'Bong bóng an toàn' với thể thao Việt Nam

16/08/2021 16:50 GMT+7 | Thể thao

(Thethaovanhoa.vn) - Sau quãng thời gian khoảng 2 năm đình trệ vì dịch bệnh, các sự kiện thể thao đã dần được tổ chức trở lại để phục vụ đời sống tinh thần cho mọi người. Nhìn từ Olympic Tokyo, thể thao Việt Nam cần có thể làm quen với những khái niệm mới như “bong bóng an toàn” hay “thi đấu tập trung cách ly”…

Các tuyển thủ thể thao Việt Nam làm gì trong phòng cách ly?

Các tuyển thủ thể thao Việt Nam làm gì trong phòng cách ly?

Các thành viên của đoàn Thể thao Việt Nam sau khi đi thi đấu tại Olympic Tokyo hiện đang thực hiện cách ly y tế tại Hà Nội theo quy định phòng, phòng chống dịch Covid-19. Đây là khoảng thời gian khá đặc biệt với các tuyển thủ.

Olympic Tokyo là minh chứng rõ nét nhất cho 1 sự kiện thể thao được tổ chức thành công nhờ khái niệm “bong bóng an toàn” được áp dụng tới mọi thành viên. Là sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh, nước chủ nhà Nhật Bản ghi nhận hơn 11 nghìn VĐV của hơn 200 đoàn thể thao tham gia, một con số khổng lồ chưa tính tới số lượng trọng tài, quan chức, tình nguyện viên… trong bối cảnh dịch bệnh chưa hoàn toàn được kiểm soát.

Sự gắt gao phòng dịch góp phần giúp tất cả VĐV toàn tâm toàn ý với các cuộc tranh tài và tạo nên một trong những kỳ Olympic hấp dẫn nhất. Tất nhiên, cái giá phải trả cũng không hề nhỏ, với những thiệt hại kinh tế lẫn tinh thần CĐV khi khán giả phải vắng mặt không chỉ ở lễ khai mạc, bế mạc mà cả ở toàn bộ các cuộc thi đấu, ảnh hưởng tới doanh thu bán vé, đồ lưu niệm…

Những hoạt động đầu tiên mà thể thao Việt Nam làm quen với khái niệm “bong bóng an toàn” là các giải bóng đá quốc tế, khi ĐTQG tranh tài ở vòng loại thứ hai World Cup 2022 khu vực châu Á và Viettel tham dự ở vòng bảng AFC Champions League, trước khi mô hình này được áp dụng tại Việt Nam, với đợt tập trung của ĐTQG, U22 hay đội tuyển nữ Việt Nam, hướng tới các giải đấu như vòng loại cuối cùng World Cup 2022 khu vực châu Á, Vòng loại U23 châu Á, Vòng loại giải bóng đá nữ Vô địch châu Á 2022.

Điểm chung là các thành viên tham dự giải là họ đều được tiêm phòng, đồng thời phải đáp ứng những yêu cầu cực kỳ nghiêm ngặt của Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) như hạn chế tối đa việc tiếp xúc với bên ngoài, phương tiện di chuyển được bố trí riêng… Khi các đội tuyển bóng đang tập trung ở Hà Nội lần này, VFF cũng hạn chế tối đa việc tiếp xúc và cán bộ truyền thông sẽ phụ trách phần thông tin đội cho giới báo chí.

Theo thông tin mới nhất, trận đấu Việt Nam - Australia diễn ra vào ngày 7/9 trên SVĐ Mỹ Đình trong khuôn khổ vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á cũng không có khán giả, nhằm đảm bảo công tác phòng chống dịch.

Chú thích ảnh
Thể thao Việt Nam cần quan tâm phòng dịch hàng đầu khi hoạt động thi đấu trở lại.
Ảnh: Hoàng Linh

Được biết, đội tuyển Việt Nam, đội tuyển Úc và các quan chức Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA), AFC đến Việt Nam làm nhiệm vụ tại trận đấu sẽ không phải cách ly y tế theo quy định thông thường. Toàn bộ quá trình di chuyển, ăn ở, tập luyện và thi đấu của các thành viên này sẽ được diễn ra khép kín theo quy trình "bong bóng".

Các cơ quan chức năng cũng đã yêu cầu Liên đoàn bóng đá Việt Nam VFF báo cáo chi tiết kế hoạch tổ chức trận đấu. Đồng thời lập danh sách chi tiết số lượng, thành viên, các cá nhân sẽ nhập cảnh vào Việt Nam để chuẩn bị cho trận đấu…

“Bong bóng an toàn” cũng đang được áp dụng cho giải bóng rổ chuyên nghiệp Việt Nam (VBA) 2021. BTC đã được xây dựng theo hình thức “tập trung cách ly” lần đầu tiên được áp dụng cho toàn bộ các thành viên BTC và 8 đội bóng tại thành phố Nha Trang (Khánh Hoà). Họ tự cách ly tại khách sạn 14 ngày, 3 lần lấy mẫu xét nghiệm được thực hiện bởi CDC Khánh Hoà.

BTC phải chia làm 3 nhóm và các nhân sự sau khi được xét nghiệm âm tính. Ở đại bản doanh của các đội, số lượng nhân viên trực tiếp tiếp xúc với các thành viên giải được hạn chế chỉ hơn 30 người, làm việc và ăn nghỉ ngay tại khách sạn.

Tại địa điểm tập luyện và thi đấu là Nhà thi đấu Trường Đại học Nha Trang, BTC bố trí các phòng chức năng được lắp vách ngăn kính hay lối đi riêng, nhà vệ sinh riêng cho từng nhóm đối tượng… Việc di chuyển của các đội bóng cũng được khép kín với cung đường duy nhất từ khách sạn tới Nhà thi đấu và ngược lại, trên những phương tiện được bố trí riêng cho từng đội.

“Bong bóng an toàn” hay “tập trung cách ly” không còn xa lạ đối với những hoạt động thể thao trong nước và quốc tế. Tất nhiên, không tránh khỏi những vấn đề tâm lý khi bị cách ly trong thời gian dài, hạn chế hoạt động đối với mỗi VĐV, hoặc thi đấu không khán giả. Tuy nhiên, đảm bảo an toàn phòng dịch là yếu tố quan trọng nhất hiện tại. Cho nên, TTVN cũng cần thích ứng với hoàn cảnh khó khăn để tồn tại và phát triển trước đại dịch Covid-19.

* Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.

Bình Minh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm