ra từ làng quê, từ cuộc sống lao động nông nghiệp của cư dân Lạc Việt. Trải qua bao cuộc chiến tranh giữ đất, giữ làng, những kỹ thuật tự vệ - chiến đấu được hình thành dần. Võ ra đời từ đó và trở thành thứ vũ khí lợi hại của tổ tiên ta trong các trận đối đầu trực diện với kẻ thù hùng mạnh. Người Đại Việt vốn nhỏ bé nhưng nhanh nhẹn nên thường lấy thủ làm gốc, rèn thân pháp thật nhanh để tránh né đòn thù cho khéo, rồi chớp thời cơ nhắm vào điểm hở, điểm yếu, chỗ hiểm của địch mà “ xuất kỳ bất ý”, ào ạt tấn công để dứt điểm. Kỹ thuật cận chiến, xoay trượt, tiếp áp rồi bung ra hàng “sêri” đòn bằng kỹ thuật gật, lắc cổ tay; thuật cầm nã, tiếp vít, khóa quật…là những nét đặc dị của võ ta, xuất phát từ đặc điểm thể chất và tâm lý của con người Việt”.


Đào Công

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm