Ai về Dấu Cỏ?

14/05/2009 17:36 GMT+7 | Một chuyến đi

(Bài dự thi) -
Đó là một chuyến đi cuối cùng để từ biệt năm 2008. Tôi vẫn cứ ngỡ rằng đó sẽ là nơi sẽ cho mình bình yên bởi giữa núi xanh rừng thẳm, giữa mây mù che phủ, giữa những dòng suối róc rách chảy và tình người của nơi đây nhưng hỡi ôi...

Nơi ấy, những đứa trẻ ngơ ngác tay cầm khúc sắn luộc vừa chín tới, gặm tới tấp nhìn khách ghé qua, nơi ấy những đứa trẻ khoảng chừng 5, 6 tuổi còng lưng gùi gùi sắn to tướng trên lưng từ núi cao xuống đường cái bán được hai hoặc ba nghìn đồng. Một vùng đất mà dân bản quanh năm ăn sắn bởi xung quanh đất đai nhiễm Uranium nên chẳng có gì sống được. Chuyến đi cuối cùng từ giã chú trâu vàng không ngờ lại chỉ là những xót xa cho những đứa trẻ không may phải sinh ra trên vùng đất khốn khó này.

Gian nan lắm Dấu Cỏ ơi!

Bản Dấu Cỏ còn có tên gọi khác là Bản Mán (của đồng bào người Mông) hay bản Hạ Thành thuộc xã Đông Cửu, huyện Thanh Sơn, Phú Thọ. Quanh khu vực chừng 2km2 này chỉ có 18 hộ gia đình, phần lớn họ còn rất trẻ, thật thà và vô cùng mến khách. Khi chúng tôi đến đã quá trưa nên mọi người dân đã đi làm hết, chỉ còn những đứa trẻ quá nhỏ hoặc ngớ ngẩn đang thẫn thờ đứng hết góc suối này đến góc suối kia và tò mò nhìn khách với chiếc máy ảnh lăm lăm trên tay, miệng nhăn nhở cười. Có ai đó dám nhìn chúng được lâu không nhỉ?


Tôi vẫn nghĩ, chỉ những đứa trẻ không may mắn có bố hoặc mẹ nhiễm chất độc đioxin thì mới có hình dạng như thế nhưng ở đây, mấy chục đời nay, người dân sống quá cách biệt, chiến tranh chưa bao giờ đến, họ cũng chẳng hiểu nhiều lắm về chiến tranh, vậy có ai ra trận để mà nhiễm độc mang về chốn thâm sơn cùng cốc này? Vậy khu vực này bị nhiễm độc vì cái gì mà cứ vài ba năm lại có một đòan địa chất, một đòan khảo sát máy móc thiết bị đủ thứ với các chuyên gia cả ta lẫn Tây và Tàu lên, đo đo, vẽ vẽ, thử nghiệm, ghi chép rồi hứa hẹn sẽ di dời họ nhưng rồi dường như đoạn đường quá xa xôi nên người ta đã vô tình lãng quên những thân phận chốn xa xôi ấy? Tôi bỗng thấy thương những thân phận nghèo nàn của núi rừng Đông Cửu, họ thật thà quá để chờ đợi một cái kết đẹp cho mình và cho những đứa trẻ đang bắt đầu được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất mang nhiều nghi vấn về nhiễm một loại chất độc đặc biệt này.

Và cái chất độc ấy là chất Uranium, cũng có người gọi là Urani hay Uran… - những cách gọi khác nhau của cùng một nguyên nguyên tố hóa học thường được dùng trong lò phản ứng hạt nhân hoặc có thể dùng để chế tạo vũ khí hạt nhân, bom nguyên tử mà suốt ngày chúng ta vẫn nghe các phương tiện truyền thông đại chúng đưa tin. Thực ra thì ban đầu bà con bản Dấu Cỏ không hề biết vùng đất nơi mình sinh sống lại nhiễm cái chất độc đến từ hàng triệu triệu năm trước của vỏ trái đất này. Họ chưa bao giờ ra khỏi bản mình, chưa bao giờ có báo để đọc, chẳng có bất cứ một phương tiện truyền thông gì để xem nên cũng không biết cái thế giới bên ngòai nó văn minh đến mức nào huống hồ là biết về một loại nguyên tố hóa học hình thành từ vỏ trái đất của hàng triệu năm trước. Họ chỉ biết rằng từ những năm 80 của thế kỷ trước, cuộc sống của họ bình yên lắm, đẹp đẽ lắm và hàng ngày lên rẫy trồng cây ngô, đào củ sắn, đến mùa làm ít lúa sống đạm bạc vậy thôi.


Nhưng đùng một cái, năm 1989, một đòan địa chất Trung ương lên đây đào đào dò dò (chả biết để làm gì) xong rồi họ ghi ghi chép chép, cuối cùng trở về với nơi họ đến, để lại nơi đây những cái hố sâu mà theo thời gian nó cứ lở dần lở dần thành những hố to như cái giếng, đến mức nhiều người trong bản phải cắm cây xung quanh và cấm trẻ con đến đó. Quanh bản còn đầy hầm hố do cán bộ địa chất đào khảo sát của gần hai mươi năm trước. Cứ cách một mét lại có một "chiến hào" dài, chạy hết quả đồi nọ đến quả đồi kia, thẳng tắp! những khỏang đất chi chít các hố đào sâu tới 15-20m, dài... vô tận.

Rồi người dân cứ ốm đau liên miên, đi khám không phát hiện được bệnh gì. Đặc biệt, nhiều phụ nữ lấy chồng mang thai rồi không đẻ được vì thai bị nhiễm độc và chết lưu trong bụng mẹ luôn. Chẳng ai giải thích được lý do vì sao. Nhiều người xuống bệnh viện huyện Thanh Sơn khám, các bác sỹ ở đây phát hiện rất nhiều phụ nữ ở bản Dấu Cỏ có thai chết lưu đều cùng bị nhiễm độc. Các bác sỹ tập trung hỏi những thai phụ gia đình có ai đi chiến tranh không? tất cả ngạc nhiên và đều trả lời không. Thông tin người dân bản Dấu Cỏ với những căn bệnh lạ cũng đến tai một số cơ quan chức năng.

Ba năm- một lời hứa và những hy vọng mong manh

Năm 2005, một đòan cán bộ kéo nhau lên Dấu Cỏ kiểm tra, sau khi tiến hành đo đạc trong các hộ gia đình thì phát hiện có đến 14/18 hộ gia đình có khí độc trong nhà. Anh Lê Văn Chiêu, vợ phải qua 6 lần mang thai, hiện nay mới có được hai đứa con nhỏ nhưng đứa đầu cũng bị nhiễm độc, giờ đây nó chỉ có da bọc xương và còi cọc trông đến là tội nghiệp… vậy mà bao nhiêu năm qua, chính quyền các cấp vẫn làm ngơ, bỏ mặc họ nơi cái chốn thâm sơn cùng cốc ấy, chẳng biết đến bao giờ họ mới hết hoang mang vì cái thứ chất độc chết người này. Một số phóng viên lên Đông Cửu, ghé vào Dấu Cỏ nhìn tận mắt, chứng kiến tận mắt cuộc sống của bà con nơi đây, hứa rằng sẽ lên tiếng giúp đỡ họ nhưng rồi mấy mùa trăng đã qua, người dân bản Dấu Cỏ vẫn lặng lẽ sống với những củ sắn, bắp ngô, những đứa trẻ lớn lên cùng với đủ thứ tạp chất mà mấy chục năm trước chính các đòan địa chất lên đào để lại…


Họ không có đủ lúa gạo để ăn vì cây lúa còm cõi xác xơ bông chẳng được mấy hạt, các loại cây ăn quả không thể ra hoa, không thể kết trái, những cây ngô mòn vẹn bắp nhỏ vì đất đai hư hỏng nặng và cuộc sống của họ cứ khó khăn chồng lên khó khăn. Bây giờ, củ sắn là món ăn chính của bà con nơi đấy, họ đã chuẩn bị sắn cho cả năm, khó ăn lắm nhưng biết làm thế nào khi cái đói chực chờ hàng ngày với họ. Một vài chiếc xe tải vào đây mua sắn, vì vậy mà chiều bắt đầu xuống thì những đứa trẻ cao chưa đến một mét đã cùng nhau gùi những gùi sắn to trên lưng, cúi gập người vì nặng xuống núi, với mỗi gùi sắn như vậy cân được khoảng 15 đến 20 kg và bán được khỏang 7 nghìn đồng, họ sẽ sống thế nào với bảy nghìn ấy trong một ngày với bao nhiêu miệng ăn, bao nhiêu thứ chồng lên đó. Cái thông tin trong bản có mỏ độc với phóng xạ gì đó khiến nhiều người dân trong bản vô cùng lo lắng nhưng họ biết đi đâu, về đâu… họ vẫn phải bám vào mảnh đất này và sống tiếp những tháng ngày trên chính mảnh đất nhiễm độc ấy, ăn củ sắn, bắp ngô và uống nước suối (cũng bị nhiễm độc), đó là nguồn nước suối chung và không thể tha cho bất kỳ gia đình nào. Người dân bản Dấu Cỏ không ai dám đào giếng bởi càng đào xuống thì khí độc càng nhiều nên nước suối là biện pháp hữu hiệu nhất giúp họ phần nào hạn chế cái chất độc chết người ấy mà thôi.

Bản đồ phân bố các mỏ, điểm quặng Uranium do liên đòan địa chất xạ hiếm cung cấp cho báo chí cũng khẳng định rằng khu vực Thanh Sơn (nhưng không nói rõ nơi nào) có các mỏ xạ đất hiếm- uranium. Và theo thông tin không chính thức thì đã có báo cáo về tình trạng này ở nước ta (trong đó có tình trạng xạ hiếm của Thanh Sơn) đang được một số cơ quan hoàn tất trình cấp có thẩm quyền. Dù những "Trạm quan trắc môi trường phóng xạ" do "Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Liên đoàn Địa chất xạ hiếm (Bộ Tài nguyên Môi trường)" xây dựng được đặt ngay sát đầu dốc vào bản nhưng chưa có báo cáo khoa học nào khẳng định loại hoá chất này ảnh hưởng đến đời sống của bà con dân bản Dấu Cỏ.

Điều này khiến nhiều khách lên Dấu Cỏ đặt dấu hỏi nghi ngờ! Nhiều người lớn tuổi trong bản vẫn nhớ, mấy năm trước, có nhiều cán bộ lên kiểm tra, họ phải mặc những bộ quần áo đặc chủng mới dám đến các hố đất ấy để lấy mẫu về kiểm tra, vậy mà cho đến bây giờ họ dường như vẫn bàng quang với số phận của 18 hộ dân nơi này. Bản Dấu Cỏ cách đây hàng chục năm đã được các chuyên gia khuyến cáo (nói miệng) di dời. Nhưng cho đến bây giờ 18 hộ dân ở Dấu Cỏ vẫn phải sinh sống trên những "tia phóng xạ tử thần" ấy mà chưa biết cuộc sống mai này của mình ra sao?

Sau khi tiến hành kiểm tra các mẫu đất đá, ngô lúa và nguồn nước đều thấy bị nhiễm Urani thì UBND tỉnh Phú Thọ cũng có đề án di dời bà con đi nơi khác để được an tòan nhưng theo lời anh Lê Văn Chiêu (trưởng bản Dấu Cỏ) thì đồng nghĩa với việc mang các mẫu đi kiểm tra họ cũng mang theo cả cái đề án chuyển người dân Dấu Cỏ đi nơi khác và từ bấy đến nay không thấy quay lại. Và từ đó đến nay, mỗi khi có người lên Dấu Cỏ, lại lặng lẽ cái điệp khúc rất buồn là nhìn những người dân lặng lẽ lên rừng, kẻ lấy măng, người gùi sắn xuống núi vật vờ như một cái máy sống cho qua mỗi ngày... Chúng tôi tự đặt câu hỏi rằng tại sao đã có đề án di dời dân mà mãi vẫn không thực hiện, di dời họ đi đâu và bao giờ? Cơ quan nào sẽ đứng ra chịu trách nhiệm và chi tiền cho họ di dời có lẽ vẫn là một câu hỏi còn để ngỏ. Kết quả là bệnh tật, là hàng chục cái thai chết lưu! Nếu những căn bệnh kia là do phóng xạ mà một số nhà khoa học cũng như các cơ quan chức năng đã biết từ trước rồi để mà vẫn để mặc kệ họ như vậy thì trách nhiệm thuộc về ai?


Khi từ biệt Dấu Cỏ cũng là lúc mà đâu đó đã bắt đầu sắm tết nhưng những đứa trẻ vẫn cặm cụi gùi sắn xuống đường cái bán cho nhà buôn. Nhìn đứa trẻ cúi sát mặt nhìn vào bàn cân đếm từng cái vạch để tính số sắn mình vừa gùi về không được, cảm thấy một nỗi đau len lỏi sâu trong tận đáy lòng.

Chợt nghĩ đến năm mới sang, khi mà hàng vạn con người ở các nơi đang nô nức nhau chuẩn bị gạo nếp, thịt và hàng trăm thứ đồ xa xỉ khác để chuẩn bị cho một năm mới thì có những con người sống giữa heo hút núi rừng vẫn trung thành với củ sắn, bắp ngô và cái rét cắt da cắt thịt. Thương lắm và đau lắm Dấu Cỏ ơi!

Võ Thúy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm