BÀN TRÒN: Người hâm mộ Việt Nam không 'đói' bóng đá!

07/08/2015 13:15 GMT+7 | Thể thao

(Thethaovanhoa.vn) - Một mùa giải VĐQG châu Âu nữa lại khởi tranh thu hút sự quan tâm của đông đảo người hâm mộ trong nước. Sự quan tâm không chỉ là chuyên môn mà cả việc làm sao để thỏa mãn được cái sự quan tâm đầy tốn kém ấy. Đây cũng là nội dung cuộc phỏng vấn bàn tròn do Thể thao & Văn hóa cuối tuần tổ chức với sự tham gia của các cây bút thể thao quen thuộc: Hà Quang Minh, Lý Chánh, Trương Anh Ngọc và Phan Đăng.

Giải Ngoại hạng Anh giống... cô nàng dao kéo xinh đẹp!


Giải Premier League hấp dẫn với người xem

- Hà Quang Minh: Chúng ta hãy bắt đầu cuộc trò chuyện bằng 1 giải VĐQG bị coi là kém hấp dẫn - Serie A. Anh Lý Chánh và Anh Ngọc, hai người được xem là “thông thạo” nhất về bóng đá Italy nghĩ sao về việc Serie A có vẻ như khởi sắc nếu nhìn thị trường chuyển nhượng trước mùa giải?

- Lý Chánh: Cá nhân tôi nghĩ, chính thành tích của Juvetus mùa trước (vào đến chung kết Champions League) là cú hích cho các ngôi sao, dù là cũ, bắt đầu đến Serie A!

- Trương Anh Ngọc: Sự thất thố của Serie A với các giải khác chính là ở chỗ không cạnh tranh được về mặt tài chính, và từ việc thiếu tiền, nên họ mất cơ hội đưa về những cầu thủ đẳng cấp. Giờ thì họ có tiền và họ đã máu chi rồi. Đấy là điều đáng chú ý.

Cũng cần phải nói thêm, các ngôi sao cũ đã đến Serie A từ nhiều năm nay rồi, chứ không phải đợi đến thành công của Juve mùa trước. cụ thể là Milan đã đưa về đủ loại, từ Ronaldinho đến Beckham. Vấn đề của Serie A là tiền, các cầu thủ sống vì tiền và vì cơ hội được đá ở Champions League. Nếu anh không trả tôi tiền và không cho tôi sân khấu để chứng tỏ, tại sao tôi phải về với anh?

 - Phan Đăng: Năm ngoái, khi “bị” xem một trận giải Italy để bình luận trên sóng truyền hình, tôi thấy khủng khiếp với cái sân của nó quá. Trận đấu diễn ra trong mưa, và cái sân lầy lội không khác gì sân Chùa Cuối (Nam Định) một thời. Vì tôi không chuyên xem giải này nên không biết những cái sân - những hình ảnh như thế có nhiều không? Và với một hình ảnh như thế thì việc các ngôi sao lớn đến đây liệu có giúp cải thiện được hình ảnh giải đấu không?

- Lý Chánh: Đồng ý ở chỗ sân không đẹp cũng là một yếu tố làm các cầu thủ lớn phải cân nhắc khi đến Serie A. Nó cũng chẳng khác khi một công ty mời bạn làm việc, dù là công ty lớn nhưng điều kiện cơ sở vật chất tồi tàn hoàn toàn khiến bạn có thể quay lưng.

- Hà Quang Minh: Đúng là kinh tế Italy thì không bằng Anh hay Đức rồi, nhưng phải thừa nhận, bóng đá Italy bước ra châu Âu vẫn có một sức mạnh tiềm ẩn rất lớn. Nhưng cái họ thiếu là ngôi sao mang tính truyền thông cao và những thứ liên quan giúp tiếp thị giải đấu mà chuyện sân bãi, hình ảnh truyền hình là ví dụ. Các anh cũng thấy năm nay đó thôi, như mọi năm, chuyển nhượng ở Anh cũng tạo sức hút hơn.

- Phan Đăng: Theo tôi, cầu thủ, đội bóng làm nên phần “thịt” một giải đấu. Sân bãi, khán giả, bản quyền truyền hình làm nên phần “da” của giải đấu ấy. Thời buổi này một cô gái phải đẹp, kể cả đấy là cái đẹp đi qua phẫu thuật thẩm mỹ (nhưng ơn trời - đừng là Cát Tường) thì mới chinh phục được thiên hạ. Mà xét về “da” tôi nghĩ giải Anh 10 điểm, giải Italy 4 điểm.

- Lý Chánh: Cái này nói ngoài lề, cô gái qua thẩm mỹ mà đẹp thì vẫn tốt. Người Mỹ nói, các cô gái đẹp qua thẩm mỹ vẫn... “ngon cơm” (cười).

- Phan Đăng: Đồng ý anh Lý Chánh, dù tôi không theo chủ nghĩa hình thức. Còn về giải Anh, theo tôi, đấy là một cô gái đẹp qua phẫu thuật rõ ràng. Mà ai phẫu thuật nó? Chính FA và BTC giải Ngoại hạng cùng truyền thông, báo giới. Họ là những “bác sĩ dao kéo” tuyệt vời.

- Lý Chánh: Còn ở bóng đá Việt Nam, xem ra toàn bác sĩ thẩm mỹ Cát Tường?

- Phan Đăng: Không, trong bóng đá Việt Nam cũng có những “bác sĩ dao kéo” tốt đấy. Tiếc là chúng ta chưa có những thẩm mỹ viện tử tế để họ hành nghề mà thôi.

Chelsea là ứng viên số 1 giải Ngoại hạng Anh


Chelsea là ứng viên số 1 cho chức vô địch Premier League mùa tới

- Hà Quang Minh: Thế thì phải thừa nhận là các đội bóng Anh đã được “thẩm mỹ” tốt bởi cả các ông chủ lớn đúng không nào? Các anh cho một đánh giá về các đội bóng hàng đầu của Anh mùa này.

- Trương Anh Ngọc: Man City thiếu những chiến lược gia giỏi, Arsenal thiếu một kế hoạch lớn để đem đến chức vô địch, còn Liverpool thì thiếu cái đầu.

- Lý Chánh: Tôi vẫn cho rằng Chelsea là ứng viên số 1. Liverpool, theo tôi, không thể đưa vào hàng ứng viên được vào thời điểm này. Brendan Rodgers vẫn thiếu đẳng cấp để đưa một đội bóng đến danh hiệu vô địch.

- Phan Đăng: Tôi đồng ý với anh Lý Chánh, Chelsea vẫn có vẻ ổn nhất. Nhưng tôi chờ một cái gì đó từ Man Utd cơ. Vì sao lại chờ Man Utd. Vì “một năm bản lề” của Van Gaal xong rồi, giờ là lúc ông phải thực sự tạo ra dấu ấn, thậm chí mở ra một giai đoạn mới - giai đoạn ấn tượng hậu Ferguson.

- Trương Anh Ngọc: Man Utd là một dấu hỏi lớn. Tôi không tin là họ có thể vô địch, dù đã được đầu tư rất nhiều. Đội bóng của Van Gaal vẫn thiếu một triết lý bóng đá và một xương sống kỹ thuật, một cái hồn đậm nét như thời Sir Alex.

- Hà Quang Minh: Vậy thì các anh thử cho một dự báo về 4 vị trí dẫn đầu giải Ngoại hạng Anh mùa này. Tôi dự báo thế này: 1. Chelsea, 2. Arsenal, 3. Man Utd và 4. Man City.

- Phan Đăng: Tôi dự báo: 1. Chelsea , 2. Man Utd, 3. Man City, 4. Arsenal. Xin lỗi anh Minh nhé, vì tôi biết anh yêu Arsenal lắm!

- Lý Chánh: Top 4, theo tôi sẽ là: Chelsea, Man Utd,  Arsenal và Man City.

- Trương Anh Ngọc: Chắc vô địch vẫn là Chelsea, còn Man Utd và Man City tranh nhau vị trí thứ 2. Còn Arsenal luôn là Arsenal thôi, đá hay đoạn đầu và rồi rơi rớt điểm ở giai đoạn cuối, khi cuộc đua trở nên căng thẳng vào mùa Xuân.

- Hà Quang Minh: Thế còn Champions League? Theo các anh, những đội bóng Anh năm nay có làm nên trò trống gì không?

- Lý Chánh: Theo tôi, nước Anh năm nay sẽ rất mạnh tại Champions League và có nhiều đội tiến xa vì nhiều lẽ. Thứ nhất, các đội bóng Anh đều mạnh lên về lực lượng, Thứ hai là các đối thủ quan trọng đều yếu đi so với mùa trước. Cụ thể là Bayern bị rút ruột, Real và Ronaldo  qua chu kỳ đỉnh cao. Riêng với Barcelona, có lẽ họ khó giải được lời nguyền - không đội bóng nào vô địch 2 năm liên tiếp tại Champions League.

- Phan Đăng: Về Champions League, tôi chỉ tin vào Chelsea thôi. Vì trong nhóm 4 đội mạnh nhất nước Anh bây giờ, Chelsea là đội chơi bóng “quái” nhất. Và cũng vì năm ngoái, họ phải chịu một nỗi nhục Champions League thật khó nuốt trôi, khi thua ngược PSG, dù thi đấu hơn người. Với những cay cú dồn nén, cộng thêm độ quái và chiều sâu đội hình hiện tại, thậm chí tôi đặt cơ hội vô địch Champions League năm nay của Chelsea với Barcelona là ngang nhau.

- Hà Quang Minh: Tất nhiên, còn bắt thăm nữa nhưng nếu hình dung ra một kịch bản bán kết Champions League mùa này, các anh sẽ chọn những đội nào. Tôi chọn Barcelona - Real Madrid - Chelsea - PSG.

- Trương Anh Ngọc: Champions League thì tôi không tin Barca sẽ vô địch. Nhưng đội nào sẽ soán ngôi của họ thì rất khó nói. Vì các đối thủ cạnh tranh chính của họ như Bayern hay Real đều có những thay đổi lớn. Champions League  năm nay sẽ rất khó lường. Có thể có những bất ngờ lớn. Tôi hình dung Barcelona, Real, Bayern, PSG vào bán kết. Tóm lại là toàn nhà giàu. Biết đâu PSG vô địch?

- Lý Chánh: PSG ư? PSG vẫn quá non để vào bán kết Champions League. Real thì không còn ở đỉnh cao như đã đề cập, nhưng lại không kịp làm mới lại như Barca. Ngoài ra, Benitez, theo tôi là không đủ tầm để cầm Real. Tôi hình dung bán kết Champions League sẽ gồm: Barca, Chelsea, Bayern Munich và Arsenal.

- Phan Đăng: Tôi thì chọn thế này: 1. Barca, 2. Chelsea, 3. Bayern, 4. Juve. Hơi bất ngờ khi anh Chánh cho Arsenal vào nhóm bán kết Champions League. Theo tôi mặc dù đã có đươc Peter Cech, nghĩa là giải quyết được vấn đề nan giải tồn tại trong nhiều mùa giải qua, nhưng năm nay Arsenal vẫn rất khó vượt ngưỡng. Vì, Wenger bị cùn mòn rồi. Và vì, bản lĩnh trong những trận chiến thực sự của Arsenal có vấn đề.

Bóng đá không thể miễn phí, nhưng...



- Hà Quang Minh: Nhân nói đến Champions League, các anh có biết là hình như cho tới lúc này chưa một kênh truyền hình nào ở Việt Nam quyết định mua bản quyền giải đấu này hay không? Rất có thể, năm nay sẽ là một năm không Champions League với khán giả Việt Nam.

- Lý Chánh: Quá buồn. Tôi không tin.

- Phan Đăng: Cảm giác của anh Minh và anh Chánh thế nào nếu cái điều anh Minh vừa nói diễn ra (nếu thôi): 1 năm không Champions League? Tôi thấy đó là một giả tưởng cực kỳ thú vị.

- Hà Quang Minh: Tôi thấy nó trả lại cho chúng ta đúng cái mà chúng ta đáng lẽ ra phải nhận ra từ lâu rồi. Bóng đá không thể miễn phí. Nếu Man City sang Việt Nam, ta phải tốn tiền mời họ thì muốn xem các đội bóng chơi ở Champions League, chúng ta phải tốn tiền mua bản quyền và tự cân đối lấy nguồn thu. Thu không bù được chi thì đành chịu. Không thể mang tình yêu bóng đá ra để đòi hỏi một thứ tuân theo quy luật thị trường.

- Phan Đăng: Tôi lại nhin nhận ở góc độ cảm giác. Nếu vậy thì chúng ta sẽ có 1 năm “đói”, nhưng nhờ 1 năm “đói” ấy (thay vì ăn no nê bội thực như những năm vừa qua) mà biết đâu tình yêu bóng đá thực sự - cải cảm giác thức đêm xem bóng đá với tất cả những háo hức thực sự ngày xưa rồi sẽ trở về trong ta ở những mùa giải tới. Một lần “đói” để hâm nóng cảm xúc của mình có khi cũng có cái hay!

- Lý Chánh: Tôi không chịu đói được (cười). Tôi luôn tin, mọi thứ đều dựa vào luật cung cầu. Đây cũng là một cách gián tiếp để các nhà đài đánh tiếng với “khách hàng” của mình. Tất cả các nhà đài của ta đều đi lên từ thể thao, đặc biệt là bóng đá. Như HTV, VTV, VTC rồi K+. Sẽ chẳng ai biết tới K+ nếu như họ ra đời với chỉ các bộ phim, hoặc các chương trình mạo hiểm.

- Phan Đăng: Rất đúng, bóng đá là máu. Bản quyền là ống thở! Tôi không tin là bản quyền các giải đấu sẽ mất hút ở ta. Tôi nghĩ, bằng bất cứ giá nào các nhà đài ở ta cũng sẽ có nó, vì bên cạnh quy luật cung - cầu như anh Chánh nói, bản quyền còn là “bửu bối” duy trì sự sống cho một số nhà đài! Nói thật, với một vài kênh truyền hình, giờ tôi không thể tưởng tượng nổi sự sống của nó sẽ như thế nào nếu cái “bửu bối” bản quyền kia mất đi, hoặc rơi vào tay kẻ khác?

- Hà Quang Minh: Nhưng các anh thử nghĩ nhé. Năm nay, bản quyền Bundesliga nằm trong tay Fox. Và Fox đã phát sóng ở Việt Nam. Vậy thì các anh có nghĩ một ngày nào đó, các kênh quốc nội không mua nổi, và chúng ta được xem Sky, BBC Sport, Bein ở Việt Nam hay không? như Fox. Tôi cho rằng quy luật thị trường nằm ở đó. Kênh nào có đủ sức mạnh kinh doanh để mua bản quyền, họ sẽ vào cuộc. Sức mạnh ở đây không chỉ là tài chính đơn thuần.

- Lý Chánh: Không chính thức công bố, nhưng qua quảng cáo trên ti-vi, tôi thấy Fox mùa này chia sẻ bản quyền ở Việt Nam với SCTV. Mỗi nhà đài có định hướng riêng, rồi ngân sách để thực hiện nữa. Năm nay, Fox cũng phát giải Ngoại hạng Anh như SCTV.

- Hà Quang Minh: Tôi thì cho rằng năm nay sẽ là năm bản lề với khán giả Việt, họ sẽ nhận thấy có thể mình sẽ “đói” (như cách anh Đăng nói) và nhận ra rằng, bóng đá là một ngành công nghiệp cần tuân theo mọi quy luật kinh tế cơ bản nhất.

- Trương Anh Ngọc:  Chúng ta không đói bóng đá. Chúng ta thừa bóng đá là khác. Vấn đề là cần phải có những bi kịch, những bất ngờ, những câu chuyện giật gân. Những câu chuyện giật gân nhất mùa tới có thể là Barcelona bị loại từ vòng knock-out Champions League, Van Gaal bị sa thải ở vòng 30, Guardiola từ chức, Balotelli trở thành trai ngoan và đội Anh vô địch EURO 2016! Hãy chờ xem, trái bóng vốn tròn mà.

- Hà Quang Minh: Cảm ơn các anh về cuộc trao đổi thú vị. Vâng chúng ta cùng bước vào mùa giải mới với chờ đợi những bất ngờ mới.

Hà Quang Minh (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm